“Chuyển dịch năng lượng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc”, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Ngày 8/3, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi họp cập nhật công tác chuyển dịch năng lượng (CDNL) tại Tập đoàn. Cùng tham dự buổi họp có các Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam: Lê Xuân Huyên, Phạm Tiến Dũng, lãnh đạo các ban chuyên môn, đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Tại buổi họp, đại diện Viện Dầu khí Việt Nam, đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo đã giới thiệu tổng quan về thị trường năng lượng và CDNL trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt kể từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine. Báo cáo tiếp tục nêu rõ CDNL là xu thế tất yếu nhằm hướng đến nền an ninh năng lượng hiệu quả và bền vững, trong đó, an ninh năng lượng là vấn đề tiên quyết trong quá trình CDNL.
Buổi họp cũng được nghe cập nhật công tác CDNL của Tập đoàn trong thời gian qua, đồng thời đưa ra những phân tích, dự báo, thách thức của Tập đoàn trong quá trình CDNL. Trong đó, lĩnh vực điện, khí chịu nhiều tác động bởi tăng trưởng các nguồn năng lượng tái tạo, vấn đề khí thải, phát triển điện gió ngoài khơi, các dự án điện khí LNG đang đầu tư xây dựng phải xây dựng phương án khi chuyển đổi sang nhiên liệu hydrogen.
Toàn cảnh buổi họp |
Về các công việc triển khai trong thời gian tới, công việc CDNL được chia thành 11 nhóm nhiệm vụ liên quan đến năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; hydrogen; hệ thống pin/sạc, lưu trữ năng lượng, xanh hóa các nhà máy điện than, CCS/CCUS; truyền thông đào tạo; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính các dự án liên quan CDNL; công tác nghiên cứu R&D.
Tại buổi họp, các Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên, Phạm Tiến Dũng và đại diện các ban chuyên môn, tổ giúp việc, các đơn vị Vietsovpetro, PVEP, PTSC, PV Gas, PVOIl, BSR, PVFCCo, PVCFC… đã báo cáo, cập nhật việc triển khai công tác CDNL, đồng thời đưa ra những phân tích, giải pháp, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: CDNL là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc. Thứ nhất, phải thường xuyên cập nhật và nắm chắc xu hướng, phân tích tác động cũng như tốc độ của CDNL. Thứ hai, nắm chắc bám sát thị trường và hiện trạng nguồn lực của chúng ta.
Và khi đã xác định mục tiêu rồi đưa ra chiến lược rõ ràng thì tổ chức bộ máy và xây dựng các hệ thống chính sách quản trị có liên quan nhằm đưa ra giải pháp ứng phó, tận dụng cơ hội trong xu hướng CDNL. Nhiệm vụ này, Tổng Giám đốc Petrovietnam giao Ban Quản trị nguồn nhân lực và Ban Điện và Năng lượng tái tạo làm đầu mối, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ cùng các đơn vị theo lĩnh vực hoạt động và chuỗi giá trị của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục đánh giá, nhận diện lại thực trạng hiện nay của Tập đoàn, giao Ban Công nghệ An toàn – Môi trường làm rõ mức độ phát thải của chúng ta trong hiện tại và các dự án đã được phê duyệt. Các ban liên quan tiếp thu ý kiến tại buổi họp để cập nhật lại phân công trong thời gian tới.
Về mục tiêu, kế hoạch, chiến lược, Tổng Giám đốc Petrovietnam giao Ban Điện và Năng lượng tái tạo và Viện Dầu khí Việt Nam làm đầu mối lựa chọn các đối tác hỗ trợ Tập đoàn; triển khai tổ chức bộ máy, mô hình quản lý, quản trị cho công tác CDNL theo mô hình ma trận và có sự phân công phối hợp, hệ thống quản trị chính sách; cùng với đó tăng cường công tác đào tạo, truyền thông một cách nhất quán về chiến lược, mục tiêu, lộ trình CDNL của Petrovietnam…
Minh Châu