Để làm nên chất lượng khai thác dầu khí của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro trong nhiều năm qua, là hàng chục đề tài khoa học và hàng trăm sáng kiến, sáng chế của những người có “bàn tay vàng” mà phần đông là cựu chiến binh (CCB) – Những người lính Cụ Hồ từng được tôi luyện trong môi trường Quân đội, đang ngày đêm lao động sản xuất trên các công trình biển – bờ của Vietsovpetro với khát vọng: Cho ngọn lửa giàn khoan ngày ngày đỏ lửa.
Xà lan kéo chở chân đế và Topside của giàn khoan BK Thiên Ưng ra biển lắp đặt – ứng dụng Đề tài khoa học của CCB Tô Văn Đức. |
Những ngày này, mặc dù tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đang tất bật chạy đua với thời gian nhằm khai thác được nhiều nhất, chất lượng cao nhất dầu khí cho Tổ quốc, với tinh thần “Giữ lửa cho tương lai”, nhưng khi tôi xin tìm hiểu về ý nghĩa của các đề tài khoa học và những sáng kiến, sáng chế trong môi trường lao động đặc biệt này, thì “cây sáng kiến” CCB Tô Văn Đức vẫn vui vẻ giành thời gian trao đổi.
Anh Đức nói: “Đã là đề tài khoa học, hay sáng kiến, sáng chế, ở đâu, ngành nghề gì cũng đòi hỏi phải bảo đảm được ba yếu tố căn bản, là: Mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn và phổ biến. Với công việc khai thác dầu khí dưới biển, liên doanh quốc tế, trong môi trường rất khắc nghiệt thì lại càng khó, nên giỏi chuyên môn mới chỉ là một điều kiện cần – nhưng chưa đủ, mà còn phải có “khát vọng cống hiến”. Có lẽ vì thế mà nhiều đề tài khoa học và các sáng kiến, sáng chế của CCB được ứng dụng nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Vì CCB đã từng được tôi luyện trong môi trường Quân đội – đây cũng là một lợi thế.”
CCB Tô Văn Đức trải lòng, anh bảo, sáng kiến, sáng chế đối với anh là khát vọng không ngừng. Cũng chính vì thế mà nhiều năm qua, trên tất cả các cương vị đảm nhiệm, lúc nào anh cũng có khát vọng tìm tòi, học hỏi, cống hiến và “tạo ra sản phẩm” có lợi cho Xí nghiệp Vận tải biển và Công tác lặn, nơi anh đang làm việc, thuộc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro.
Chúng tôi được biết, anh Đức đã làm chủ 3 đề tài khoa học các cấp, được tặng nhiều bằng sáng tạo, chứng nhận, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Điển hình như, sáng kiến số 1544/VSP ngày 14/2/2012: “Thiết lập mới và thực hiện phương án di chuyển chân đế siêu trường siêu trọng từ vị trí hạ thủy vào vị trí tiếp nhận/lắp đặt trên biển bằng việc sử dụng 4 tàu định vị động lực (DP)”; đề tài khoa học “Phương án tổ chức đưa tàu Trường Sa từ cảng Dung Quất về cảng Vũng Tàu sau giai đoạn 1 nâng cấp/sửa chữa” được phê duyệt theo quyết định số 42-231/L ngày 29/10/2012 của Giám đốc Xí nghiệp VTB&CTL” – được Vietsovpetro áp dụng, làm lợi hơn 1 triệu USD.
Sơ đồ thiết kế lai kéo tiếp nhận xà lan chở chân đế vaf topside vào cập mạn tàu cẩu – đề tài mang lại giá trị kinh tế cao cho Vietsopetro. |
Anh Đức cho biết: Không chỉ anh, mà còn rất nhiều những CCB luôn mang trong mình khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu khoa học, đóng góp nhiều sáng kiến sáng chế, mang lại giá trị kinh tế cao, như sáng kiến “Thiết kế chế tạo hệ thống bơm dầu bù áp kích thước lớn nâng cấp cho các máy siêu âm và máy đường kính của karat” của CCB Trần Quốc Huy, thuộc Hội CCB Bảo vệ Vũ trang – Địa, Vật lý; sáng kiến “Chế tạo thiết bị Valve Catcher” của CCB Đinh Ngọc Quỳnh (Hội CCB Xí nghiệp Khai thác – Cơ điện). Hay đề tài “Tận dụng các thiết bị của trạm tời cũ” của CCB Đinh Ngọc Quỳnh và Tương Quốc Thắng (Hội CCB Xí nghiệp Khai thác – Cơ điện) đã được áp dụng thành công trong lao động sản xuất khai thác dầu khí của Vietsovpetro, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Đặc biệt, Đề tài về Chuyển đổi số của Tiến sĩ Đặng Đình Công – Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro đã làm lợi cho Vietsovpetro hàng triệu USD. Ngoài ra, anh còn có 6 sáng kiến, sáng chế khác ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành chuyên môn. Anh chia sẻ: “Những sáng kiến sáng chế, đề tài khoa học do các CCB làm nên, không chỉ khẳng định trình độ và khát vọng cống hiến, mà còn góp phần tô thắm truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ của người lính Cụ Hồ”.
Những ngày này, tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro đang dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất với tinh thần “Giữ lửa cho tương lai”. Trong “guồng quay” ấy, gần 300 cán bộ, hội viên CCB đang ngày đêm lao động trên các công trình biển – bờ. Họ miệt mài như những con ong chăm chỉ trên những giàn khoan giữa nắng gió biển khơi. Áo họ đẫm mồ hôi nhưng nụ cười rạng rỡ. Bởi họ đang lao động với tất cả sự cống hiến, để từ đây cho ra đời những sáng kiến, sáng chế và đề tài khoa học hữu ích cho Vietsovpetro.
Còn CCB Đinh Ngọc Quỳnh – người có nhiều sáng kiến, sáng chế áp dụng thành công trong lao động, sản xuất của Xí nghiệp Khai thác Dầu khí thì cho rằng: “Sáng kiến sáng chế và đề tài khoa học được áp dụng vào lao động sản xuất không chỉ đem lại lợi ích cho Vietsovpetro, mà còn trở thành động lực thúc đấy phong trào thi đua trong CCB Vietsovpetro nói riêng, Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung – với khát vọng: “Cho ngọn lửa giàn khoan không bao giờ tắt”.
Theo Mai Thắng/Cuuchienbinh.vn