13/01/2023 9:36:48

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 10/2022

Câu 1.

Danh sách bầu cử và các hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 8.3 và Điểm 8.4 Mục 8 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì danh sách bầu cử và các hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn được quy định như sau:

“8. Nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn theo Điều 10

……………………….

8.3. Danh sách bầu cử

1. Đoàn Chủ tịch đại hội, hội nghị có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo đầy đủ danh sách đề cử, ứng cử, người xin rút khỏi danh sách đề cử, ứng cử để đại hội thảo luận, quyết định.

2. Danh sách bầu cử phải được đại hội, hội nghị biểu quyết thông qua trước khi thực hiện bầu cử.

8.4. Các hình thức bầu cử của Công đoàn

1. Bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu kín trong các trường hợp sau:

– Bầu cử Ban Chấp hành và các chức danh của Ban Chấp hành Công đoàn các cấp (bao gồm cả công đoàn cơ sở thành viên và công đoàn bộ phận):

+ Bầu Ban Chấp hành tại đại hội Công đoàn các cấp; bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành tại hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các cấp.

+ Bầu ủy viên Ban Thường vụ tại hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các cấp.

+ Bầu chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

– Bầu cử Ủy ban Kiểm tra và các chức danh của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp bao gồm:

+ Bầu Ủy ban Kiểm tra, bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra, chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tại hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các cấp.

+ Bầu chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tại hội nghị Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp.

– Bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn tại tổ công đoàn và các chức danh cán bộ công đoàn khác.

– Bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên, bao gồm đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết.

– Lấy phiếu giới thiệu các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2. Bầu cử bằng hình thức biểu quyết giơ tay trong các trường hợp sau:

– Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu tại đại hội, hội nghị Công đoàn các cấp.

– Bầu Ban Bầu cử tại đại hội, hội nghị Công đoàn, hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn các cấp”.

 

Câu 2.

Mục đích, nguyên tắc giám sát; phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Mục 1 Phần I Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của ĐCT Tổng Liên đoàn LĐVN thì mục đích, nguyên tắc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được quy định như sau:

“1. Mục đích và nguyên tắc giám sát

1.1. Mục đích

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; phát hiện, phòng ngừa các sai phạm đồng thời tuyên truyền, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực góp phần xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh, phát triển bền vững.

1.2. Nguyên tắc

Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, tổ chức đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng.

– Căn cứ Mục 2 Phần I Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của ĐCT Tổng Liên đoàn LĐVN thì phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được quy định như sau:

“2. Phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát

2.1. Phạm vi giám sát

Giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp, tổ chức đảng ở cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, đảng viên ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên không thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn thực hiện báo cáo, phản ảnh với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên.

2.2. Đối tượng giám sát

Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, đảng viên ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; tập trung giám sát cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, cán bộ lãnh đạo quản lý đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.

2.3. Chủ thể  giám sát

– Công đoàn các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

– Đoàn viên công đoàn, người lao động giám sát thông qua Công đoàn cơ sở; thông qua phản ảnh, kiến nghị đến cấp ủy đảng, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công đoàn các cấp và cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.”

 

Câu 3.

Ở Công ty A, toàn bộ lao động nữ trong thời gian hành kinh không nghỉ việc theo chế độ pháp luật hiện hành quy định. Vậy trường hợp này chúng tôi có được hưởng thêm lương hay không và nếu được hưởng thì mức hưởng như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút… Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”. Và khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kiện lao động và quan hệ lao động có quy định về nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ như sau:

“a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động”.

Như vậy, căn cứ vào những quy định trên thì trường hợp lao động nữ trong thời gian hành kinh không nghỉ việc theo chế độ pháp luật hiện hành quy định do lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

 

Câu 4.

Chị A đã có thời gian làm việc và đóng BHXH tại Công ty B. Tuy nhiên, khi nghỉ việc, Chị A không chốt được sổ bảo hiểm do Công ty B nợ tiền BHXH. Hiện nay, Chị A đang làm việc tại Công ty mới và tiếp tục đóng BHXH. Hỏi, Chị A có được tự chốt sổ bảo hiểm khi Công ty B nợ tiền BHXH không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điều 18. Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

………………………

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.”

Như vậy, trường hợp của Chị A có thời gian làm việc tại Công ty B, tuy nhiên do Công ty còn nợ tiền đóng BHXH nên cơ quan BHXH chưa thực hiện chốt quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH cho Chị A. Vì vậy, đề nghị Chị A liên hệ và yêu cầu Công ty B đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng cho Chị A theo quy định để được chốt sổ và tiếp tục ghi quá trình tham gia BHXH, BHTN tại đơn vị mới.

 

Câu 5.

Người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm những ai? Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) gồm những cơ quan, tổ chức, đơn vị nào?

Trả lời:

1 – Người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN:

Theo quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng thì người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

– Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

2 – Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước theo quy định của Luật PCTN:

Theo quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội.

Văn phòng Tư vấn pháp luật