06/02/2023 8:18:10

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)

Thời gian qua, Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes đã tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh từ bạn đọc, thông tin về một đường dây lừa đảo có tổ chức mạo danh cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lợi dụng thương hiệu Petrovietnam để chiếm đoạt tài sản. Phóng viên PetroTimes đã tiếp cận, điều tra về vụ việc trên.

Quỹ đầu tư “ảo” mang tên Petrovietnam

Từ thông tin ban đầu là một đường link petrovietnam.co, có tên gọi “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam”, phóng viên đã truy cập vào để tìm hiểu. Tại giao diện trang web này nổi bật nhất là hình ảnh các dự án của Petrovietnam, được đặt dưới các tiêu đề rất “kêu” như “Quỹ xây dựng đường ống dẫn dầu thô”, “Quỹ xây dựng công nghiệp dầu khí tự nhiên”, “Quỹ xây dựng quản lý phát điện”, “Quỹ xây dựng lọc hóa dầu”, “Quỹ thăm dò dầu khí Biển Đông giai đoạn III”… quy mô mỗi dự án từ 2.500 tỷ lên đến trên 25 triệu tỷ đồng, cùng các con số kêu gọi từ… 2 triệu đồng đến lớn nhất là 5 tỷ đồng một “suất” đầu tư.

Nếu như người xem là một cán bộ nhân viên trong ngành, hoặc có biết ít nhiều về ngành Dầu khí, chắc chắn sẽ nhận ra đây chỉ là một trang web giả mạo trắng trợn với các dự án “trên trời”, đầy mùi “lừa đảo”. Nhưng đối với những người dân không biết hoặc chưa có điều kiện tiếp cận thông tin ngành dầu khí, những con số % lợi nhuận của từng “dự án” mới chính là thứ gây sự chú ý nhất, với lãi suất từ 1,32% đến 12,15%/ngày.

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)
Giao diện website giả mạo thương hiệu Petrovietnam.

Theo như trang này thông tin, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra ít nhất 2 triệu vào quỹ này, sẽ thu lời 26,4 nghìn đồng/ngày, tương đương 800 nghìn đồng tiền lãi sau một tháng. Còn nếu “mạnh tay” bỏ ra 20 triệu đồng, lãi suất này sẽ tăng lên 3,12%, tức 624 nghìn đồng/ngày, tương đương 20,8 triệu đồng/tháng.

Với con số lãi “khủng” như trên, hẳn bất cứ nhà đầu tư, người làm kinh tế nào cũng phải đặt dấu hỏi lớn cho các “dự án” này, bởi các con số lãi suất trên có thể nói là “không thể tin nổi”. Vì vậy, có vẻ như đối tượng mà những “dự án” này hướng đến hoàn toàn không phải là những người làm kinh tế hay nhà đầu tư thực thụ.

Vậy phương thức lừa đảo ở đây là như thế nào?

“Nhà đầu tư” kêu cứu

Liên hệ với PetroTimes, chị L.N. (sn 1988, Ninh Bình) cho biết, vào giữa năm 2022, chị quen một người đàn ông có tài khoản facebook tên Hồ Quốc Lĩnh qua mạng và được giới thiệu về quỹ này. Vì tò mò, và nghĩ rằng số tiền cũng không nhiều (2 triệu đồng cho gói đầu tư thấp nhất), chị N. thử góp vào. Ban đầu thấy có lãi tăng hàng ngày, chị N. khá yên tâm. Sau đó Lĩnh đề nghị chị tăng vốn lên gói 20 triệu để có lãi nhiều hơn. Chị N. trả lời rằng không có tiền, Lĩnh động viên và hứa sẽ góp “phụ” 10 triệu đồng. “Lúc đấy thực sự 10 triệu cũng không có, hoàn cảnh rất khó khăn nên tôi không đóng thêm vào nữa. Tôi làm thủ tục rút tiền gốc về, xong thì người đó cũng chặn facebook của tôi luôn” – chị N. chia sẻ.

