26/03/2015 12:14:35

Giảm giá để… tồn tại!

Ngày 24/3 tại trụ sở Tập đoàn, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có buổi làm việc với các nhà điều hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật… về việc giảm giá dịch vụ kỹ thuật trên tất cả lĩnh vực ở khâu thượng nguồn. 

Chủ trì buổi làm việc có Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn; Thành viên Hội đồng thành viên Đinh Văn Sơn, Vũ Khánh Trường; Phó tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng cùng đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn liên quan.

Về phía các nhà điều hành, nhà thầu và đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật, có đại diện Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro), Tổng công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan (PVD), Tổng công ty CP vận tải dầu khí (PV Trans), Biển Đông POC, Hoàng Long – Hoàn Vũ, Vietgazprom, Lam Sơn JOC, Cửu Long JOC, Thăng Long JOC…

Theo báo cáo của Ban quản lý đấu thầu, thực hiện chỉ đạo của Hội đồng thành viên về việc tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn, tổng số 487 hợp đồng đã được các nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ đàm phán từ đầu năm 2015, qua đó mức giảm thiểu chi phí cũng đạt tới con số 112 triệu USD.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Xuân Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tuy vậy, Ban quản lý đấu thầu nhận thấy, dù việc đàm phán khá phức tạp và mất tương đối nhiều thời gian nhưng vẫn còn “dư địa” cho vấn đề này. Hiện Ban quản lý hợp đồng đã phân toàn bộ số hợp đồng dầu khí có thể đàm phán thành 03 dạng hợp đồng là hợp đồng còn hiệu lực, hợp đồng đã hết hạn (có nhu cầu gia hạn) và hợp đồng mới để các đơn vị dễ dàng hơn trong việc xác định các nhóm công việc cần ưu tiên.

Với hợp đồng còn hiệu lực, thống kê cho thấy các hợp đồng thuê giàn khoan mức đàm phán giảm được từ 3 đến 9%, trung bình 6%; với hợp đồng dịch vụ khoan mức giảm dưới 5%, hợp đồng thuê tàu dịch vụ giảm 3-9%, hợp đồng dịch vụ trực thăng không giảm, hợp đồng mua sắm thiết bị cũng không giảm…

Với hợp đồng có nhu cầu gia hạn, như vận hành mỏ, mức giảm trung bình chỉ dưới 5%.

Với hợp đồng gia hạn, thì đây là dạng hợp đồng có thể mở thầu nên mức giảm khá cao. Cá biệt có các hợp đồng thuê giàn khoan của Vietgazprom giảm được tới 30%, của Vietsovpetro là 26%.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hùng Dũng đề nghị các đơn vị ưu tiên cho các hợp đồng có giá trị lớn

Theo báo cáo của đại diện các nhà điều hành, đa số ý kiến đều thống nhất rằng, trong lúc thời điểm giá dầu biến động theo hướng kém tích cực như hiện tại, 100% số nhà thầu đang hoạt động đều thực hiện nghiêm túc lời “hiệu triệu” của lãnh đạo Tập đoàn.

Báo cáo với lãnh đạo tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVEP Hoàng Ngọc Đang chia sẻ, sự thiện chí, thông cảm của PTSC và PVD đang giúp PVEP tiến nhanh đến yêu cầu của lãnh đạo Tập đoàn. PVEP cho rằng, các nhà thầu vừa cảm ơn PVD, PTSC nhưng cũng phải vừa chia sẻ với các đơn vị dịch vụ. Khó khăn lớn nhất là các hợp đồng đã ký dài hạn, vì vậy việc giảm giá dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí, sự thông cảm của đối tác. Với giá logistic, tiêu biểu có hợp đồng thuê tàu dịch vụ của mỏ Sông Đốc (thuê theo nhu cầu chứ không thuê dài hạn như trước đây) đã giảm khá tích cực, từ đó giảm bớt áp lực cho mỏ cũng như đơn vị đang điều hành mỏ.

