Vận động và phát triển văn hóa Việt Nam là một trong những chủ trương lớn, mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, xây dựng, gìn giữ và phát triển văn hóa doanh nghiệp đang là một mũi tiên phong đột phá trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Với cách làm hay, sáng tạo, tổ chức thực hiện bài bản nên “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” đang trở thành một “hiện tượng”.
Người lao động dầu khí tham gia Giải chạy bộ online “Xuân Dầu khí 2023” trên giàn khoan |
Hành trình tìm hồn cốt văn hóa
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự hội tụ sức mạnh dân tộc để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Với tâm thế thời đại và sự định hướng của Đảng đã có một sức tác động mạnh mẽ hướng đến mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ đây, văn hóa Việt Nam được đặt trong tâm thế và yêu cầu mới, là hạt nhân trung tâm gắn kết trăm triệu trái tim người Việt, tạo nên sức mạnh nền, động lực phát triển của dân tộc. Chính từ mục tiêu đó mà Ðại hội đã xác định những tư tưởng chỉ đạo và định hướng phát triển văn hóa ở tầm cao mới.
Hòa cùng khí thế của đất nước trở mình bay lên của con rồng vàng châu Á, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang thúc đẩy triển khai văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động được đầu tư lớn, tổ chức bài bản trên cả nước, phù hợp với từng vùng miền, từng đơn vị trong Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Đó là các hoạt động văn hóa thể thao mang đậm nét đặc trưng của người lao động dầu khí, cùng hàng loạt các tác phẩm âm nhạc, phim phóng sự, chương trình giao lưu nghệ thuật như: Biển Đông tung bay quốc kỳ, Tự hào Petrovietnam, Tự hào người dầu khí Việt Nam… Loạt phim phóng sự: Hành trình người đi tìm lửa, Sự hồi sinh của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; Chương trình Thắp lửa niềm tin (VTV2)…
Chương trình thắp lửa niềm tin trên VTV2 |
Có thể thấy được rằng sự tự hào, niềm tin vững bền của người dầu khí vào Đảng, định hướng của Chính phủ trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, xây dựng một ngành năng lượng hiện đại, bền vững, phù hợp với môi trường xanh trong các tác phẩm âm nhạc gần đây của ngành Dầu khí. Còn trong mỗi bộ phim phóng sự đều thể hiện được những vẫn đề nóng, những đột phá vượt qua khó khăn thách thức của ngành Dầu khí nói riêng, kinh tế đất nước nói chung về vai trò, tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cách ứng xử, khéo léo xử lý vấn đề về cơ chế, tinh thần thượng tôn pháp luật… trong xử lý các dự án khó khăn. Mỗi dự án như vậy, Petrovietnam không chỉ “cứu” hàng ngàn tỉ đồng vốn nhà nước mà còn khiến tài sản quốc gia có hiệu quả kinh tế, đóng góp vào nền an ninh năng lượng, phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ tặng quà lưu niệm cho đại diện các nhà thầu tham gia xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ cần nêu cao các giá trị truyền thống văn hóa Việt như đoàn kết một lòng chống lại ngoại xâm, tinh thần “thương người như thể thương thân”, những nét văn hóa độc đáo của các vùng miền Tổ quốc, trong mỗi gia đình, doanh nghiệp. Đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống, sức mạnh nội sinh của mỗi con người và của cả dân tộc ta trong hàng ngàn năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây khi phải đối mặt với dịch Covid-19, với nạn giặc nội xâm từ tham nhũng, cửa quyền.
Thực tiễn tại Petrovietnam cho thấy, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng bộ Tập đoàn) lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, đã có nhiều cuộc họp Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn, trong đó, Tổng giám đốc Tập đoàn cũng nhiều lần nhắc nhở, động viên lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động Tập đoàn phải có “khát vọng phát triển đất nước, khát vọng vươn lên trong học tập và công tác”, trong đó chính là phát huy cao độ và hiệu quả nhất sức mạnh văn hóa, trí tuệ và sự đoàn kết trong toàn Tập đoàn. Petrovietnam đã định hình được các giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến người lao động về vai trò quyết định của văn hóa doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển Tập đoàn và đơn vị, hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn hóa trong cán bộ, nhân viên, người lao động, xây dựng được văn hóa nền tảng cho người lao động dầu khí, từng bước làm giàu văn hóa dân tộc.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đối thoại với Tuổi trẻ Dầu khí |
Cụ thể, Petrovietnam xác định văn hóa doanh nghiệp là lực lượng sản xuất trực tiếp, văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh, cùng với “quản trị biến động” là đôi “đòn bẩy” mạnh mẽ cho quản trị doanh nghiệp, hun đúc giá trị “khát vọng” trong văn hóa Petrovietnam, đẩy mạnh công tác truyền thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, nâng cao vị thế và uy tín của Tập đoàn, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh.
