03/11/2023 10:13:32

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 9/2023

Câu 1.

Trường hợp nào thì Công đoàn chỉ bầu chức danh Chủ tịch và không bầu Ban Chấp hành?

Trả lời:

Căn cứ Mục 9 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì các trường hợp sau Công đoàn được bầu chức danh Chủ tịch và không bầu Ban Chấp hành như sau:

“9. Ban Chấp hành công đoàn các cấp theo Điều 11

9.1. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn các cấp do đại hội, hội nghị công đoàn cấp đó quyết định như sau:

1. Công đoàn cơ sở

…………………..

– Nơi có dưới 10 đoàn viên bầu chức danh Chủ tịch (không bầu Ban Chấp hành)

……………………………

9.4. Nơi không bầu Ban Chấp hành, chỉ bầu chức danh Chủ tịch (có dưới 10 đoàn viên) thì đồng chí Chủ tịch triệu tập, chủ trì hội nghị toàn thể đoàn viên và ban hành nghị quyết của hội nghị công đoàn khi có ít nhất 2/3 số đoàn viên công đoàn tham dự hội nghị và quá ½ số đoàn viên tham dự nhất trí thông qua”.

Câu 2.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 181 Bộ luật Lao động năm 2019 thì trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện như sau:

“Điều 181. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động

1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết”.

 

Câu 3.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp A có được chi trả chi phí đi lại khi nghỉ phép hàng năm không?

Trả lời:

– Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 141/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phạm vi áp dụng được quy định như sau:

“1. Thông tư này quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật (gọi tắt là cán bộ, công chức) làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp (dưới đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị).

2. Phạm vi thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Thông tư này bao gồm các khoản sau:

a) Tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép hàng năm.

b) Thanh toán tiền lương hoặc tiền bồi dưỡng cho những ngày được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm”.

– Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Thông tư 141/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện như sau:

…………………………..

3. Các đơn vị, tổ chức không sử dụng kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp được vận dụng quy định tại Thông tư này để thực hiện và phải được ghi trong hợp đồng lao động hoặc thoả ước tập thể. Khoản thanh toán tiền tàu xe đi phép năm; thanh toán tiền lương, tiền bồi dưỡng đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm hoặc chưa nghỉ đủ được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.”

Do đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 141/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên, doanh nghiệp được vận dụng các quy định phù hợp trong Thông tư để áp dụng chế độ chính sách đối với NLĐ.

– Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì mức hỗ trợ thanh toán chi phí đi lại cho cán bộ nhân viên khi nghỉ phép hàng năm như sau:

“Điều 67. Tiền tàu xe, tiền lương trong thời gian đi đường, tiền lương ngày nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác.

1. Tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 6 Điều 113 của Bộ luật Lao độngdo hai bên thỏa thuận.

……………………..”.

– Căn cứ Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Lao động  năm 2019 quy định nội dung thỏa ước lao động tập thể như sau:

“Điều 75. Thỏa ước lao động tập thể

……………………….

2. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật”.

Như vậy, pháp luật đã khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi trả chi phí đi lại khi nghỉ phép của CBNV là hợp pháp. Công đoàn doanh nghiệp A nên phối hợp cùng chuyên môn tổ chức buổi đàm phán, thương lượng, thỏa thuận về việc chi trả chi phí đi lại khi nghỉ phép của NLĐ và bổ sung nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể để thực hiện.

 

Câu 4.

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 62 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022) thì hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

“Điều 62. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị

1. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.

2. Căn cứ vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình công tác theo từng quý, 06 tháng và hằng năm.

3. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị và tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.

 

Câu 5.

Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh được quy định như thế nào kể từ ngày 01/01/2024?

Trả lời:

Căn cứ Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (Luật số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022) có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh được quy định như sau:

“Điều 74. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh

1. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động;

b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;

c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;

d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;

đ) Công nhân, nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho doanh nhân, trí thức, nhà khoa học chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ban, ngành, địa phương được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.

3. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;

b) Lập được thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;

c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;

d) Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng”, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều này hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Bộ, ban, ngành, địa phương được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.

5. Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng cho hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội.

6. Bộ, ban, ngành, tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn xét tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình thuộc thẩm quyền quản lý”.

Văn phòng Tư vấn pháp luật