Ngày 10/1/2023, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Trong phiên khai mạc, Hội nghị đã tập trung vào tham luận của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn nhằm ghi nhận những đề xuất, kiến nghị, qua đó đưa ra giải pháp trong năm 2023 và những năm tới.
Đồng chí Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn cùng các đồng chí Phó Tổng Giám đốc: Lê Xuân Huyên, Lê Ngọc Sơn, Đỗ Chí Thanh, Phạm Tiến Dũng, Dương Mạnh Sơn đồng chủ trì Hội nghị.
Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, cùng các đồng chí Phó Tổng Giám đốc: Lê Xuân Huyên, Lê Ngọc Sơn, Đỗ Chí Thanh, Phạm Tiến Dũng, Dương Mạnh Sơn đồng chủ trì Hội nghị |
Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận của các đơn vị thuộc khối E&P (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí): VSP, PVEP, BIENDONG POC, Cửu Long JOC và Phú Quốc POC. Các tham luận đã thông tin khái quát về tình hình sản xuất kinh doanh, trao đổi về những khó khăn, thách thức trong việc duy trì sản lượng khai thác, triển khai các dự án thăm dò khai thác, phát triển các mỏ mới và những nỗ lực của các đơn vị trong việc đảm bảo sản lượng, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khai thác. Các đơn vị cũng trao đổi về kế hoạch phát triển các mỏ mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu, công tác đầu tư…
Đồng chí Trần Công Tín – Chánh Kinh tế Vietsovpetro tham luận tại Hội nghị |
Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Lê Ngọc Sơn đã làm rõ hơn những kết quả mà các đơn vị khâu đầu đã đạt được trong năm 2022, trong đó ghi nhận nhiều thành tích đáng khích lệ.
“Việc gia tăng trữ lượng của Tập đoàn trong năm qua đạt con số rất ấn tượng 16,97 triệu tấn quy dầu, so với các năm trước đây hệ số bù năm 2022 đạt 63% và đạt được 53% kể từ năm 2015, đây là có thể xem là sự bứt phá trong năm vừa qua. Sản lượng khai thác chúng ta cũng vượt 28% so với kế hoạch và từng bước chặn đà suy giảm sản lượng khai thác ở mức thấp”, Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam trình bày tham luận |
Về nhiệm vụ năm 2023, Phó Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn nhận định, đây là năm quan trọng khi chúng ta triển khai dự án Khí lô B và Cá Voi Xanh; năm 2022 Tập đoàn cũng đưa vào 5 công trình khai thác và có 1 mỏ mới góp phần gia tăng về sản lượng khai thác; bên cạnh đó Luật Dầu khí 2022 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2023, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án được phê duyệt, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên cho đất nước. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, các Nghị định liên quan để có những giải pháp đồng bộ, tạo hành lang pháp lý xuyên suốt cho công tác thăm dò, khai thác.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà khối E&P đã đạt được trong năm 2022, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị trong khối trong năm 2023 cần phải quyết tâm trong công tác quản trị một cách đồng bộ, đảm bảo việc gia tăng và duy trì sản lượng khai thác.
“Cần tận dụng những cơ hội của Luật Dầu khí 2022 và các Nghị định, hướng dẫn ban hành để cập nhật, đồng bộ các danh mục dự án đầu tư cho phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hoàn tất các quy chế nội bộ nhất là quản lý các dự án, hợp đồng dầu khí và triển khai đúng các trình tự, thủ tục phê duyệt của Tập đoàn”, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Tận dụng triệt để các bài học kinh nghiệm trong năm 2022, đơn cử như VSP đã đẩy nhanh 1 loạt các công trình đi vào sớm hoạt động bằng nguồn lực của mình, hay như Cửu Long JOC đã triển khai áp dụng các công nghệ để nâng cao sản lượng khai thác. VSP và Cửu Long JOC cần tập trung quản trị, đảm bảo việc gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi dầu như mục tiêu đã đề ra, tiếp tục bám sát, đẩy nhanh tiến độ các công trình khai thác, chuỗi khai thác, lọc dầu… PVEP tập trung vào công tác đầu tư để tạo đột phá trong gia tăng trữ lượng, đối với các dự án được phê duyệt tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn hoàn thiện các văn bản dưới Luật liên quan. Đối với BIENDONG POC cần phối hợp chặt chẽ với PV GAS, PVOIL duy trì việc khai thác khí và condensate tại các mỏ. Với Phú Quốc POC, quyết tâm kiểm soát rủi ro trong dài hạn, phối hợp với các đối tác triển khai trong năm 2023… Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị khối E&P phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu Dầu khí để ký kết các hợp đồng dầu khí. Cùng với đó cần tận dụng cơ hội trong việc mua thêm mỏ nhằm gia tăng trữ lượng.