Khoảng vài tháng sau, tức là gần cuối năm 2022, một người có tài khoản facebook tên Anh Linh tiếp cận làm quen chị N. Người này giới thiệu là một phó phòng thiết kế của Tập đoàn Dầu khí, đang công tác tại Vũng Tàu. Trong hai tháng đầu làm quen, hai người chỉ nói chuyện như bạn bè, chia sẻ về công việc và cuộc sống hàng ngày; chị N. tuyệt nhiên không nghe đối phương đề cập gì đến quỹ đầu tư hay đòi hỏi bất cứ điều gì.

Chỉ đến khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, thông qua tài khoản facebook Anh Linh, người đàn ông bắt đầu chia sẻ nhiều hơn về công việc của mình, gửi hình ảnh đón Tết ở nơi làm việc, ảnh tổng kết cuối năm ở công ty, được trao giải “nhân viên xuất sắc của năm”… Theo như người này nói, vì được là nhân viên xuất sắc nên được Tập đoàn “thưởng” một suất đầu tư trong quỹ dự án, và muốn dành “phần thưởng” này cho chị N., với mong muốn giúp đỡ chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)
Tin nhắn giữa đối tượng và nạn nhân – Ảnh do nạn nhân cung cấp.

Do đã từng biết qua về quỹ này, (cũng đã rút được tiền về) chị N. nhanh chóng tin là thật. Chị N. được đối phương tạo cho một tài khoản mới, qua đó, chị chuyển khoản vào 2 triệu đồng (là suất đầu tư thấp nhất). Sau đó, người này bắt đầu hối thúc chị tăng vốn lên gói 20 triệu. Thấy chị N. nói không có tiền, người đàn ông lại ngọt nhạt động viên, nói rằng “em có bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, số còn lại anh sẽ giúp”. Tin tưởng đối phương, chị N. chuyển khoản thêm 7 triệu đồng. Sau đó số tiền 13 triệu còn lại người đàn ông này cũng đóng thêm vào tài khoản của chị N. đúng như lời hứa. Số tiền trong tài khoản đầu tư mỗi ngày một tăng thêm khiến chị N. rất yên tâm.

Tương tự câu chuyện của chị L.N, chị A.P (sn 1987, ngụ Hải Phòng) cũng biết đến “quỹ đầu tư” này qua một người quen trên mạng.

Cuối tháng 12/2022, chị P. quen Vũ Thành Nhân, tự giới thiệu là một phó phòng nhân sự thuộc Tập đoàn Dầu khí. Với hình ảnh vẻ ngoài lịch lãm, điển trai, công việc ổn định đáng mơ ước tại một Tập đoàn lớn trên trang cá nhân, Nhân nhanh chóng chiếm được thiện cảm của chị P. Những dòng tin nhắn tâm sự, những cuộc gọi hỏi han quan tâm hàng ngày của N. ngày càng củng cố thêm niềm tin từ chị.

Sau hơn một tháng quen biết, Nhân bắt đầu nói về các dự án lớn sắp triển khai của Tập đoàn, và đặc biệt là về “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam”.

Theo lời chị P, Nhân tiết lộ đang đầu tư vào quỹ này và lợi nhuận rất cao nên muốn rủ chị cùng góp vốn, để kiếm một khoản để dành cho tương lai. Nhân còn nhấn mạnh đây là quỹ nội bộ và chỉ những cán bộ cao cấp trong tập đoàn mới được biết và yêu cầu chị không tiết lộ ra ngoài.

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)
Các văn bản giả mạo được các đối tượng photoshop thêm logo Petrovietnam, Vietsovpetro và các dấu mộc đỏ nhằm củng cố lòng tin của nạn nhân – Ảnh do nạn nhân cung cấp.

