Đối với người vợ có chồng đi biển làm dầu khí cũng đồng nghĩa với cuộc sống của mình vất vả, cô đơn và lo lắng nhiều hơn rất nhiều… Nhưng cũng chính tình yêu và sự quan tâm, hỗ trợ chu toàn, là hậu phương vững chắc của người vợ giúp cho người chồng có thể vượt qua mọi thử thách và nguy hiểm khi làm việc trên các công trình biển.
Đó là những dòng tâm tư, tình cảm của anh Lê Phúc Tăng, một người “đi biển dầu khí” gửi gắm đến chị em phụ nữ nhân ngày 8/3/2023. Ban Biên tập xin chia sẻ bài viết đến bạn đọc.
“Lấy chồng đi biển – Hồn treo cột buồm” là câu nói ví von của dân gian nói về sự nguy hiểm của cái nghề đi biển, sống chết nhờ trời, tính mạng của mình phụ thuộc vào cảm xúc của thiên nhiên, vui yên lành, giận dỗi thì sóng gió gầm thét, nói về nỗi lo lắng của người vợ khi chồng mình phải đi làm nghề đánh cá trên biển. Đi biển đánh cá là một công việc đầy gian khổ và nguy hiểm, nơi mà chồng phải đối mặt với thử thách từ thiên nhiên, với những cơn gió mạnh và sóng lớn. Đi biển làm nghề dầu khí cũng không thể tránh khỏi các hiểm họa thiên nhiên rình rập hàng ngày, hàng giờ như thế mà công việc lại còn nguy hiểm tiềm tàng nguy cơ cháy nổ, té ngã và áp lực kinh khủng hơn nhiều.
Tuy nhiên, đối với người vợ dầu khí, chồng đi biển cũng đồng nghĩa với cuộc sống của mình vất vả, cô đơn và lo lắng nhiều hơn rất nhiều. Quý bà, quý cô phải đối mặt với những ngày dài ở nhà một mình, chăm lo nhà cửa sạch sẽ, con cái ăn học đưa đón ngày hai buổi rồi học thêm, học kèm…. Việc cơ quan, nội trợ, việc đối nội, đối ngoại, rồi đau yếu bệnh hoạn của bản thân, con cái, người thân và nỗi sợ lớn nhất là nỗi lo sợ về sự an toàn, sức khỏe của chồng mình. Nhưng cũng chính tình yêu và sự quan tâm, hỗ trợ chu toàn, là hậu phương vững chắc của người vợ giúp cho người chồng có thể vượt qua mọi thử thách và nguy hiểm khi làm việc trên các công trình biển.
“Lấy chồng đi biển – Hồn treo cột buồm” không chỉ là một câu ví von mà còn là sự tình yêu, sự quan tâm và sự đoàn kết của hai người vợ chồng trong cuộc sống. Dù cho cuộc sống trên biển có khắc nghiệt đến đâu, công việc có nặng nhọc vất vả đến đâu, tình yêu và sự quan tâm của người vợ luôn là nguồn động lực để người chồng có thể vượt qua mọi khó khăn và mang về nguồn sống cho gia đình.
Làm vợ của người dầu khí đi biển không hề dễ dàng, nhưng đó cũng là một cách để người vợ hiểu, tôn trọng và hỗ trợ người chồng trong công việc của mình. Người vợ hiểu rõ tầm quan trọng của công việc dầu khí đi biển đối với người chồng, quý cô, quý bà sẵn sàng chịu đựng những giây phút cô đơn, những vất vả trong cuộc sống hậu phương. Quý bà, quý cô luôn đồng hành, luôn ở bên cạnh, trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của người chồng, bởi hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới an tâm, vững lòng chiến đấu, chiến thắng thiên nhiên, mang từng giọt vàng đen về cho tổ quốc được.
Dầu khí đi biển không chỉ là nghề nghiệp, mà còn là một tình yêu đối với những người trót yêu công việc này. Những công trình, giàn khai thác, con tàu chứa như những ngôi nhà thứ nhất của người dầu khí đi biển, và những người dầu khí đi biển cũng như những người lính, giữ vững chủ quyền biển đảo, mỗi công trình biển là một cột mốc quốc gia trên biển, họ luôn đối mặt với những nguy hiểm, những khó khăn, nhưng với tình yêu và sự đoàn kết của gia đình, họ luôn có sức mạnh để vượt qua.
Tình yêu và sự quan tâm của người vợ sẽ giúp người chồng có thêm động lực để làm việc, để vượt qua mọi khó khăn trên biển cả. Và đó cũng chính là sự đoàn kết, tình yêu của cả gia đình để chung tay vượt qua những thử thách, tìm kiếm hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Xin cảm ơn tất cả các bà, các chị, các cô đã là động lực, là nguồn động viên cho chúng tôi vượt khó, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao an toàn và hiệu quả.
LPT