Về phần Vietsovpetro, Phó tổng giám đốc Nguyễn Huy Tuấn cảm ơn PVD đã tiên phong giảm giá thuê giàn khoan PVD-3 tới 30%, từ đó đối tác Nga cũng đã giảm mức tương đương 30% với giàn khoan phía bạn đang cung cấp dịch vụ cho Liên doanh. Chi phí khoan chiếm khá lớn trong phần chi chí hằng năm, vì vậy Vietsovpetro đang trở thành điểm sáng trong việc tiết giảm chi phí.

Theo Tổng giám đốc Cửu Long JOC Nguyễn Văn Quế, nhà thầu này cũng đang tích cực đàm phán với các nhà thầu về vấn đề giảm chi phí. “Đàm phán dịch vụ chỉ là 1 mảng, hai mảng còn lại giảm đáng kể là rà soát lại chi phí trong năm 2015 (khoan thăm dò, phát triển mỏ 630 triệu USD xuống còn còn 500 triệu USD) sau khi hợp lý hóa, tối ưu hóa và thay tàu nhỏ công suất hơn; và tối ưu hóa kho vật tư.”

Tổng giám đốc PVD Phạm Tiến Dũng báo cáo lãnh đạo Tập đoàn tiến độ thực hiện chỉ đạo của HĐTV

Bổ sung thêm những nhận xét về đơn vị mình, Tổng giám đốc PVD Phạm Tiến Dũng chia sẻ, Tổng công ty còn lấn cấn về hợp đồng thuê giàn khoan PVD-5 của Biển Đông POC. Tổng giám đốc PVD đề nghị lãnh đạo Tập đoàn sớm có đánh giá đặc biệt, ưu tiên hơn để các đơn vị liên quan không phải lo lắng đến lợi nhuận, từ đó đẩy nhanh dòng tiền cho những dự án tiếp theo.

Có một thực tế là PVD đã giảm giá rất nhiều. Đây không phải lời nói suông mà tất cả nhà thầu đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều thừa nhận PVD rất trách nhiệm khi đàm phán với từng hợp đồng, bất kể lớn nhỏ. Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị Tập đoàn cần rà soát từng hợp đồng chứ không nên áp đặt một con số cứng nhắc cho chính sách tiết giảm chi phí nói chung.

Về phần PTSC, Tổng giám đốc PTSC Phan Thanh Tùng thừa nhận, mức giảm của PTSC chưa nhiều. Tuy nhiên, bản thân PTSC là thương hiệu cạnh tranh trong khu vực khá lâu, giá dịch vụ của PTSC khá tốt và chất lượng của người lao động PTSC cũng không hề thấp. Yếu tố cấu thành giá của PTSC phụ thuộc một phần vào giá nhiên liệu, một phần phụ thuộc vào nước ngoài (thiết bị, gói mua sắm).

PTSC là một trong những thương hiệu Việt Nam đang lên trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao. Muốn ra biển lớn thì phải có tiềm lực tài chính. Duy trì dịch vụ, nâng cao vị thế, tên tuổi của một công ty dịch vụ cần rất nhiều thời gian và sức lực.

Tổng giám đốc PTSC báo cáo lãnh đạo Tập đoàn tại buổi làm việc

Nhận xét về thực trạng các nhà điều hành, nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hiện tại Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hùng Dũng biểu dương các đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Các đơn vị cân đối, xem xét trên cơ sở giá chào, giá cung cấp dịch vụ của khu vực, từ đó đưa ra giá phù hợp. Có những lĩnh vực như thuê giàn khoan, nhà cung cấp dịch vụ rất nhiều, việc đàm phán giảm giá là phải làm thường xuyên.