Tham luận của Khối Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí của các đơn vị PV Drilling (PVD), PTSC, PVTrans cũng đã thông tin đến hội nghị về những kết quả nổi bật cũng như những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Đối với PVD, năm 2022, mục tiêu lợi nhuận không đạt như kỳ vọng tuy nhiên bức tranh tài chính đã được cải thiện tốt hơn, tạo bản lề cho những năm tiếp theo. Lần đầu tiên từ 2016, PVD đưa cả 6 giàn khoan vào hoạt động. Mới nhất Petronas trao thầu cho PVD 2 giàn khoan, hầu hết các giàn khoan của đơn vị đã được ký kết với giá tăng trung bình 50%, PVD tự tin sẽ hoàn thành các kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023. Để đạt mục tiêu này, PVD đề xuất Tập đoàn tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho các giàn khoan và các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan của PVD, đặc biệt trong năm 2023; Hỗ trợ phát triển thị trường khoan trong nước, phê duyệt các chương trình, tạo điều kiện cho PVD tham gia sâu vào các chuỗi dịch vụ của Tập đoàn…
Đối với PVTrans, đại diện đơn vị cũng chỉ ra các thách thức về thị trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Hiện nay, năng lực đội tàu PVTrans có quy mô lớn nhất Việt Nam với 45 chiếc, tuy nhiên cũng đang phải đối diện với áp lực lớn khi tuổi tàu cao, cần phải đầu tư trẻ hóa, nâng cấp đội tàu.
Đối với PTSC, trong năm qua khối lượng công việc, dự án trong ngành liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của PTSC tiếp tục khan hiếm; trong khi đó, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài hết sức khó khăn do cạnh tranh khốc liệt cũng như sức ép giảm chi phí, yêu cầu các điều khoản đẩy rủi ro về phía nhà thầu và sự bảo hộ đối với doanh nghiệp trong nước của các nước sở tại ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm tối đa chi phí SXKD, PTSC đã chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. PTSC tin tưởng sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn khó khăn hiện nay, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch được giao.
Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Phạm Tiến Dũng, với khâu dịch vụ, nhu cầu việc làm là rất lớn và cũng đem loại nguồn thu từ bên ngoài rất lớn. Hiện nay, các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế. Vấn đề của khâu dịch vụ là nguồn việc và tham gia các chuỗi dịch vụ, bởi vậy các đơn vị cần hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị sử dụng dịch vụ dùng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, nhất là các đơn vị thuộc khâu đầu và khâu sau
Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Khối dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có sứ mệnh là tạo sức kéo cho các chuỗi sản xuất của Tập đoàn, đây là cơ cấu cứng trong các nền kinh tế phát triển. Bởi vậy, phải xây dựng được các sản phẩm dịch vụ chủ lực, có thị trường, thị phần để tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài và cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng các nguồn lực để tìm giải pháp giải phóng nguồn lực, trong đó có một số giải pháp trọng tâm là đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình…Và cũng cần phải xác định rằng các đơn vị dịch vụ là công cụ để các đơn vị khâu đầu, khâu sau… vươn xa, phát triển mạnh hơn, phải tạo sự liên kết, kết nối, hỗ trợ, phối hợp giữa các đơn vị trong chuỗi dịch vụ.