Để chuẩn bị, triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa của người dầu khí, tại Petrovietnam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống công cụ, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển văn hóa Petrovietnam. Đó là hơn 40 nghị quyết, quyết định hướng dẫn triển khai từ Đảng ủy Tập đoàn, đó là sự đa dạng của sản phẩm sổ tay văn hóa (từ Tập đoàn đến các đơn vị), đó là những cuốn lược sử được dày công nghiên cứu, là khu Lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên Việt Nam tại Thái Bình, là hệ thống thương hiệu Tập đoàn, các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia… Các ấn phẩm văn hóa của Petrovietnam có sự khái quát từ thực tiễn công việc, góp phần thúc đẩy thay đổi diện mạo chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, khôi phục uy tín, hình ảnh, thương hiệu Petrovietnam.
Lễ khánh thành Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam tại tỉnh Thái Bình. |
Toàn diện và đồng bộ triển khai
Qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Petrovietnam đã trải qua rất nhiều gian nan thách thức, thậm chí đã có thời điểm có ý kiến đặt vấn đề về sự phát triển của Tập đoàn. Thời điểm đó, những người dầu khí chân chính đã cùng nhau lắng đọng, tìm lại được giá trị lõi là văn hóa trong mỗi con người dầu khí. Để rồi dưới sự quyết tâm thống nhất của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn một sự tái tạo vừa mạnh mẽ, vừa kiên trì đã và đang được triển khai trong toàn bộ các đơn vị thành viên. Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đáng khích lệ thu được, đội ngũ triển khai “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” vẫn còn đó nhiều trăn trở, tìm kiếm sự đột phá trong quá trình “làm mới” văn hóa Petrovietnam.
Năm 2019, trước những khó khăn, thách thức trong nội tại và khách quan, nhằm xây dựng lại hình ảnh của Tập đoàn kinh tế kỹ thuật hàng đầu đất nước và nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, kế thừa những giá trị văn hóa của quá trình xây dựng và phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết 281-NQ/ĐU, ngày 15/5/2019 về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, thống nhất chỉ đạo từ Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ban hành Kế hoạch về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp (TT&VHDN); Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam (Đề án) và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị công tác TT&VHDN lần thứ II năm 2022. |
Sau 3 năm triển khai, Đảng ủy Tập đoàn tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, bổ sung, cụ thể các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Trong 3 năm đó, Tập đoàn đã xây dựng, ban hành hệ thống hơn 40 văn bản thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận, nhất quán của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK, ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Kế hoạch số 89-KH/ĐUK, ngày 6/6/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn ban hành Kế hoạch số 407-KH/ĐU, ngày 26/6/2023 tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp theo Nghị quyết của Đảng ủy Khối, mới đây Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng ban hành văn bản yêu cầu người lãnh đạo/người đại diện phần vốn Tập đoàn tại các đơn vị căn cứ kế hoạch Đảng ủy Tập đoàn tổ chức quán triệt nội dung kế hoạch; hệ thống, ban hành kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể thực hiện tại đơn vị. Trong đó, tiếp tục phát huy những giá trị đã đạt được, để văn hóa doanh nghiệp là sức mạnh nội sinh bền vững của mỗi đơn vị được nêu trong Nghị quyết 06-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối, gắn với tiếp tục triển khai Nghị quyết 281, Kết luận 234 của Đảng ủy Tập đoàn.
Đặc biệt, Đảng ủy Tập đoàn khẳng định cán bộ, đảng viên người lao động Petrovietnam phải quán triệt quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế – chính trị – xã hội”, công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các doanh nghiệp, đoàn thể cần được triển khai đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Petrovietnam là một trong những đơn vị đầu tiên đón nhận doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam. |
Đảng ủy Tập đoàn đưa ra 7 nội dung về tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện với các chỉ tiêu cụ thể trong xây dựng, với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất hơn 30% đơn vị trong Tập đoàn đạt doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam tại 100% các đơn vị trực thuộc; Thực hiện trách nhiệm xã hội gắn với bảo vệ môi trường, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tri ân người có công với cách mạng, gia đình chính sách, chia sẻ với các đối tượng yếu thế trong xã hội; Đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc; Tổ chức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chuyên đề chi bộ, 100% đơn vị phổ cập đào tạo, huấn luyện về thực hiện quy định, quy tắc ứng xử văn hóa doanh nghiệp, 100% cán bộ, đảng viên và tối thiểu 90% người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định, quy tắc ứng xử về văn hóa doanh nghiệp.
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ Tập đoàn đưa nội dung lãnh đạo chỉ đạo cấp ủy về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. |
Đáng chú ý trong đó, Đảng ủy Tập đoàn thống nhất quyết định đưa nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. Yêu cầu Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động.
Có thể thấy rằng, Đảng ủy Petrovietnam đang chắt lọc tinh túy văn hóa truyền thống của người Việt, qua quá trình tái tạo làm văn hóa Dầu khí ngày càng sinh động hơn phù hợp và gắn bó hơn với ngành, với sản xuất kinh doanh. Để từ đó phát huy kết quả đạt được trong hiện tại, hướng tới một tương lai tươi sáng cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Thành Công