Ngày 28/6, tại Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã diễn ra Hội thảo “Công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)”. Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định hiệu quả các nhà máy điện thuộc Petrovietnam.
Tham dự hội thảo có ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam; các Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh, Phạm Tiến Dũng; cùng đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Toàn cảnh hội thảo “Công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” |
Hội thảo “Công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm trong kiểm tra, theo dõi, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị của các nhà máy điện. Bên cạnh đó, sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư và thiết bị để xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra nhằm khôi phục và vận hành các tổ máy trong thời gian sớm nhất, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng điện cho đất nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo Petrovietnam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo Petrovietnam cho biết, điện là 1 trong 5 lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí, qua 22 năm xây dựng và hình thành, lĩnh vực điện đã hình thành chuỗi các loại hình phát điện hiện nay như nhiệt điện khí, thuỷ điện, nhiệt điện than và tương lai sẽ là các mô hình mới như năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi.
“Trong thời gian qua, công tác vận hành sản xuất điện của Tập đoàn đã đạt được những thành công đáng kể, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia. Tại hội thảo, xác định vai trò quan trọng trong công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện thuộc Tập đoàn, các đơn vị sẽ cùng nhau tìm hiểu, phân tích để giải quyết các vướng mắc và đưa ra các biện pháp nâng cao công tác vận hành với mục tiêu giảm thiểu các sự cố, góp phần nâng cao hiệu suất, cũng như đưa ra các giải pháp tối ưu về công tác dự báo và thực hiện công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Đại diện các đơn vị trình bày tham luận về công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Petrovietnam. |
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị tham gia đã trình bày các tham luận về các công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa tại các nhà máy điện thuộc các đơn vị. Đặc biệt, nhằm chia sẻ rộng rãi các kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa, vận hành nhà máy đa dạng, hội thảo còn có sự tham gia của các đơn vị ngoài ngành điện như Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Tại các nhà máy điện thuộc Petrovietnam, hiện có 3 loại hình thực hiện bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) gồm: Tự thực hiện toàn bộ công tác sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ (có thuê chuyên gia kỹ thuật từ nhà sản xuất); tự thực hiện sửa chữa thường xuyên và thuê ngoài sửa định kỳ; thuê ngoài toàn bộ sửa chữa thường xuyên và thuê ngoài sửa chữa định kỳ.
Petrovietnam hiện đang vận hành an toàn 9 nhà máy điện. Trong đó có 4 nhà máy điện khí, 2 nhà máy thuỷ điện, 3 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 6.605 MW (chiếm khoảng 8,5% công suất đặt của hệ thống).
Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam đánh giá cao những chia sẻ trên tinh thần đóng góp cao của các đơn vị. Tổng Giám đốc Tập đoàn mong muốn qua hội thảo, các đơn vị sẽ thu được nhiều kết quả, duy trì và phát huy được vị thế sản xuất, cung ứng điện của toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các đơn vị cần đánh giá kỹ càng hơn về thực trạng và kết quả thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành của các nhà máy; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp các chính sách để phát huy nguồn lực. Trong thời gian tới, các đơn vị cần xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia cho từng bộ phận, lĩnh vực để không lãng phí nguồn nhân lực; tiếp tục số hoá, quản trị vật tư, thiết bị; xác định cụ thể nhiệm vụ của từng bộ phận và xây dựng định mức, chỉ tiêu, tiêu chuẩn cho nhà máy theo từng lĩnh vực và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của các đơn vị.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội thảo về công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện thuộc Tập đoàn. Tôi đề nghị chúng ta cần xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo hàng năm để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề, các khó khăn; cũng như tạo động lực cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, người lao động làm việc và phát huy tính sáng tạo của từng cá nhân. Qua đó tiếp tục phát huy vai trò, chức năng của từng đơn vị, góp phần duy trì và phát huy vị trí sản xuất, cung ứng sản lượng điện cho đất nước của Tập đoàn”, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam kết luận hội thảo. |
Kết luận hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam nhận định, điện lực là một trong những lĩnh vực đang ngày càng phát triển. Song song với các loại hình thuỷ điện, nhiệt điện là các loại hình năng lượng đang phát triển như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi và các loại hình năng lượng tái tạo khác. Vì thế, cần phải có những đổi mới và những kế hoạch hoạch định rõ ràng trong các công tác sản xuất, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện, đảm bảo cung ứng điện năng cho toàn quốc. Qua đây, hội thảo sẽ là cơ sở để tổ chức thêm các hội thảo chi tiết, giúp xử lý các vấn đề cụ thể tại các nhà máy điện thuộc Petrovietnam.
Thành Linh