Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 17/12/2008. Trải qua 15 năm với 3 nhiệm kỳ Đại hội, hoạt động của tổ chức Đảng ở đây đã hòa mình trong những cung bậc cảm xúc rất mãnh liệt. Vinh quang lớn, thành công trong sản xuất kinh doanh rất nhiều, nhưng có lúc như “con tàu sắp đắm” vì phải đối mặt với những cuộc đại khủng hoảng… Nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo toàn Tập đoàn vượt qua muôn vàn sóng dữ để có được niềm tin của Đảng, của nhân dân và xứng đáng là doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Đến hôm nay, vẫn có không ít người tự hỏi: “Vào lúc ấy, nếu không có tổ chức Đảng thì chuyện gì đã xảy ra?”. Phóng sự này sẽ lý giải câu hỏi đó.
Khi đặt bút viết phóng sự này, tôi bỗng nhớ lại lần được dự buổi lễ kết nạp Đảng viên mới trên con tàu chở dầu Athena của Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans).
Biển đêm đen ngòm. Biển động, gió cấp 8, những con sóng cao hàng mét vỗ liên hồi làm con tàu hơn 100 ngàn tấn lắc lư như lên đồng. Trong căn phòng là nơi sinh hoạt chung trên tàu, buổi lễ được tiến hành trang nghiêm và chỉ có hai đảng viên mới mặc trang phục thủy thủ, còn tất cả là quần áo bảo hộ lao động, Bí thư Chi bộ ở trên công ty mới ra cũng chả có comple, cà vạt gì cả…
Lễ kết nạp hai đảng viên mới là Thuyền trưởng Nguyễn Thế Việt và Đại phó Trần Ngọc Thường diễn ra thật ấm áp, giản dị. Anh em trên tàu Hercules đang neo cách đó 2 hải lý sang dự cũng rất vui. Từ Singapore, Bí thư Đảng ủy – Tổng Giám đốc PVTrans Phạm Việt Anh đang đi công tác cũng đã gọi điện về chúc mừng các đảng viên mới.
Kết nạp đảng viên mới trên tàu |
Phải tổ chức kết nạp Đảng cho các anh ở trên tàu bởi vì con tàu chỉ dừng lại ở ngoài khơi biển Vũng Tàu có 2 ngày rồi lại đi sang Nam Mỹ… Và có lẽ phải gần nửa năm sau, các anh mới quay trở về Việt Nam.
Năm 2016, tôi có một chuyến ra giàn công nghệ trung tâm CTK-3 của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Và ngay lập tức, tôi chú ý tới một người Nga đã lớn tuổi làm đốc công tại đây.
Hỏi ra mới biết ông là Nicolai, người đã có 11 năm làm việc trên giàn.
Vợ ông làm ở Viện Thiết kế của Liên doanh Vietsovpetro. Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu Nghị và từng được Tổng thống Nga Putin tặng danh hiệu “Công nhân dầu khí tiêu biểu của nước Nga”.
Trong buổi làm việc, nghe lãnh đạo giàn trao đổi về những khó khăn và về những biện pháp mà Xí nghiệp Khai thác cũng như của Vietsovpetro đang thực hiện, ông Nicolai nói chắc nịch: “Không có vấn đề gì. Ở đây có nhiều đảng viên”.
Tôi nghe mà tưởng như anh Phạm Minh Tuấn, Đảng ủy viên Xí nghiệp Khai thác, Giàn phó CTK-3 dịch nhầm. Tôi hỏi lại, ông nở nụ cười tươi rói: “Tôi không lo, ở đây có nhiều đảng viên. Họ sẽ vượt khó khăn thôi”.
Tôi dò hỏi:
– Ở đây có tổ chức Đảng à?
Ông nhìn tôi ngạc nhiên:
– Có chứ.
Tôi lại hỏi:
– Họ báo cáo với ông mỗi khi sinh hoạt à?
– Không. Nhưng họ bàn gì, làm gì, tôi đều biết.
Vẫn không tin lắm lời của ông, tôi “quay”:
– Vậy ông có biết ai là đảng viên ở đây không?
– Tất nhiên là tôi biết ?
– Ông có thể đọc tên được không?
Chẳng chút suy nghĩ, ông đọc ngay, bằng tiếng Việt:
– Viên này, Công này, Quyết này, Toàn này… À, Kim, Hiếu, Quốc
Vừa nói đến tên ai, ông đếm ra trên đầu ngón tay. Và ông đếm được… 12 người.
Tôi hỏi anh Vũ Chí Công, Bí thư chi bộ của giàn:
– Chi bộ ở giàn có bao nhiêu đảng viên hả anh Công?