Liên quan đến loại hình dịch vụ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn đề nghị các đơn vị tập trung vào những hợp đồng có giá trị lớn, thật đáng lưu tâm chứ không nên mất thời gian cho những hợp đồng nhỏ. Trong quá trình chỉ đạo đơn vị, lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra những tiêu chí để các nhà thầu lựa chọn cho mình những công việc cốt lõi.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn cũng đề nghị các đơn vị phải tính toán trên cơ sở cân đối, nếu có sử dụng lãi vay thì phải đàm phán ngay từ những nơi cung cấp tín dụng để từ đó bắt đầu chuỗi giảm giá thành thật căn cơ.

Kết luận buổi làm việc Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn “đặt hàng” khá cụ thể các đơn vị liên quan. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn hoan nghênh sự chủ động của các đơn vị, với tư cách là những đơn vị trong ngôi nhà dầu khí đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo chung của Tập đoàn.

Chủ tịch cho biết, hồi đầu năm, lãnh đạo Tập đoàn từng đưa ra tiêu chí giảm 30% “chi tiêu”, trong đó có giảm giá thành dịch vụ giữa các đơn vị ngay ở ngành Dầu khí. “Con số đó quả rất khó, rất tham vọng trong lúc giá dầu biến động và tưởng không thể thực hiện được. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì mọi việc đã rõ ràng rồi, vì quả thật nếu không giảm thì Tập đoàn khó có thể duy trì hoạt động một cách ổn định được,” Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.

Điều đầu tiên Chủ tịch Tập đoàn yêu cầu là Ban quản lí đấu thầu và Ban quản lý hợp đồng dầu khí cần ngồi lại, tính toán một lần nữa để “chỉnh” lại chi phí thường xuyên của tất cả đơn vị trong Tập đoàn theo hướng cắt giảm 15-30%. Thù lao của người lao động cố gắng giữ như hiện tại, nhưng tất chi phí còn lại phải giảm hết, giảm quyết liệt và phải giảm được. Giá dầu diễn biến khó lường thế này thì chúng ta phải có giải pháp căn cơ để cứu chúng ta trước.

“Trong buổi làm việc hôm nay, tôi rất phấn khởi khi thấy các đàm phán không chỉ là sự thương thảo, sòng phẳng mà đằng sau đó còn là thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau…

…Chắc mọi người chưa quên câu chuyện mới đây, Chevron chỉ định cho PTSC đóng một số giàn khoan nhất định và thuê lại với giá cao hơn 10% so với mặt bằng chung trong khu vực. Đó là câu chuyện năng lực của các công ty dịch vụ. Vấn đề mấu chốt của các đơn vị trong PVN là nâng cao năng lực, tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp tương đồng trong khu vực.

Lỗ một chút vẫn phải làm. Những gì là chuẩn mực, là thông lệ quốc tế thì chúng ta không nên đi ngược lại. Người sử dụng dịch vụ hãy biết rằng, giá thuê như vậy, không thể ở đâu có giá tốt hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế là Công ty đa quốc gia, đông chủ sở hữu. Vì vậy khi có biến động, để đàm phán lại giá theo hướng có lợi cho chúng ta là rất khó khăn.

Trên thực tế, các đơn vị dịch vụ cũng không dễ dàng, giá dầu giảm, đầu tư cho dầu khí giảm, trong khi công suất của các đơn vị dịch vụ lại không thể giảm, thì dịch vụ gặp khó khăn đầu tiên. Đề nghị các nhà điều hành, nhà thầu thông cảm cho các đơn vị làm dịch vụ. Các đơn vị phấn đấu PVN hóa tối đa dịch vụ kỹ thuật, tất nhiên trong Tập đoàn phải ưu tiên, theo đúng tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, vào đầu tháng 4 tới, Tập đoàn sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn ngành và chính thức đưa vấn đề tiết giảm chi phí, giảm giá dịch vụ để bàn bạc rộng rãi, từ đó tìm cho ra những giải pháp căn cơ.

Lê Tùng

PetroTimes