Đối với Lĩnh vực công nghiệp khí – điện – đạm, trong năm qua PVGas cơ bản đạt và vượt mục tiêu đặt ra về chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Về các khó khăn, thách thức, đại diện đơn vị đã chỉ ra thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn cung; giá LPG biến động thất thường khó dự đoán, rủi ro kinh doanh liên quan đến giá khá cao. Mặt khác hoạt động sử dụng trái phép thương hiệu PETROVIETNAM GAS vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh LPG của PVGas. Sự cố phía thượng nguồn có xu hướng ngày một tăng và thường kéo dài thời gian dừng/gián đoạn cấp khí; chi phí bảo dưỡng sửa chữa cho các công trình khí ngày một lớn, làm tăng giá thành các sản phẩm khí. Nhận diện những khó khăn, thách thức nêu trên, để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 mà Tập đoàn giao, PVGas đề ra một số giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào công tác bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành tối ưu các hệ thống khí, tăng cường phân tích,dự báo thị trường, tập trung đàm phán, ký kết, quản lý các hợp đồng mua bán Khí, tăng cường công tác quản trị rủi ro, thực hiện tái cơ cấu theo kế hoạch được duyệt, ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ thông tin, cải tiến kỹ thuật…
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên phát biểu tại Hội nghị |
Đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, trong năm 2022, về cơ bản, các hạng mục chính của Nhà máy đã hoàn thành và không ảnh hưởng lớn đến việc chạy thử nghiệm thu. Trong giai đoạn tới, Ban QLDA tiếp tục đôn đốc Tổng thầu Petrocons/Nhà thầu phụ hoàn thành thủ tục nghiệm thu/Hồ sơ thanh toán của các hạng mục đã hoàn thành. Tổ máy số 1 đã hoàn thành các mốc đốt dầu, đốt than, hòa đồng bộ, hiện tại đã hoàn thành chạy full tải 72h, đang tiến hành chạy tin cậy để hướng đến COD Tổ máy số 1 trong năm 2022 (dự kiến hoàn thành chạy thử nghiệm thu để cấp PAC trước ngày 31/12/2022). Tổ máy 2 dự kiến khởi động lại và cuối tháng 12 để tiến hành các thí nghiệm theo kế hoạch. (dự kiến hoàn thành chạy thử nghiệm thu để cấp PAC trong quý I/2023)
Theo báo cáo của PVFCCo, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2022, nhưng PVFCCo đã đưa ra rất nhiều giải pháp thiết thực và phù hợp, qua đó đã mang lại hiệu quả, giúp cho Tổng Công ty đứng vững và đạt những thành công trong năm 2022. Cụ thể, sản xuất Ure Phú Mỹ đạt 912.000 tấn, vượt 10% kế hoạch; UFC85 đạt 13.000 tấn, vượt 2% kế hoạch; NH3 đạt 72.800 tấn, vượt 4% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất Urê năm 2022 đã về đích trước kế hoạch 36 ngày và đây là năm mà sản lượng sản xuất đạt kỷ lục kể từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến nay.Năm 2023, PVFCCo tiếp tục nhận định tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như trong nước dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, khó khăn và sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của Tổng công ty, do vậy cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình tiêu thụ trong nước cũng như theo sát sự biến động của thị trường thế giới để đưa ra các quyết định kinh doanh tối ưu, ‐ Rà soát, đánh giá và phân loại các thiết bị Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Xưởng sản xuất NPK, Xưởng sản xuất UFC85 để có kế hoạch mua dự phòng, kịp thời thay thế khi hết thời gian sử dụng. Thường xuyên lên kế hoạch bảo dưỡng định kỳ tháng, quý, năm, tuân thủ quy trình vận hành. Tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo Nhà máy vận hành an toàn, ổn định và hiệu qua
Đánh giá chung về lĩnh vực Khí – Điện – Đạm, Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên cho rằng, lĩnh vực khí điện đạm chịu tác động rất nặng nền bởi bối cảnh quốc tế, trong nước đầu ra bị thu hẹp, các báo cáo cho thấy, doanh thu, lợi nhuận đạt nhưng sản lượng khí thì lại không đạt, hoặc đạt thấp doanh nghiệp đạm phải tìm các nguồn xuất khẩu. Tuy nhiên nhờ công tác quản trị, tái cấu trúc thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các đơn vị vẫn xác lập nhiều kỷ lục, đây là điều rất đáng biểu dương.
