Ngày 18/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) và công tác nữ công năm 2014.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc, Trưởng Ban VSTBPN PVN đã đánh giá công tác VSTBPN Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm. Khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn đến công tác này. Mặc dù, với những đặc thù riêng của ngành dầu khí, việc sắp xếp, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại một số đơn vị, đặc biệt là vị trí lãnh đạo về kỹ thuật có khó khăn nhất định nhưng tỉ lệ cán bộ nữ trong toàn Tập đoàn khá cao.
Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số lao động nữ trong Tập đoàn là hơn 14.800 người, chiếm tỉ lệ 23% trên tổng số CBCNV, tăng gần 4.000 người so với với năm 2011; trong đó số cán bộ nữ tham gia Đảng ủy Tập đoàn là 6 người, chiếm tỉ lệ 13%, cán bộ nữ là lãnh đạo cấp phòng, ban các đơn vị thành viên Tập đoàn là 2.460 người chiếm tỉ lệ 18%… Tại Tập đoàn có nhiều chị em phụ nữ đạt được những thành tích vang dội trong lao động, sản xuất, là những nhà khoa học rất có tiếng.
Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đảm bảo các chế độ chính sách cho lao động nữ theo đúng Bộ Luật Lao động thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, mỗi đơn vị trong Tập đoàn còn có những chính sách tốt hơn cho chị em phụ nữ, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và động viên khuyến khích chị em nỗ lực cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ nữ trong những năm qua được các đơn vị Tập đoàn chú trọng quan tâm hơn. Trong giai đoạn 2010 – 2013, có gần 6.000 lượt chị em được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chưa kể các khóa tập huấn. Cán bộ nữ trong quy hoạch đều được đào tạo về nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị; Tập đoàn cũng khuyến khích chị em nghiên cứu khoa học, làm chủ nhiệm đề tài, giám đốc dự án…
Hầu hết các ban VSTBPN của các đơn vị đã hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực, giúp cho các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nữ tại đơn vị, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của cán bộ nữ trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn. Nhiều đơn vị làm rất tốt công tác này, điển hình như: Vietsovpetro, PVcomBank, PVFCCo, PV Gas, PVEP.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Lê Minh Hồng đặc biệt nhấn mạnh những tồn tại hiện nay của công tác VSTBPN trong Tập đoàn, nhằm giúp các đơn vị nhận diện những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Trong đó, tồn tại lớn nhất hiện nay là nhiều đơn vị chưa ban hành chương trình hành động VSTBPN theo chỉ đạo của Ban VSTBPN Tập đoàn. Điều này cho thấy, Ban VSTBPN của các đơn vị chưa có nhiều hành động cụ thể để đạt được những mục tiêu Tập đoàn đề ra; vai trò Ban VSTBPN các đơn vị chưa được phát huy đúng mức, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chị em phụ nữ…
Chỉ còn 2 năm nữa để thực hiện 4 mục tiêu lớn trong Chương trình hành động VSTBPN 2012 – 2015 của Tập đoàn bao gồm: Tăng cường sự tham gia của cán bộ, công nhân viên nữ vào các cấp lãnh đạo, quản lý của các đơn vị và Tập đoàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ trong toàn Tập đoàn; đảm bảo bình đẳng giới; nâng cao năng lực hoạt động của các ban VSTBPN.
Trong 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo, Ban VSTBPN Tập đoàn đề nghị Ban VSTBPN các đơn vị phải tư vấn cho lãnh đạo đơn vị ban hành các chương trình hành động VSTBPN, có kế hoạch hoạt động trong ngắn hạn, dài hạn và triển khai thực hiện theo kế hoạch; tăng cường công tác phát hiện, tạo nguồn, nâng cao năng lực của chị em phụ nữ để từ đó đưa họ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của đơn vị cũng như Tập đoàn; tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế, những điều nào không có lợi cho chị em phụ nữ thì kiên quyết bỏ và bổ sung những quy định phù hợp; có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ lao động nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các đơn vị và xem đây là việc làm thiết thực, phải hành động ngay.
Đồng chí Lê Minh Hồng khẳng định: VSTBPN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến các đoàn thể xã hội. Tuy nhiên, để công tác này thật sự hiệu quả thì chính chị em phụ nữ phải nỗ lực vượt qua bản thân mình, tham gia vào các quá trình đào tạo, rèn luyện, phát triển… để khẳng định thân. Nếu chính bản thân người phụ nữ không muốn vươn lên thì dù có hỗ trợ, tác động như thế nào từ bên ngoài cũng không thể có kết quả tốt được.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự còn được nghe, trao đổi, thảo luận với bà Tôn Nữ Thị Ninh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu và Bỉ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ hiện nay, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, quản lý; và nghệ thuật nói trước công chúng, kỹ năng thuyết phục, vận động công tác nữ do Thạc sĩ Nguyễn Phi Nga, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ Thủ đô, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Chuyên viên cao cấp Học viện Doanh nhân châu Á trình bày.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ: “Tôi đã đi nói chuyện, diễn thuyết ở khá nhiều nơi, nghe khá nhiều lời của các cấp lãnh đạo xung quanh vấn đề VSTBPN nhưng tôi thực sự bị thuyết phục với những ý kiến của đồng chí Lê Minh Hồng hôm nay. Tôi đến tham dự hội nghị cũng có phần định kiến rằng, Tập đoàn Dầu khí chắc rất ít nữ và tư duy chắc cũng rất nam giới nhưng thật bất ngờ, thú vị khi Phó tổng giám đốc Tập đoàn, người được giao chuyên trách công tác VSTBPN lại có những quan điểm rất đúng đắn, thiết thực, phù hợp với quan điểm thế giới hiện nay về công tác VSTBPN”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan cảm ơn các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học thú vị, bổ ích đến các cán bộ, nhân viên ngành dầu khí trong công tác VSTBPN; giúp chị em phụ nữ có thêm động lực để vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong xã hội hiện nay. Đồng chí mong muốn, Ban VSTBPN các đơn vị sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, tư vấn cho lãnh đạo đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để làm sao lồng ghép với các mục tiêu Tập đoàn đề ra trong chương trình VSTBPN, giúp công tác này ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn.
“Hằng năm chúng ta đều có hội nghị VSTBPN. Điều tôi mong muốn nhất là sau hội nghị phải có gì đó khác đi, phải tiến triển, phải tốt đẹp hơn cho giới nữ, để đạt được những mục tiêu Tập đoàn đề ra. Còn sau hội nghị mà Ban VSTBPN các đơn vị về cũng im lặng, cũng không tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, không có bất kỳ hành động gì thì những hội nghị như thế này cũng sẽ trở lên vô nghĩa và mất thời gian. Do đó, các ban VSTBPN phải vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất, phải có những hành động cụ thể, rõ ràng, tạo sự chuyển biến cho công tác này”, đồng chí Lê Minh Hồng nhấn mạnh.
Mai Phương