18/11/2023 10:53:41

Petrovietnam làm việc với Ngân hàng SMBC về thị trường vốn vay quốc tế

Trong tuần đầu tháng 11/2023, Ban Tài chính Kế toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có các buổi làm việc trực tiếp với đại diện Lãnh đạo cấp cao của bộ phận cho vay hợp vốn khu vực châu Á Thái Bình Dương – Ngân hàng SMBC Singapore để trao đổi, cập nhật tình hình thị trường tín dụng quốc tế và xu hướng chuyển dịch năng lượng của khu vực định chế tài chính thế giới, tác động đến hoạt động thu xếp vốn của Petrovietnam.

SMBC là một trong những ngân hàng quốc tế hàng đầu trên thị trường tín dụng châu Á, có mạng lưới hoạt động tại 39 quốc gia và lãnh thổ và là ngân hàng lớn thứ hai của Nhật Bản tính theo quy mô tài sản. SMBC đã có quan hệ tín dụng tốt đẹp với Petrovietnam và một số đơn vị thành viên thông qua việc tham gia cho vay dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, NMNĐ Nhơn Trạch 3-4…

Petrovietnam làm việc với Ngân hàng SMBC về thị trường vốn vay quốc tế
Đại diện Ban Tài chính Kế toán làm việc với SMBC về thị trường cho vay hợp vốn khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Theo thông tin cập nhật từ SMBC về thị trường cho vay hợp vốn khu vực Châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) trong năm 2023, khối lượng các khoản tín dụng hợp vốn chỉ đạt gần 400 tỷ USD tính đến hết tháng 9/2023, trong đó doanh số tín dụng trong quý III/2023 đã giảm xuống 86,2 tỷ USD, mức thấp kỷ lục trong vòng 11 năm qua. Một lý do chính của sự giảm sút này là hoạt động cho vay M&A đã suy yếu (chỉ đạt gần 14 tỷ USD tính đến cuối tháng 8/2023) trong bối cảnh chi phí vốn gia tăng và giá tài sản sụt giảm. Trong khi đó, các khoản vay tái tài trợ (refinancings) vẫn là động lực chính cho hoạt động tín dụng của khu vực này với doanh số đạt gần 114,7 tỷ USD trong giai đoạn tháng 1 – 8/2023. Về doanh số theo khu vực địa lý, tính từ đầu năm tới nay, khối lượng tín dụng của khu vực Đông Bắc Á chiếm 63% tổng doanh số khu vực châu Á Thái Bình Dương, Úc chiếm trên 14%, Nam và Đông Nam Á chiếm gần 23%.

Đại diện Ban Tài chính Kế toán cũng trao đổi với SMBC về một số dự án đầu tư của Tập đoàn/đơn vị thành viên, cập nhật về một số thay đổi trong thời gian gầy đây về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 của Ngân hàng Nhà nước) và đề nghị SMBC xem xét, nghiên cứu khả năng cho vay các hoạt động M&A của Petrovietnam trong thời gian tới. Với năng lực, kinh nghiệm cung cấp nhiều khoản vay M&A cho các công ty trong khu vực châu Á, SMBC bày tỏ sự mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Petrovietnam để đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các nguồn vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn.

Petrovietnam làm việc với Ngân hàng SMBC về thị trường vốn vay quốc tế
SMBC giới thiệu chính sách của SMBC về lộ trình chuyển dịch hướng đến mục tiêu Net Zero

Tiếp đó, ngày 10/11, Ban Tài chính Kế toán Petrovietnam đã phối hợp với các ban chuyên môn liên quan đã có buổi trao đổi với các chuyên gia của bộ phận Các giải pháp bền vững (Sustainable Solution Dept) thuộc SMBC Hội sở chính – Tokyo và SMBC Singapore. Tại buổi trao đổi, SMBC giới thiệu chính sách của SMBC về lộ trình chuyển dịch hướng đến mục tiêu Net Zero (Transition Finance Playbook), trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đẩy mạnh tài trợ cho các lĩnh vực đóng góp vào năng lượng xanh/năng lượng tái tạo và đặc biệt là các chính sách tài trợ vốn đối với các dự án năng lượng hóa thạch gồm khâu đầu, khâu cuối ngành Dầu khí, điện khí LNG… Một trong những tiêu chí quan trọng khi SMBC xem xét tài trợ cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng là dự án phải phù hợp với mục tiêu giới hạn sự nóng lên của trái đất không quá 1,5oC.

Tại buổi làm việc, các ban chuyên môn Tập đoàn đã tham gia trao đổi, ghi nhận chính sách, lộ trình chuyển dịch của SMBC, đồng thời nhấn mạnh SMBC cần tiếp tục hỗ trợ các dự án đầu tư của Petrovietnam/các đơn vị thành viên trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, do đó bắt buộc phải sử dụng khí tự nhiên như một nguồn năng lượng chuyển tiếp để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục duy trì trao đổi, cập nhật tiến trình chuyển dịch năng lượng của mỗi bên để có thể thúc đẩy việc xem xét tài trợ của SMBC cho 1 số dự án đầu tư của Tập đoàn như NMNĐ Ô Môn 4, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

PV