Thật vinh dự và tự hào cho Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chúng tôi khi là thành viên của Đoàn công tác số 18 trên hải trình thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/9 (Ba Kè). 7 ngày trải qua khắc nghiệt của sóng gió và cách trở, để thấu hiểu những hy sinh, kiên trung thầm lặng, lớn lao của biết bao thế hệ người lính, làm nên lá chắn vững chắc từ hướng biển, điểm tiền tiêu thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc.
Lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương trong từng lời ca tiếng hát
Trên hải trình thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn công tác số 18 đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển”, nhằm ca ngợi Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo Việt Nam, người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, thu hút sự tham gia đông đảo của các đội và đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp cũng như giúp các đại biểu thêm yêu biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
CBCNV Petrovietnam tham gia đoàn công tác hát tặng và giao lưu với các chiến sĩ tại các điểm đảo và nhà giàn DK1/9. |
Cuộc thi bao gồm các đội đến từ Petrovietnam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh, Hội Đo lường Việt Nam, Trường Cao đẳng Hàng hải I, Cục Hải quan Hải Phòng, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Công đoàn Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Quân chủng Hải quân,…
Đoàn Petrovietnam rất vui và háo hức khi được thông báo tham gia cuộc thi ngay trên hải trình và trên boong tàu KN-390, tuy thời gian gấp rút nhưng ai nấy đều vui mừng và phấn khởi. Khi biết cuộc thi sẽ diễn ra, toàn đội đã động viên nhau và lên kế hoạch chọn bài, tập luyện nghiêm túc và khẩn trương.
Đội văn nghệ xung kích của Petrovietnam tích cực tập luyện theo sự hướng dẫn của lãnh đạo Tập đoàn và đội trưởng đội văn nghệ. |
Đồng chí Huỳnh Mỹ Hạnh đến từ Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và là đội phó đội văn nghệ xung kích của Petrovietnam cho biết: “Trước khi đến với hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/9, đội văn nghệ xung kích đã chọn lọc kỹ lưỡng, đóng tập thành cuốn “Những ca khúc ca ngợi biển đảo quê hương, tình yêu đất nước”, tôi và đội phó Châu Khiếu Minh đã phối hợp hiệu quả theo chỉ đạo của đồng chí Lương Thị Hồng Nhung – Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Thư ký Đoàn công tác số 18, Đội trưởng đội văn nghệ xung kích của Petrovietnam để cả đội chủ động trong công tác phối hợp tập luyện”.
Đồng chí Huỳnh Mỹ Hạnh hát tặng chiến sĩ trên đảo An Bang. |
Đồng chí Huỳnh Mỹ Hạnh xúc động bày tỏ: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được là một thành viên của đội văn nghệ xung kích của Petrovietnam. Chúng tôi, mỗi một thành viên là hạt nhân văn nghệ của từng đơn vị được lãnh đạo đơn vị cử làm đại biểu tham gia Đoàn công tác số 18. Ngoài giờ sinh hoạt chính thức theo chương trình ấn định của hải trình “Vì Trường Sa thân yêu”, chúng tôi đã chuyên cần và nhiệt tình cùng nhau mỗi ngày trên tàu để mong sao được cất cao lời ca tiếng hát tặng các chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tiếng hát ấy được hát với lòng tự tôn dân tộc, tình yêu đất nước quê hương và tình cảm quân dân bền chặt để đất nước tình yêu luôn nuôi dưỡng tâm hồn người chiến sĩ nơi biển đảo tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió; để những người lính được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, khắc phục muôn vàn khó khăn, kiên cường giữa muôn trùng khơi, vì Tổ quốc Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc; cũng như lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Dầu khí đến với các đại biểu trong Đoàn công tác số 18 và các chiến sĩ hải đảo thêm hiểu về công việc của người Dầu khí chúng tôi”.
Không giống như những chương trình văn nghệ ở đất liền, chương trình văn nghệ trên biển, sân khấu là boong tàu đung đưa trong gió và sóng biển. Vượt qua những con sóng bạc đầu, từ boong tàu KN-390, tiếng hát của các “ca sĩ không chuyên” cất lên khiến ai cũng bồi hồi, xúc động.
