Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Với phương châm xuyên suốt từ khi thành lập lấy con người là cốt lõi, bản sắc văn hóa là sức mạnh, Petrovietnam không chỉ thành công toàn diện trên hầu hết các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, liên tục xác lập nhiều kỷ lục mà còn khẳng định khát vọng chinh phục đỉnh cao mới khi không ngại thách thức chính mình với mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế thị trường không ngừng biến động.
Chặng đường kiến tạo và hoàn thiện
Trải qua hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, Petrovietnam có bề dày lịch sử gắn liền với những đổi thay của đất nước. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động dầu khí dần được kết tinh cùng năm tháng tạo nên truyền thống văn hóa những người đi tìm lửa và hình thành bản sắc của văn hóa dầu khí.
Những thế hệ “người đi tìm lửa” không ngừng tiếp nối và phát huy giá trị “thương hiệu Petrovietnam”, sẵn sàng đương đầu mọi thử thách. Ảnh: PVN |
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam Trần Quang Dũng cho biết, trong giai đoạn từ khi thành lập đến trước năm 2008, việc định hình giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí chưa bài bản, chưa xác lập và ban hành các văn bản triển khai có tính hệ thống.
Nhằm tìm ra bản sắc văn hóa Petrovietnam, ngày 1.10.2018, Tập đoàn đã quyết định thành lập thêm Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp. Trên cơ sở nghiên cứu tham mưu của Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, ngày 15.5.2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 281-NQ/ĐU về “công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” (Nghị quyết 281). Đây là nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn được xây dựng công phu, chi tiết, chặt chẽ, có tính thực tiễn cao. Những giải pháp mà Nghị quyết 281 chỉ ra đã khắc phục được hầu hết những tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời gian trước đây.
Với nỗ lực đưa Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn vào cuộc sống, trong lần xét công nhận đầu tiên, căn cứ bộ tiêu chí của Hiệp hội phát triển văn hóa Việt Nam xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tập đoàn đã được tôn vinh là 1 trong số 10 “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2021. Tiếp nối kết quả đạt được đã có 6 đơn vị (BSR, PVCFC, PVTrans, Khí Cà Mau, Biển Đông POC, PVPower) được công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh năm 2022 (chiếm 25% tổng số doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh cả nước).
Đến nay, công tác xây dựng văn hóa Petrovietnam đã thay đổi tích cực và có chuyển biến rõ nét, định hình được hệ giá trị cốt lõi, hoàn thiện cẩm nang văn hóa dầu khí, ban hành Lược sử ngành dầu khí Việt Nam, Sổ tay văn hóa Petrovietnam và Bộ nhận diện thương hiệu mới.
“Ở Petrovietnam, một cách giản dị, văn hóa doanh nghiệp được cô đúc trong tám chữ vàng “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”; vừa được hiểu theo nghĩa rộng, vừa rất cụ thể, gần gũi với đời sống, công việc thường ngày. Đó không đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh; không phải là những khẩu hiệu treo trước cổng, trong phòng họp và cũng không đơn giản xem văn hóa là chuyện “cờ đèn kèn trống” – Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nhiệt huyết, đam mê, chinh phục thử thách
Hiếm có doanh nghiệp nào đã cụ thể hóa sâu sắc, rõ ràng về văn hóa doanh nghiệp như Petrovietnam. Với sứ mệnh “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”, người lao động dầu khí tự đặt ra những yêu cầu để không ngừng học tập phấn đấu.
Bên cạnh duy trì truyền thống văn hóa thì việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, công bằng cho người lao động luôn được Tập đoàn chú trọng. Trong đó, giai đoạn 2018 – 2023 là một nhiệm kỳ đặc biệt đối với Petrovietnam khi dịch Covid-19 bùng phát. Ban Chấp hành Công đoàn Petrovietnam đã phối hợp cùng chính quyền chăm lo cho chu đáo người lao động từ bố trí nghỉ giãn cách, làm việc online, tiêm ngừa Covid-19 cũng như hàng loạt giải pháp bảo vệ sức khỏe.
Tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn, thời điểm chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm cũng chính là lúc công tác thực hiện văn hóa doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ nhất. Trong giai đoạn này, công việc, thu nhập của không ít cán bộ, nhân viên, người lao động trong Tập đoàn phần nào bị ảnh hưởng.
Song, cũng chính từ đó mà có thể thấy rõ sự kiên nhẫn, đoàn kết, đồng lòng cùng vượt khó. Khi dịch bệnh bùng phát đến đỉnh điểm, chưa một công trình, dự án trọng điểm hay nhà máy, xí nghiệp nào của Petrovietnam phải ngừng hoạt động; gần 60.000 người lao động dầu khí vẫn miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bước sang năm 2023, các chương trình, hoạt động mang ý nghĩa gắn kết, thi đua, sáng tạo liên tục được phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Nổi bật là công tác chăm lo đời sống người lao động trong dịp Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; chương trình 1 triệu sáng kiến vượt khó phát triển đã có hơn 3.000 sáng kiến, hoàn thành trước kế hoạch, chỉ tiêu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao…
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, Công đoàn Petrovietnam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao, sự ủng hộ lớn, tạo điều kiện cho hoạt động và phong trào công nhân lao động dầu khí. Qua đó, môi trường làm việc, chất lượng cuộc sống người lao động ngày càng được bảo đảm và hiệu suất hoạt động ngày một tăng cao.
Tái tạo và đột phá từ sức mạnh nội lực
Tổng Giám đốc Petrovietnam cho rằng, sức ép lớn nhất của các đơn vị thời gian tới là tăng trưởng. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thì mục tiêu tăng trưởng tạo ra áp lực rất lớn; không những bảo đảm tăng trưởng mà phải tính toán dài hơi hơn nữa để phát triển bền vững, gắn với văn hóa của Tập đoàn, trong đó giá trị cốt lõi là “tám chữ vàng”.
“Muốn vươn cao, vươn xa, hãy đầu tư vào tri thức bằng việc học hỏi mỗi ngày. Khi không làm ra được một sản phẩm ưng ý nhất thì hãy kiên trì làm lại sản phẩm đó, dù vất vả đến thế nào đi nữa. Điều này đã được kiểm chứng ở Petrovietnam trong những thời điểm khó khăn nhất” – Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý.
Trên cơ sở đó, về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Tập đoàn, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiếp tục được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu với quan điểm “Tái tạo văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh”. Trong năm nay, Petrovietnam hướng tới hoàn thành việc triển khai đồng bộ Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam; chuẩn hóa và thống nhất văn hóa nền tảng dầu khí, thương hiệu, hình ảnh, nhận diện… trong phạm vi toàn Tập đoàn. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững; nâng cao vị thế và uy tín Petrovietnam.
Nhắc lại luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, người dầu khí tự hào và trân trọng khi đeo biểu tượng Petrovietnam trên ngực. Chất lượng nguồn nhân lực cần nâng cao gắn với ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ dài hạn. Petrovietnam cũng sẽ tập trung hoàn thiện công tác tái cấu trúc tại đơn vị phù hợp với Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn đến năm 2025.
Có thể khẳng định, “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” đã trở thành một trong những giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn và các đơn vị. Mỗi thành viên của đại gia đình Petrovietnam đều thấu hiểu, trân trọng những giá trị tinh túy nhất của văn hóa dầu khí, là kim chỉ nam cùng hướng về.
Đó chính là giá trị tinh thần của người lao động dầu khí. Đồng thời, là nội lực xây dựng Petrovietnam – Tập đoàn kinh tế, năng lượng chủ lực của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển; quyết tâm vươn tới những tầm cao mới.
Theo Báo Đại biểu nhân dân