Anh Công nói luôn:
– Có 26, nhưng sinh hoạt ở 6 nơi khác nhau. Những đồng chí mà ông Nicolai vừa nói là công tác ở giàn này.
Đến thế này thì tôi hoàn toàn bị ông “đánh gục” bởi danh sách đảng viên trên giàn mà ông vừa đọc.
Tôi lại hỏi vặn:
– Tại sao ông biết những người đó là đảng viên? Họ phải báo cáo với ông ư?
Ông Nicolai lắc đầu:
– Họ không báo cáo, nhưng tôi biết họ là đảng viên, bởi vì họ là những người lao động giỏi, gương mẫu và giữ gìn kỷ luật tốt nhất trên giàn. Tôi biết Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ chọn những người ưu tú để đưa họ vào hàng ngũ.
Đến lúc này thì tôi hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” những điều ông Nicolai vừa nói. Và thực sự rất kính nể khi ông nói về vai trò của người đảng viên rất giản dị, nhưng đầy sức thuyết phục như vậy.
Sinh hoạt Đảng trên giàn PQP-HT |
Anh Vũ Chí Công, là người có thâm niên làm trên giàn hơn chục năm và cũng là Bí thư Chi bộ giàn mới cho hay rằng mỗi khi có việc gì khó khăn, khi họp bàn cách giải quyết, nếu thấy mọi người im lặng, là ông lại nói: “Đảng viên các anh ở đâu?”. Và mỗi lần ông nói vậy, các đảng viên trên giàn lại thấy như va vào điểm chạm của động lực và sức sáng tạo.
Mới năm trước thôi, tôi đã được chứng kiến một buổi sinh hoạt Đảng của Chi bộ Lọc hóa Dầu Nghi Sơn. Chỉ có hơn chục đảng viên mà phải sinh hoạt online và có đảng viên, vừa lái xe đi tuần tra theo ca, vừa tham gia sinh hoạt Đảng bởi lẽ ở đây, sinh hoạt Đảng phải tổ chức ngoài giờ.
Nói lại chuyện cũ một chút để mọi người thấy việc sinh hoạt Đảng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam rất mang tính đặc thù và cực kỳ phong phú. Và có lẽ trong tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì không đâu có tính đặc thù nghề nghiệp cao như ở Tập đoàn Dầu khí.
Trước hết địa bàn hoạt động của người làm nghề tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí cực kỳ rộng. Ở Việt Nam thì có lẽ trừ vài thành phố vùng đồng bằng, còn mũi khoan của người dầu khí đã thăm dò không sót chỗ nào. Vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông của Việt Nam thì khỏi phải nói. Nhưng đâu chỉ có địa bàn trong nước, người dầu khí còn có mặt ở vùng cực Bắc nước Nga đến sa mạc Sahara; rồi vùng rừng rậm Amazon, vùng hoang mạc ở Venezuela…
Với hàng chục giàn khoan của Việt Nam và của các liên doanh với nước ngoài trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta, đó không chỉ là những nơi làm kinh tế mà còn thể hiện chủ quyền vững chắc của Việt Nam trên Biển Đông. Nếu nói một cách không quá thì những người dầu khí đang làm việc tại các giàn khai thác trên Biển Đông là những “chiến binh giữ biển”.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng là doanh nghiệp đi tiên phong việc mở rộng hợp tác quốc tế với những dự án dầu khí quan trọng. Có những dự án thành công mĩ mãn, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao như dự án ở Nhenhetxky (vùng Cực Bắc nước Nga), hợp tác với Malaysia khai thác ở vùng chồng lấn hoặc như dự án Bir Seba (Algeria). Tất nhiên, cũng có nhiều dự án đã gặp rủi ro lớn như dự án Junin 2 (Venezuela), dự án 67 (Peru).
Dự mỏ Bir Seba tại Algeria (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải) |
Ngành dầu khí là một ngành chứa đựng sự rủi ro lớn nhất trong tất cả các ngành nghề. Bởi lẽ không ai nhìn được thấu đáo trong lòng đất sâu hàng km. Một mũi khoan thăm dò không thấy dầu là mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD nếu như khoan trên biển. Rủi ro đến với dầu khí không chỉ ở các vấn đề kỹ thuật trong tìm kiếm thăm dò mà còn ở những yếu tố địa – chính trị khác, không ai có thể lường trước được. Như dự án ở Lô 67 – Peru. Dự án này nằm trong vùng rừng rậm Amazon có trữ lượng rất tốt, được Chính phủ Peru ủng hộ, tạo điều kiện. Nhưng đến khi khai thác được dầu lên thì vấp phải một khó khăn vô cùng lớn, đó là thổ dân trong vùng rừng rậm Amazon ngăn cản một cách quyết liệt. Họ không cho chính phủ đặt đường ống dẫn dầu đi xuyên qua rừng; họ chăng dây trên sông ngăn cản sà lan chở dầu; họ đưa ra đủ yêu cầu từ việc phải cung cấp lương thực thực phẩm, đến thuốc chữa bệnh, thậm chí xi măng cho họ xây nhà… Không cách gì có thể thỏa thuận được với thổ dân, cho nên, dự án gần như đình trệ trong khi phía đối tác là Perenco và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã đổ vào đây hàng trăm triệu USD.