CBCNV Dầu khí cháy hết mình đem lời ca, tiếng hát hòa cùng sóng biển, cùng nhịp đập thương yêu của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. |
Giữa trùng khơi sóng gió, những câu hát “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…” (Tổ quốc nhìn từ biển); hay “Từ biển khơi đến miền rừng núi cao/Cờ Đoàn ta mang ảnh Bác với tên Người vĩ đại Hồ Chí Minh, công ơn của Bác như biển trời/Tình Người ấm trong tim ta trên đường chiến đấu…” (Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ); “Mùa xuân đến từ những giếng dầu/Mùa xuân đến từ những nụ hoa thắm màu/Mùa xuân đến rạo rực lòng ta/Mùa xuân đến làm đẹp bài ca…” (Mùa xuân từ những giếng dầu) được các ca sĩ không chuyên đến từ đội văn nghệ xung kích Petrovietnam trình bày với niềm tự hào về ngành nghề của mình, lan tỏa nét đẹp văn hóa của “những người lính Dầu khí đang chạy đua với thời gian để tìm nguồn vàng đen từ lòng đại dương sâu thẳm về làm giàu cho tổ quốc, quê hương mình”.
“Giữa biển trời Tổ quốc mênh mông/Nhà giàn rung rung theo nhịp sóng/Giật từng cơn suốt mùa biển động/Ý chí vững vàng làm con sóng rẽ ngang…” (Mùa xuân và người lính biển), đây là ca khúc do chính những người lao động Dầu khí sáng tác và tác giả viết lời ca khúc là anh Châu Khiếu Minh đến từ Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU)… Tất cả các “ca sĩ không chuyên” trên con tàu KN-390 từ mọi miền đất nước, từ các Bộ, ban ngành, đoàn thể đã hát với cảm xúc dâng trào và xúc động vang lên lúc trầm, lúc bổng trên mặt sóng mênh mông giữa muôn trùng biển cả bao la.
Đội văn nghệ xung kích của Petrovietnam giành 1 giải Nhất và 1 giải Ba tập thể; 2 giải Nhì đơn ca đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển”. |
Đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển”, Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xuất sắc giành 1 giải Nhất và 1 giải Ba tập thể; 2 giải Nhì đơn ca thuộc tiết mục trình diễn của đồng chí Châu Khiếu Minh (PVU) và đồng chí Ninh Trọng Tuấn (PV College).
Đồng chí Châu Khiếu Minh (PVU) xúc động chia sẻ: “Đứng trên boong tàu KN-390 giữa biển trời bao la Tổ quốc, cách đó không xa là các đảo Len Đao, Sinh Tồn và Gạc Ma…, tôi cứ nhắm nghiền mắt lại và hát những câu đầu tiên của ca khúc “Mùa xuân và người lính đảo”. Một cảm xúc dâng trào trong lồng ngực làm nghẹn cả giọng hát. Tôi nhớ về những khuôn mặt thân thương của 64 chiến sĩ, những người đã hòa mình vào lòng biển quê hương và những kỷ vật vẫn còn lưu lại ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh. Tôi nhớ về hình ảnh của bố tôi – một người chiến sĩ Hải quân – từ tấm hình chụp những ngày đầu nhập ngũ vào giữa năm 1963. Tôi thấy nụ cười của các chiến sĩ trên tàu KN-390, trên các đảo Đá Thị, An Bang và những điểm đảo chìm, đảo nổi mà Đoàn công tác đặt chân đến, có cả những cái bắt tay, ôm chặt tình quân, dân. Ca khúc được sáng tác khi tôi chưa ra Trường Sa, đến bây giờ khi vượt qua từng con sóng để đến thăm đảo và nhà giàn, tôi mới thấm thía hết được những khó khăn, gian khổ của các anh. Tôi tự hào về cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc, quý mến tình cảm quân dân. Tôi tự hào mình là con của một người chiến sĩ Hải quân. Thật may mắn được hát ca khúc do nhạc sĩ Vũ Hường và tôi sáng tác ngay trên sân khấu đặc biệt, trong không gian rất thiêng liêng này. Tôi sẽ không bao giờ quên được món quà quý giá đó”.
Tình yêu “Biển, đảo Tổ quốc” trong trái tim người Dầu khí
Trên hải trình, Ban tổ chức cũng đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc tôi”, viết cảm nhận và sáng tác về Trường Sa, về biển đảo, được các thành viên trong Đoàn tích cực hưởng ứng với 202 bài thi tìm hiểu, cảm nhận về Trường Sa, nhà giàn DKI và nhiều bài thơ cảm nhận sâu sắc. Tổng kết cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 12 giải cho các bài viết xuất sắc, trong đó Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng, gồm: Giải Nhất thuộc về đồng chí Lê Phước Khôi – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS); 2 giải Ba thuộc về đồng chí Trương Nguyệt Ánh – Ban Quản lý Hợp đồng Dầu khí Tập đoàn và đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm – Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes; giải Sáng tạo nghệ thuật được trao cho đồng chí Châu Khiếu Minh – Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU).
