Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngày 19/9, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Chỉ thị số 6167/CT-DKVN cập nhật mục tiêu, giải pháp nhằm bảo đảm kế hoạch quản trị năm 2023, với 5 cụm giải pháp về nâng cao sản xuất, kinh doanh, tài chính, đầu tư, chuỗi liên kết giá trị. Nhằm hiện thực hóa các giải pháp trên, ngày 22/9, tại TP HCM, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị điều hành, nhà thầu dầu khí đang quản lý các lô/mỏ trên thềm lục địa Việt Nam, tiến hành rà soát, đề ra các giải pháp đảm bảo thực hiện kế hoạch khai thác dầu khí năm 2023.
Tham dự buổi làm việc có ông Trần Bình Minh – Thành viên HĐTV Tập đoàn, ông Lê Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị điều hành dầu khí thuộc Petrovietnam, cùng các đối tác, nhà thầu quản lý các lô/mỏ dầu khí trong nước.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong toàn Tập đoàn là phải kiên định mục tiêu tăng trưởng, hoàn thành và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao ngay cả trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhất, tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị điều hành dầu khí nhanh chóng rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá đầy đủ khó khăn, thách thức, báo cáo cụ thể về kế hoạch tổ chức triển khai, các giải pháp, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch quản trị năm 2023.
|
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Tập đoàn tình hình hoạt động khai thác dầu khí trong 8 tháng đầu năm, nhận định về cơ hội, rủi ro, thách thức trong thực hiện kế hoạch sản lượng cả năm.
Mặc dù xuất hiện yếu tố tích cực khi giá dầu tháng 8 tăng, nhưng tình hình cung cầu, thị trường vẫn tồn tại rất nhiều bất cập; giá phân bón giảm, huy động điện thấp kéo theo huy động khí rất thấp so với kế hoạch cũng như cùng kỳ, tác động đến chỉ tiêu khai thác dầu thô và dư thừa khí; nhiều khó khăn, áp lực tác động đến mục tiêu gia tăng trữ lượng dài hạn cũng như gia tăng sản lượng khai thác theo kế hoạch của các đơn vị. Như kế hoạch khoan khai thác gặp khó khăn trong việc huy động các phương tiện nổi, giàn khoan trong bối cảnh thị trường khan hiếm và giá thuê cao. Một số cụm mỏ có cấu tạo địa chất – công nghệ mỏ rất phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến động thái khai thác. Các công ty điều hành chung (JOCs) đa phần gặp phải tình trạng trang thiết bị sau nhiều năm vận hành liên tục cũng bộc lộ những khiếm khuyết, hư hỏng cần được bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế kịp thời, có thể dẫn đến nguy cơ không đáp ứng được mức huy động khí cao. Một số đơn vị không thể có các đầu tư lớn do thời hạn hợp đồng dầu khí sắp hết hiệu lực gây ảnh hưởng đến công tác phát triển mỏ, mở rộng vùng hoạt động…
Mặc dù vậy, các đơn vị đã không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị, giải pháp kỹ thuật, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh, hạn chế tác động từ các yếu tố bất lợi; tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, nghiên cứu xu thế biến động thị trường để triển khai hoạt động khai thác phù hợp, đặc biệt tận dụng cơ hội gia tăng dòng tiền, lợi nhuận tại các thời điểm giá dầu thuận lợi…
Tổng quan trong 8 tháng đầu năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao từ 3-29%; trong đó khai thác dầu thô đạt 7,06 triệu tấn, vượt 14,5% kế hoạch. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Tập đoàn và các nhà điều hành trong việc duy trì sản lượng khai thác, trong khi hầu hết các mỏ chủ lực của Việt Nam đều đang trên đà suy giảm tự nhiên; cũng như thể hiện tính hiệu quả trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật duy trì sản lượng khai thác nhưng vẫn bảo đảm an toàn mỏ.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại cuộc họp, các nhà điều hành như Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông – BIENDONG POC, Idemitsu, Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước(PVEP-POC), Công ty Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC), Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long – Hoàn Vũ (HL-HV JOCs), Công ty Dầu khí Nhật Việt (JVPC)… trình bày nhiều giải pháp về địa chất – kỹ thuật, can thiệp giếng, khoan đan dày, các giải pháp về công nghệ, quản trị điều hành… nhằm đảm bảo duy trì sản lượng khai thác trong cả năm 2023; đồng thời đánh giá, đề xuất các cơ hội gia tăng sản lượng trong tương lai với các đối tượng mới tiềm năng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã kiến nghị Tập đoàn hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn liên quan đến các thủ tục pháp lý, thúc đẩy Chính phủ, các Bộ, ngành sớm xem xét, phê duyệt các kế hoạch phát triển mỏ/mở rộng vùng hoạt động, gia hạn hợp đồng dầu khí cho từng đơn vị, sẵn sàng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tại buổi làm việc, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Thành viên HĐTV Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn đã cùng các nhà điều hành thảo luận về các ý kiến, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời trao đổi cụ thể về kế hoạch, nhiệm vụ của những tháng cuối năm; cung cấp các thông tin làm rõ, trả lời các kiến nghị, đề xuất của từng đơn vị, nhà điều hành về chiến lược phát triển dài hạn.
Sau khi nghe báo cáo, trao đổi thảo luận, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị điều hành dầu khí, nhấn mạnh những mặt đạt được, chưa đạt được so với mục tiêu quản trị đề ra. Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị các đơn vị rà soát, đánh giá lại các mặt hạn chế, rủi ro và có kế hoạch, giải pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp; tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành, tiết giảm chi phí, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, nâng cao hệ số thu hồi dầu… hạn chế đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cùng với đó là tiếp tục nỗ lực bám sát, thúc đẩy các dự án đầu tư thăm dò, khai thác.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết giá trị đã hình thành và đang triển khai, cũng như có sự trao đổi, phối hợp phát triển các chuỗi liên kết giá trị mới để phát huy tối đa các nguồn lực, hạ tầng sẵn có, góp phần bảo đảm thực hiện hóa chuỗi giá trị đầu tư, gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra dự án Sao Vàng CPP. |
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động các mục tiêu kế hoạch cụ thể, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, lao động sáng tạo; động viên tinh thần, giữ vững niềm tin, quyết tâm nơi người lao động, phấn đấu cùng đơn vị hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần vào kết quả chung của Tập đoàn. Đây là sự khẳng định trách nhiệm, vai trò của đội ngũ người lao động dầu khí đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Tổng Giám đốc Petrovietnam cũng chỉ đạo các Ban chuyên môn tích cực phối hợp với các đơn vị xử lý các thủ tục pháp lý liên quan, thúc đẩy phê duyệt các kế hoạch phát triển mỏ, mở rộng vùng hoạt động, gia hạn hợp đồng dầu khí.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định, Petrovietnam sẽ luôn đồng hành và ủng hộ, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị; đồng thời đề nghị các nhà điều hành tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, đề ra và thực hiện hiệu quả các giải pháp trong công tác thăm dò, khai thác, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2023./.
Trúc Lâm