Rồi dự án Junin 2 ở Venezuela, Chính phủ của ông Hugo Chavez đã rất ưu ái khi dành cho Việt Nam toàn bộ lô 39 tại đây với trữ lượng cả tỷ thùng dầu. Mọi việc đang diễn biến thuận lợi thì ông Hugo Chavez qua đời, cùng lúc giá dầu thế giới giảm thê thảm, tình hình chính trị Venezuela diễn biến phức tạp, thế là dự án phải dừng lại… Mà đâu chỉ có Petrovietnam chịu thiệt hại ở dự án này, Nga, Trung Quốc cũng đã mất vào Junin gần 5 tỷ USD mà chưa khai thác được một lít dầu nào. Nhưng người ta bảo “cơm không ăn thì gạo còn đó”, quyền của Petrovietnam tại Junin 2 vẫn còn nguyên đó và gần đây, nghe phong thanh Chính phủ của Tổng thống đương nhiệm tiếp tục cam kết thúc đẩy phương thức hợp tác dầu khí để xử lý dự án này với Việt Nam trên tinh thần hợp tác hữu nghị, đôi bên cùng có lợi.
Sự rủi ro trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã đặt ra một nguyên tắc bất thành văn cho các tập đoàn dầu khí trên thế giới, đó là, phải liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, đã có hàng chục công ty thăm dò khai thác đổ vào vùng thềm lục địa Việt Nam hơn 13 tỷ USD mà không thu được gì.
Với tính đặc thù cao như vậy, nhưng đến trước năm 2008, công tác Đảng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lại hoạt động phân tán. Đơn vị có trụ sở ở địa phương nào, thì sinh hoạt với Đảng bộ địa phương đó, theo mô hình từ giữa những năm đất nước còn chiến tranh. Vì thế nảy sinh tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”; và mỗi nơi làm theo đặc thù của địa phương nơi mình sinh hoạt. Chính điều này, đã gây không ít khó khăn cho Tập đoàn mỗi khi phải tập trung toàn bộ sức mạnh hệ thống chính trị, bố trí cán bộ cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược hoặc triển khai một dự án lớn hay một nhiệm vụ đặc biệt nào đó.
Nhằm chấm dứt tình trạng này, đầu năm 2008, Đảng ủy Tập đoàn đã báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng đề án thành lập Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện các hoạt động của Tập đoàn.
Đồng chí Nông Đức Mạnh – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ I |
Ngày 6/11/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã có Kết luận số 31-KL/TW về việc thành lập Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ngày 17/12/2008, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ra quyết định số 849-QĐ/ĐUK thành lập Đảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, gồm 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 6.727 đảng viên; Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gồm 35 ủy viên.
Đảng bộ Tập đoàn cũng có một độc đáo khác, đó là từ khi thành lập đã hình thành Ban Tuyên giáo chuyên trách – Thật ra ở các tập đoàn và công ty nhà nước có bộ phận tuyên giáo nằm trong Đảng ủy, nhưng không có một Ban Tuyên giáo chuyên trách như ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Những ngày đầu, không nhiều người hiểu sự cần thiết phải có một Ban Tuyên giáo và cho rằng, nghề tuyên giáo là nghề “cờ đèn kèn trống, băng rôn khẩu hiệu”. Chỉ sau này, từ năm 2015, Tập đoàn Dầu khí lâm vào cuộc “đại khủng hoảng” chưa từng có trong lịch sử xây dựng và phát triển, thì lúc đó mới thấy nếu không có một Đảng bộ chỉ đạo thống nhất, toàn diện các mặt công tác từ Tập đoàn tới các “công ty con, công ty cháu” và không có một Ban Tuyên giáo hiểu sâu sắc được 3 chữ “đi”: Đi trước mở đường – Đi cùng cổ vũ – Đi sau tổng kết, thì có lẽ Tập đoàn đã không tồn tại được cho đến ngày hôm nay.
Nguyễn Như Phong