Ban tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải. |
Cuộc thi không chỉ góp phần nâng cao kiến thức về biển đảo và chủ quyền biển đảo Việt Nam cho các đội thi và các đại biểu tham gia Đoàn công tác số 18 mà còn tạo cơ hội giao lưu, gắn kết giữa các đội với nhau khi cùng tham gia hải trình Trường Sa thân yêu. Đồng thời, đây là cơ hội giúp người Dầu khí chúng tôi lan tỏa nét đẹp văn hóa của “những người đi tìm lửa” với tình yêu biển cả quê hương qua những vần thơ, tiếng hát và những cảm nhận về Trường Sa, nhà giàn DK1/9 thân yêu; và đây sẽ mãi là dấu ấn kỷ niệm đẹp với Đoàn công tác của Petrovietnam trong hải trình tìm hiểu về “Biển, đảo Tổ quốc tôi” cũng như lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương đến tất cả mọi người.
Đồng chí Lê Phước Khôi, Phó Chủ tịch Công đoàn PV GAS, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc tôi”, viết cảm nhận và sáng tác về Trường Sa, về biển đảo vui mừng chia sẻ: “Chiều ngày 15/5/2024, tôi đang vội về chuẩn bị thay trang phục tham dự lễ tổng kết toàn đoàn, bỗng nghe tiếng gọi “Anh Khôi ơi, em nhờ anh tí việc. Em nhờ anh đọc bài cảm xúc của anh để em để thu âm”, Tôi khá bất ngờ và hỏi lại “Là sao nhỉ?”
“Bài của anh được giải Nhất, anh có bài viết ở đó không?” Hơi lúng túng và chạy đi một lúc, tôi chợt nhớ mình có chụp lại trên điện thoại và sự lúng túng tiếp theo là tôi khó đọc chữ của chính mình qua điện thoại. Tôi nghĩ: “Mà không sao, từ cảm xúc nên sẽ đọc được thôi…”. Cảm giác khó tả vì khi đọc lại bài của mình, cảm giác như một ly nước được trộn lại, cảm xúc được dâng lên như lúc viết. Tôi đã không nghĩ rằng bài của mình được chú ý vì xung quanh tôi, những người bạn văn chương thơ phú rất nhiều, tôi biết được khi đọc thơ của họ, khi nói chuyện với họ, nhưng tôi viết vài dòng cảm xúc và nghĩ chắc chẳng ai đọc đến bài mình nên tôi đã viết bằng giọng văn cảm xúc thật sự như văn nói và đó là lời nói từ trái tim. Tôi nhìn các em, các cháu chiến sĩ như con mình vậy, tôi cảm giác thương yêu họ và đặc biệt khi nhìn thấy tấm ảnh người bạn đồng hành cùng tuổi tôi là anh Phạm Hùng đến từ Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) ôm và “hôn” má một chiến sĩ, tôi thấy yêu thương làm sao đó”, anh Lê Phước Khôi vui vẻ chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải.
Đồng chí Lê Phước Khôi – Phó Chủ tịch Công đoàn PV GAS cùng đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm với quà tặng giải Nhất trong cuộc thi tìm hiểu về chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc tôi”. |
Đồng chí Lê Phước Khôi xúc động cho biết thêm: “Khi được xướng tên mình trong buổi tổng kết, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì cũng góp phần đem niềm vui đến cho Đoàn công tác dầu khí. Và vui hơn khi nhận được bức tranh “Hoa bàng vuông Trường Sa” thật đặc biệt, không biết nhiếp ảnh gia nào quá hay khi có được một bức hình đẹp gói trọn cả tâm hồn Trường Sa trong đó, sức sống mãnh liệt và nét đẹp lan toả của hoa bàng vuông tượng trưng cho người chiến sĩ Trường Sa. Tôi trân quý món quà và đã giữ cẩn thận để đem về Thành phố mang tên Bác mà tôi đang sống và làm việc, món quà này sẽ là một trong những động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho cuộc sống và công việc của mình”.
Hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/9 của Đoàn công tác số 18 đã thành công tốt đẹp và những dấu ấn kỷ niệm của CBCNV Dầu khí đã lan tỏa và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các đại biểu. Chị Đỗ Xuân Dung – Phó Giám đốc Đại học Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sáng tác bài thơ “Anh em Trường Sa”, trong đó tác giả viết: “Kia Dầu khí phong trào như vũ bão/Văn hoá, Hải quan, Nông nghiệp rộn lời ca/Đây Giáo dục, Đo lường, Hàng hải/Hành chính quốc gia… cùng ca ngợi Bác Hồ”.
An Nhiên – Nguyễn Hiển