Sáng 14.3, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 3 (khoá XIII), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đã trình bày “Tờ trình về việc báo cáo một số nội dung chuẩn bị buổi làm việc giữa Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN với Thủ tướng Chính phủ”, “Tờ trình về Quy định quản lý báo chí, xuất bản trực thuộc Tổng LĐLĐVN”.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị Đoàn Chủ tịch xem xét cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2023, trọng tâm phối hợp công tác năm 2024.
Trong đó có các nội dung như đánh giá kết quả 7 trọng tâm phối hợp công tác theo kết luận; 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đánh giá tình hình thực hiện 11 kiến nghị theo kết luận, trong đó có 7 kiến nghị đã thực hiện, 2 kiến nghị đang thực hiện và 2 kiến nghị chưa thực hiện. Những tồn tại, hạn chế; trọng tâm phối hợp công tác năm 2024; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 8 kiến nghị tại buổi làm việc năm 2024…
Về “Tờ trình về Quy định quản lý báo chí, xuất bản trực thuộc Tổng LĐLĐVN”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu trình bày 2 phương án để các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thảo luận.
Phương án 1: Đối với đơn vị tự chủ chi thường xuyên trở lên: Đảm bảo dung lượng thông tin về công nhân, công đoàn bình quân từ 15-20% trên các loại hình báo chí, bình quân 15% đầu sách về lý luận, nghiệp vụ công đoàn, pháp luật lao động, văn học công nhân, công đoàn. Đối với đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên hoặc chưa được phê duyệt phương án tự chủ: Đảm bảo dung lượng thông tin về công nhân, công đoàn bình quân từ 30-50% trên các loại hình báo chí, bình quân 50% đầu sách về lý luận, nghiệp vụ công đoàn, pháp luật lao động, văn học công nhân, công đoàn.
Phương án 2: Đảm bảo từ 30-50% dung lượng thông tin về công nhân, công đoàn trên báo, tạp chí in và điện tử; 50% đầu sách về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn, pháp luật lao động, tác phẩm văn học viết về công nhân, lao động, công đoàn.
Theo laodong.vn