Luật quy định rõ ràng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày toàn dân được nghỉ lễ, hướng về nguồn cội tổ tiên.
Thế hệ của chúng tôi ngày còn đi học tiểu học, có nhiều bài tập đọc cần phải học thuộc lòng, thế nên đến giờ nhiều người vẫn còn thuộc, đọc lại vanh vách mỗi khi có ai đó khơi lại.
Như bao đứa trẻ khi còn trên ghế nhà trường, tôi luôn được mơ ước đi thật nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới mẻ, cả để kiểm nghiệm xem, khung cảnh thực tế bên ngoài có giống như những gì bài tập đọc miêu tả hay không.
|
Các đại biểu dự Lễ Giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) |
Tôi mong mỏi được đến đền Hùng, tham gia dâng hương ngày giỗ Tổ, leo lên đền Thượng cao tít hùng vĩ, thả mắt ngắm núi non, ngã ba sông Bạch Hạc, dõi tìm nơi hoa hải đường thắp lửa.
Tôi nhớ lại bài viết của Đoàn Minh Tuấn:
“Phong cảnh đền Hùng”
Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.
Lăng của các vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Phía xa xa là núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân xâm lược. Trước mặt là Ngã Ba Hạc, nơi gặp gỡ giữa ba dòng sông lớn tháng năm mải miết đắp bồi phù sa cho đồng bằng xanh mát.
Trước đền Thượng có một cột đá cao đến năm gang, rộng khoảng ba tấc. Theo ngọc phả, trước khi dời đô về Phong Khê, An Dương Vương đã dựng mốc đá đó, thề với các vua Hùng giữ vững giang sơn. Lần theo lối cũ đến lưng chừng núi có đền Trung thờ 18 chi vua Hùng. Những cành hoa đại cổ thụ tỏa hương thơm, những gốc thông già hàng năm, sáu thế kỉ che mát cho con cháu về thăm đất Tổ. Đi dần xuống là đền Hạ, chùa Thiên Quang và cuối cùng là đền Giếng, nơi có giếng Ngọc trong xanh, ngày xưa công chúa Mị Nương thường xuống rửa mặt, soi gương”.
Ngày trước chưa có mạng Interner, chưa có công dụng tìm kiếm, Đền Hùng với đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, giếng Ngọc của công chúa Mỵ Nương nơi hoa hải đường nở đẹp lung linh trong trí tưởng tượng của tôi. Bay bổng theo cùng bức tranh minh họa trong sách giáo khoa, tôi ước ao có ngày được về đền Hùng giỗ Tổ, để bàn chân bước trên con đường linh thiêng lịch sử, mắt được bái vọng ngọn núi, dòng sông, tai được nghe tiếng gió mang âm vang tiếng trống đồng của ngàn năm vọng lại, mũi thấy mùi nhang trầm như ướp hương đến từng bụi cỏ, lùm cây.
Tôi ao ước có ngày được đến nơi mà giếng nước trong, áng mây trời cũng nhuốm màu truyền thuyết rồi trở thành huyền thoại, để năng lượng chốn linh thiêng nơi khởi nguồn của tổ tiên dòng giống tiên rồng gột rửa sạch lòng mình. Ao ước được cúi đầu dâng hương tỏ lòng biết ơn người khai sinh ra giống nòi người Việt, để hôm nay con cháu đông đúc, đầy đàn bay đi sinh sống khắp muôn phương.
Ngày giổ tổ Hùng Vương thành điểm tụ, để cháu con hướng về, dù ở trong hay ngoài nước, gác lại mâu thuẫn, bất đồng để cho lòng thành kính, tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ được lên ngôi.
“Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”.
Nguyễn Khoa Điềm
Con lên rừng “Nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”. Con xuống nước “Con cá ngư ông móng nước biển khơi” sinh sôi nảy nở vẫn “ẩm thủy tư nguyên” luôn tâm niệm hàng năm, ăn đâu làm đâu cũng biết “cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ. Lễ hội thành dịp gắn kết con cháu, thành biểu tượng cho ngày hội đoàn kết toàn dân.
Hiếm có lễ hội truyền thống nào được đủ các thế hệ, thể chế chính trị…, cùng cháu con trân trọng giữ gìn như giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội mang hồn đất vía nước đi theo tháng năm lịch sử cùng với câu ca:
“Người ta có tổ có tông
Như chim có tổ, như sông có nguồn”.
Hay:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Từ ngày giành được độc lập tự chủ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương Chính phủ đã quan tâm sâu sắc, với hành động cụ thể:
“Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. (Báo Phú Thọ).
Sau này trưởng thành đi làm cho công ty nước ngoài, khi làm tài liệu giới thiệu về công ty, đến chế độ phúc lợi cho công nhân viên có ngày nghỉ hưởng nguyên lương cho các ngày lễ lớn, tôi tự hào giải thích cho họ về ý nghĩa, lịch sử của ngày “Hung’s King commemoration day” ý như: Đây là ngày giỗ của vị Vua quốc tổ người khai sinh ra dòng giống “con rồng cháu tiên” là dân tộc Việt Nam anh hùng đấy. Luật quy định rõ ràng ngày này là ngày toàn dân được nghỉ lễ, hướng về nguồn cội tổ tiên.
Ngày tôi về với đền Hùng thấy xúc động trước quy mô lễ hội, trầm trồ, ngạc nhiên với khung cảnh tươi đẹp của mảnh đất Phú Thọ. Thấy mình hòa vào lịch sử khi nhìn lễ rước kiệu Vua trang nghiêm hùng tráng, giữa khói sương bảng lảng linh thiêng như thực như mơ. Vui lễ hội với những tích xưa, như thấy hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày “trời tròn, đất vuông”. Thấy bóng công chúa Mỵ Nương kiêu sa, đài các. Được say sưa trong hội hát “ghẹo”, hát “xuân”. Chợt thấy mình lạc trong bóng mắt ai với nụ cười tươi không thể tả bằng lời.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp