17/08/2023 8:53:12

Lộ trình, giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của Petrovietnam

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi tọa đàm về “Xu thế phát triển thị trường các bon, đánh giá tác động và đề xuất lộ trình, giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính cho Petrovietnam”.

Cùng dự buổi tọa đàm còn có các Thành viên HĐTV, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Tại tọa đàm, đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn đã trình bày tổng quan về hiện trạng và xu thế phát triển thị trường các bon trên thế giới và Việt Nam; Đánh giá tác động đến năng lượng lĩnh vực Dầu khí và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK); Hiện trạng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cùng những đề xuất, kiến nghị giảm phát thải khí nhà kính cho Petrovietnam.

Lộ trình, giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của Petrovietnam

Toàn cảnh tọa đàm

Theo thống kế của Ngân hàng Thế giới, hiện có tới 23% tổng lượng phát thải toàn cầu đang được định giá và kiểm soát bởi các công cụ carbon. Mặc dù một lượng lớn phát thải khí nhà kính được định giá và ngày càng có nhiều công cụ định giá carbon được triển khai nhưng giá carbon nhìn chung vẫn ở mức thấp để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế. Ở Việt Nam, hiện có thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch tuy nhiên chưa có thuế đối với việc phát thải CO2 như một số quốc gia trên thế giới và hiện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có mức thuế cụ thể và biện pháp bắt buộc thực hiện.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc thiết kế thị trường carbon trong nước là việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK và định giá carbon. Việc định giá carbon sẽ tác tác động lớn đến phát thải KNK của các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực điện, sản xuất công nghiệp và giao thông.

Thị trường carbon ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu và đang chuẩn bị cho việc phát triển và giao dịch carbon trong nước. Với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26, thị trường carbon trong nước sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028.

Hiện nay phát thải KNK của Việt Nam vào khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng 2/3 còn lại là các lĩnh vực khác

Tính đến nay, các công ty dầu khí lớn trên thế giới, khu vực hầu hết đã công bố cam kết, lộ trình để giảm phát thải nhà kính đồng thời tăng cường đầu tư vào các dạng năng lượng sạch và công nghệ khử carbon. Có thể thấy, đầu tư vào các dạng năng lượng sạch và giải pháp khử carbon không những khả khi về mặt công nghệ mà còn mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả vận hành mang tính phát triển bền vững và tạo tăng trưởng trong tương lại

Lộ trình, giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính của Petrovietnam

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng

Petrovietnam là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam cũng đã công bố các mục tiêu giảm phát thải. Theo đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn lượng phát thải chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng, điều này đạt được là do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Petrovietnam hiện đại so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam. Theo số liệu năm 2020, tỷ trọng phát thải của Petrovietnam chỉ chiếm khoảng 7% phát thải KNK của lĩnh vực năng lượng (19,5/273 triệu tấn CO2 tương đương).

Theo kết quả kiểm kê KNK của Petrovietnam giai đoạn 2010- 2022, phát thải vào khoảng trên dưới 20 triệu tấn CO2 tương đương/năm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực điện (53,5%), tiếp theo là lĩnh vực E&P chiếm tỷ trọng 22,22% và lĩnh vực Chế biến Dầu khí chiếm tỷ trọng 15,5%.

Tuy nhiên trong giai đoạn đến 2035 và 2035-2050 nếu không có các biện pháp giảm phát thải thì tỷ trọng phát thải sẽ tăng nhanh chủ yếu ở lĩnh vực điện. Hiện Tập đoàn đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải KNK theo các cam kết mới của Việt Nam, đến năm 2025, toàn Tập đoàn dự kiến cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010.

Sau khi nghe báo cáo chi tiết về lộ trình, định hướng cùng những đề xuất, kiến nghị của Ban Chiến lược Tập đoàn, ý kiến đóng góp từ các Thành viên HĐTV, lãnh đạo các Ban chuyên môn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhất trí về các giải pháp giảm phát thải KNK ở từng lĩnh vực được đưa ra; đồng thời đề nghị, tiếp tục rà soát lại công tác kiểm kê phát thải KNK ở từng đơn vị để báo cáo Tập đoàn hằng năm. Bên cạnh đó phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, đẩy mạnh các giải pháp khoa học công nghệ, tiếp tục xây dựng chiến lược, lộ trình giảm phát thải của Petrovietnam phù hợp với lộ trình của Chính phủ.

Lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của Petrovietnam từ nay đến 2025 và giai đoạn 2031-2050

Theo Quyết định số 2128/QĐ-DKVN ngày 19/4/2019 nhằm chủ động giảm thiểu các loại khí thải phát sinh từ hoạt động SXKD gây ra các hiện tượng BĐKH và xây dựng kế hoạch để chủ động thích ứng với BĐKH trong tương lai. Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm phát thải KNK theo lộ trình, trên cơ sở đánh giá toàn bộ tiềm năng của các dự án khả thi. Theo đó, đến năm 2025, toàn Tập đoàn dự kiến cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010.

Giai đoạn 2031-2050: Triển khai các giải pháp “xanh” hóa các Nhà máy Điện than, các dự án CCUS; Tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen“xanh”, NH3 xanh” có tính khả thi; Phát triển chuỗi giá trị CCUS, hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; Triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

Minh Châu