Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) chủ động nghiên cứu, đề xuất chính thức với Chính phủ, Quốc hội về việc triển khai thí điểm tổ hợp điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và triển khai nghiên cứu đề án điều chế sản xuất sạch (Hydrogen, Amoniac xanh …).
Ngày 22/8/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolinex), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là cung ứng điện, dầu khí, xăng dầu và than các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác giữa các Tập đoàn, Tổng công ty.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng; lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV); Lãnh đạo Petrovietnam; EVN, TKV, Petrolimex, Tổng công ty Đông Bắc và đại điện lãnh đạo các ban chuyên môn của các Tập đoàn, Tổng công ty.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Petrovietnam, EVN, Petrolimex, TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao về bảo đảm cung cấp điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân 8 tháng đầu năm, dự kiến kế hoạch 4 tháng cuối năm 2023 và năm 2024; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với Bộ Công Thương, UBQLV nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương và UBQLV đã báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời thông tin, giải đáp các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty cũng như ghi nhận, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Công Thương và UBQLV những giải pháp cụ thể để xem xét, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là về cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt trong các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác giữa các Tập đoàn, Tổng công ty.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu tại buổi làm việc |
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm cung ứng điện, than, xăng dầu, khí đốt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành có liên quan và các doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng; đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đã được các Tập đoàn, Tổng Công ty triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc, hiệu quả, góp phần cung ứng đầy đủ, liên tục và an toàn điện, than, xăng dầu, khí đốt cho thị trường và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ở một số thời điểm nguồn cung về năng lượng chưa đảm bảo; việc cung ứng điện trong mùa khô vừa qua gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Dự báo thời gian tới, thị trường thế giới về nguyên, nhiên liệu sơ cấp, đầu vào của sản xuất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao theo diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường…
Trong bối cảnh đó, để đạt được các mục tiêu, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện được ba nhiệm vụ chính, đó là: Không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác và chia sẻ; Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, UBQLV chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu về cơ chế, chính sách, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng trong việc tuân thủ pháp luật, cũng như thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính Phủ, Bộ Công Thương và UBQLV.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận buổi làm việc |
Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty.
Theo đó, với Petrovietnam, Bộ trưởng yêu cầu cần tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện và nhu cầu của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô và thành phẩm cho thị trường theo đúng sản lượng, khối lượng đã cam kết và các hợp đồng đã ký; chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý chú trọng việc vận hành an toàn, hiệu quả, kịp thời sửa chữa hư hỏng, sự cố (nếu có), nhập đủ vật tư nguyên liệu sơ cấp cho phát điện theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ và theo biểu đồ cung cấp than cho điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt; chủ động nhập khẩu xăng dầu thành phẩm theo cam kết, sản lượng sản xuất và sản lượng bao tiêu của nhà máy Nghi Sơn; Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án mở rộng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn; chủ động nghiên cứu, đề xuất chính thức với Chính phủ, Quốc hội về việc triển khai thí điểm tổ hợp điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và triển khai nghiên cứu đề án điều chế sản xuất sạch (Hydrogen, Amoniac xanh …).
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn phát biểu tại buổi làm việc |
Đối với EVN, Bộ trưởng yêu cầu jhắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện) trong phạm vi quản lý, bảo đảm các nhà máy đủ khả năng hoạt động tối đa công suất. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình dự án về nguồn, lưới điện truyền tải, không để chậm các dự án nguồn hòa lưới, các dự án truyển tải làm hạn chế năng lực giải tỏa công suất của các nhà máy. Khẩn trương đàm phán giá để huy động các dự án chuyển tiếp, cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện khác theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát và yêu các nhà máy trực thuộc bảo đảm đủ các nguyên, nhiên vật liệu để hoạt động theo quy định; tích cực hơn nữa trong việc tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng các khung giá cho các loại hình điện năng, các định mức, phương thức mua bán điện trực tiếp, huy động, kinh doanh, dự trữ… Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) trong vận hành hệ thống điện, đồng thời nỗ lực trong tuyên truyền, vận động những khách hàng lớn điều chỉnh biểu đồ sử dụng điện trong giờ cao điểm, góp phần điều hòa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nỗ lực trong cơ cấu doanh nghiệp và tài chính để có điều kiện thanh toán cho các đơn vị cung ứng vật tư, nguyên liệu của mình; làm tốt công tác tuyền thông về những khó khăn vướng mắc và tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc, Bộ trưởng yêu cầu tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện; tăng năng lực khai thác để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng đã ký; khẩn trương tháo gỡ khó khăn để được cấp phép, gia hạn tăng sản lượng khai thác tại một số mỏ của mình; chủ động nhập đủ nguồn than phục vụ cho nhu cầu phát điện, cho các nhu cầu khác của nền kinh tế theo các hợp đồng đã ký và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Riêng đối với TKV, vì có một số nhà máy điện nên Bộ trưởng yêu cầu cần chú ý việc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các đơn vị của mình để các nhà máy luôn sẵn sàng nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, kịp thời sửa chữa sự cố của các nhà máy (nếu có) để sẵn sàng phát tối đa công suất của các nhà máy.
Với Petrolimex, Bộ trưởng yêu cầu phải quyết liệt chỉ đạo, vận hành hệ thống kinh doanh của Tập đoàn, bảo đảm trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc; chủ động nhập khẩu để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường, kể cả sản lượng được phân giao/bổ sung và sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng. Cùng với đó, chú trọng cập nhật, đề xuất Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết tháo gỡ, đặc biệt là những chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu giá cơ sở định mức kinh doanh xăng dầu; chú trọng cấu trúc lại hệ thống kinh doanh của Tập đoàn sao cho Petrolimex hiện diện nhiều hơn, rộng hơn ở địa bàn chiến lược.
Đối với các Cơ quan đơn vị thuộc Bộ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty theo quy định của Luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBQLV. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, giải quyết những kiến nghị đề xuất của các Tập đoàn, Tổng Công ty tại các kỳ họp trước và kỳ họp này để kịp thời kiến nghị Lãnh đạo Bộ, UBQLV chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh. Chủ động phối hợp với các đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng làm tốt công tác truyền thông về năng lượng, chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm năng lượng… Cùng với đó, khẩn trương rà soát sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất và kinh doanh; khung giá của các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo; định mức bảo quản xăng dầu; khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ ban hành. Đồng thời nhấn mạnh việc phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong việc cập nhật kịp thời, đầy đủ chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu bán lẻ của xăng dầu hay trong cơ cấu giá bán của các loại nhiên liệu trong lĩnh vực năng lượng để bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh tuân thủ pháp luật nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh theo quy luật thị trường.
Hải Anh