Khi chị P. còn đang phân vân, Nhân củng cố niềm tin bằng cách chỉ chị vào trang web petrovietnam.co nói trên, tham khảo thông tin về các con số đầu tư, lãi suất đầu tư; N. cũng cho chị xem tài khoản đầu tư của mình trên trang này với số tiền hiển thị lên đến hơn 2 tỉ đồng. Với lý do mình đã có khoản đầu tư riêng, Nhân đề nghị mở thêm một tài khoản mới cho chị để cùng góp vốn. Con số khởi điểm 2 triệu đồng được chuyển vào tài khoản của chị, sau đó nhanh chóng sinh lời (26,4 ngàn đồng/ ngày) và có thể rút ngay tiền về vào ngày hôm sau bắt đầu khiến nạn nhân tin rằng lời của của Nhân là thật.

Ít hôm sau, khi đã nắm chắc “con mồi” trong tay, Nhân tiếp tục chiêu bài ngọt nhạt, dụ dỗ chị P. lên vốn đầu tư gói 200 triệu đồng. Chị P. nói không có tiền, Nhân hào phóng đề nghị góp phụ chị 180 triệu đồng, chị P. chỉ cần bỏ ra thêm 20 triệu. Hành động này càng khiến chị P. tin tưởng, nhanh chóng rót tiền.

Và mọi chuyện tưởng chừng như êm xuôi cho đến khi các nạn nhân thử rút tiền nhưng không thể rút ra được nữa. Qua lời chị N, người xưng tên Anh Linh nói rằng muốn rút tiền, phải nâng gói đầu tư, từ 20 triệu lên 50 triệu. Người này tiếp tục hứa hẹn sẽ phụ chị một phần, phần còn lại chị phải tự xoay xở, khi đủ số tiền 50 triệu, mới rút được phần vốn đã bỏ ra. Anh ta còn thúc ép chị đi vay mượn bạn bè, người thân, đồng nghiệp, thậm chí chỉ chị cách đi vay nóng. Đến khi chắc chắn không thể lừa thêm được nữa, gã lập tức chặn liên lạc với chị N. trên mọi nền tảng mạng xã hội, các số điện thoại thì không liên lạc được hoặc nhầm số.

Cảnh báo lừa đảo mang tên “Quỹ dự án của Tập đoàn Petrovietnam” (kỳ 1)
Đoạn chat cho thấy đối tượng lấy uy tín của Petrovietnam để dẫn dụ nạn nhân – Ảnh do nạn nhân cung cấp.

Câu chuyện của chị N. vẫn chưa dừng lại. Khi chị đăng tin kêu cứu trên các fanpage liên quan đến ngành dầu khí, với hy vọng nhỏ nhoi là tìm được kẻ lừa đảo để đòi lại tiền, thì một tài khoản facebook có tên Nguyễn Hoàng, cũng giới thiệu làm việc tại Tập đoàn Dầu khí tiếp cận chị. Hoàng khẳng định quỹ đầu tư kia là thật và phải nâng gói đầu tư thì mới rút được tiền. Sau đó Hoàng đề nghị chị N. đưa tài khoản đầu tư, cả tài khoản ngân hàng đã liên kết trên trang web petrovietnam.co để giúp chị lấy lại tiền. Rất may, lần này chị N. tỉnh táo hơn nên không cung cấp thông tin gì. Chị cho biết hiện cũng đã bị tài khoản Nguyễn Hoàng này chặn liên lạc.

Về phần chị A.P. Sau khi được chị chuyển khoản số tiền 20 triệu, tài khoản facebook tên Vũ Thành Nhân tiếp tục dụ dỗ chị lên gói 500 triệu. Điều này đã khiến chị P. nghi ngờ và thử rút tiền. Tất nhiên, mọi lệnh rút tiền đều bị từ chối và sau đó thì Nhân cũng khóa chị P. trên mọi nền tảng mạng. Lúc này, chị mới vỡ lẽ, hốt hoảng tìm đến các fanpage của ngành Dầu khí để kiểm chứng độ xác thực của cái gọi là “Quỹ đầu tư dự án của Petrovietnam”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Trúc Lâm