Năm 2023, thách thức khó khăn sẽ còn lớn hơn, đặc biệt đối với khí khi nhu cầu thị trường biến động rất mạnh. Thị trường đạm cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn do nhu cầu thị trường bị thu hẹp. Bởi vậy các đơn vị cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, bám sát diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, đảm bảo hiệu quả công tác vận hành, bảo dưỡng, để tránh sự cố, tiêu hao và các yếu tố rủi ro khác trong bối cảnh huy động trên thị trường điện diễn biến khó lường.
Đối với Lĩnh vực Lọc hóa dầu và phân phối sản phẩn, đại diện Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) thông tin đến hội nghị về những thuận lợi, khó khăn trong năm qua. Đơn vị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch 2022 trong bối cảnh rất đặc biệt, tồn kho cao, nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy, cùng rất nhiều thách thức trong công tác quản trị rủi ro. Vượt qua những khó khăn, công ty đã vận hành nhà máy an toàn tuyệt đối: đạt trên 37,1 triệu giờ công an toàn, không có tai nạn lao động mất ngày công. Doanh cao thu và lợi nhuận đạt cao nhất kể từ khi NMLD đưa vào vận hành thương mại. Chinh phục giới hạn vận hành an toàn (SOL) mới: vận hành tại 112% công suất thiết kế, góp phần cho nhà máy hoàn thành kế hoạch sản lượng sản xuất và về đích sớm 23 ngày. Về giải pháp năm 2023, Công ty tập trung công tác dự báo, nắm bắt cơ hội thị trường, tiết giảm tối đa chi phí, tối đa hiệu quả công tác đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khó học công nghệ, đồng đời mong nhận được sự ủng hộ của Tập đoàn, các cơ quan chức năng của tỉnh và các Bộ/Ngành liên quan để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Hội nghị cũng được nghe Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn báo cáo về công tác tài chính đầu tư tại Tập đoàn cùng với các giải pháp để đẩy nhanh quá trình này nhằm nắm bắt các cơ hội thị trường, tính toán lại cơ cấu nguồn lực đầu tư để phát huy hiệu quả nhất.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao những nội dung, ý kiến được trao đổi tại hội nghị, qua đó đã phác họa lên được bức tranh hoạt động của Tập đoàn một cách khá đầy đủ. Qua một năm đầy biến động, khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng phi thường, CBCNV và người lao động của Tập đoàn đã đạt được những kết quả ấn tượng. Những kết quả này cũng đã được cấp trên ghi nhận, khen ngợi, đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết của Uỷ ban QLVNN và Bộ Công Thương vừa qua. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đã chỉ ra 3 thách thức lớn đó là hệ số bù trữ lượng dầu khí còn thấp, bối cảnh thị trường chịu tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và những thách thức trong công tác đầu tư vẫn là điểm nghẽn, cần phải có đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới; đồng thời đặc biệt lưu về 6 bài học, định hướng, các nhóm giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao thực hiện trong năm 2023. Hệ số bù trữ lượng dầu khí vẫn còn thấp, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của lĩnh vực then chốt, thiết yếu của Tập đoàn, đó là lĩnh vực khai thác dầu khí. Các dự án trọng điểm về Dầu khí, dự án điện cấp bách như: Chuỗi dự án khí – điện Lô B; Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh; NMNĐ Long Phú 1; dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ, cần có giải pháp tháo gỡ của cấp thẩm quyền.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị toàn thể lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị và CBNV, người lao động toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ chính, đó là tăng cường đoàn kết nội bộ, đồng thuận, thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động vì sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Xây dựng chương trình, tổ chức triển khai Luật Dầu khí sửa đổi đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của Tập đoàn áp dụng ngay khi luật có hiệu lực; Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị triển khai thực hiện và khởi công các dự án trọng điểm của Tập đoàn như Chuỗi Dự án điện khí Dự lô B, Dự án Nhơn trạch 3,4, Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và tiếp tục triển khai xây dựng Văn hoá Petrovietnam trên nền tảng các giá trị văn hoá Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình.
