Buổi làm việc diễn ra chiều 21.2. Ảnh: Linh Nguyên
Cùng dự buổi tiếp còn có bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, một số Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng cán bộ Văn phòng ILO Việt Nam.
Bà Chihoko Asada-Miyakawa đã trải qua nhiều cương vị công tác với những kinh nghiệm phong phú. Tổng Liên đoàn từng được đón bà tới thăm và làm việc khi bà còn đang làm việc tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Đình Khang và bà Chihoko Asada-Miyakawa đã trao đổi về an sinh xã hội; về những thách thức trong thời gian tới, trong đó có xung đột trên thế giới cũng như hậu quả của dịch bệnh làm gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người lao động…
Đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quy chế phối hợp với Chính phủ – đây là một hình thức đối thoại rất quan trọng giữa hai bên; hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động của tổ chức Công đoàn tiếp tục có nhiều đổi mới, được triển khai với quy mô lớn, thiết thực, kịp thời… Hiện có khoảng 71% tổng số doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở có Thoả ước lao động tập thể…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo cho người lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam đang được thực hiện hiệu quả, qua đó khẳng định được vai trò, thể hiện được trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động.
Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam cũng đang tập trung chuẩn bị các công việc để triển khai tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2023.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển với các tổ chức Công đoàn quốc tế, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các thành viên của Liên hiệp quốc như ILO.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính có hiệu quả của ILO nói chung, Văn phòng ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Văn phòng ILO tại Việt Nam nói riêng thông qua nhiều hoạt động hợp tác và các dự án phối hợp.
Tiêu biểu như dự án khung khổ quan hệ lao động mới, dự án lao động di cư, dự án việc làm tốt hơn, dự án về chuyển dịch công bằng trong ngành hóa chất và nhiều hoạt động, sáng kiến khác.
Thông qua ILO, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được tiếp cận với những kinh nghiệm quốc tế hữu ích và áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Công đoàn Việt Nam, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó thúc đẩy điều kiện lao động của người lao động ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang và bà Chihoko Asada-Miyakawa. Ảnh: Linh Nguyên
Tại buổi tiếp, bà Chihoko Asada-Miyakawa đánh giá cao hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Văn phòng ILO Việt Nam thời gian qua, trong đó có xây dựng việc làm bền vững; mối quan hệ phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ; các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động….
Theo laodong.vn