Kết luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2022, vẫn còn 5 tồn tại lớn, đòi hỏi Tập đoàn phải có kế hoạch để quản trị và xử lý từng bước. Trong đó, vấn đề thể chế hóa Luật Dầu khí còn chậm so với nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trong lĩnh vực E&P. Nhiều vấn đề lớn của Tập đoàn tồn tại trong nhiều năm chưa được phê duyệt như các dự án trọng điểm, đề án tái cấu trúc, kế hoạch 5 năm chưa được duyệt, … Bên cạnh đó, một số đơn vị trong Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý tài chính, công nợ, khoản thu… dẫn đến thua lỗ. Với những tồn tại trên, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị rà soát lại những tồn tại đã nêu, xây dựng mục tiêu tăng trưởng.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng |
Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng giao Ban Kinh tế và Đầu tư phân tích rõ các mục tiêu, đảm bảo quản trị rủi ro, đánh giá độ nhạy về sản lượng và giá kinh doanh dầu, trên cơ sở đó tập trung vào 5 định hướng lớn trong năm 2023 là công tác quản trị như năm 2022, đặc biệt tập trung vào những phân tích về dư địa, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm bên ngoài; đẩy mạnh công tác đầu tư, mở rộng quy mô nhất là củng cố hệ thống quản trị trong lĩnh vực đầu tư để đảm bảo trình thẩm định, phê duyệt, xử lý các thủ tục đầu tư; tập trung nghiên cứu khoa học dài hại, thay thế các sản phẩm truyền thống, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm trong bối cảnh sản lượng ngày càng giảm.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh cũng yêu cầu các đồng chí Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo các Ban chuyên môn tiếp tục công tác quản trị biến động thông qua đánh giá định kỳ về thị trường và kinh tế vĩ mô, cập nhật kịp thời kế hoạch, mục tiêu cho từng kỳ. Chỉ đạo các Ban liên quan thực hiện các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn vận hành, sản xuất trong toàn Tập đoàn góp phần bình ổn thị trường, mang lại doanh thu.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các đơn vị củng cố các chuỗi liên kết đã hoạt động hiệu quả và thiết lập các chuỗi liên kết mới để các dự án sớm đi vào vận hành, cập nhật điều chỉnh chiến lược kèm theo danh mục đầu tư để quản trị. Cùng với đó, phối hợp với các bộ ngành để thúc đẩy hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn của Luật Dầu khí 2022, điều lệ hoạt động của Tập đoàn, tập trung tháo gỡ các dự án lớn như Long Phú 1, Khí lô B, xử lý dứt điểm các tồn tại dự án yếu kém trong các năm qua. Các kiến nghị, đề xuất của đơn vị, các ý kiến trao đổi của lãnh đạo Tập đoàn sẽ giao Ban Kinh đầu tổng hợp để làm cơ sở đánh giá, kiểm tra trong quá trình quản trị năm 2023.
Nhân dịp này, Tập đoàn đã tôn vinh, khen thưởng các tập thể tiêu biểu năm 2022 và công nhân sáng kiến cấp Tập đoàn.
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng vinh danh các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều hành SXKD, đạt kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận 2022 |
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng vinh danh các đơn vị đã có thành tích xuất sắc, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD 2022 |
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng vinh danh các đơn vị tiêu biểu trong công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị đầu tư năm 2022 |
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng vinh danh các đơn vị tiêu biểu trong công tác chuyển đổi số, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế năm 2022 |
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng và tặng Bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và phong trào Lao động Sáng tạo 2022 |
Lãnh đạo Tập đoàn trao biểu trưng và Bằng khen vinh danh cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, nỗ lực khắc phục khó khăn và đạt kết quả tích cực trong công tác năm 2022 |
Nhóm phóng viên