30/12/2022 2:22:44

Tập huấn về kỹ năng giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ công đoàn

Thực hiện chương trình công tác năm 2022 về công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ công đoàn từ ngày 19/12/2022 đến 20/12/2022.

Về tham dự khóa tập huấn có đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; đồng chí Vũ Hồng Quang – Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật; giảng viên Phạm Thị Hồng – cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng hơn 60 cán bộ công đoàn thuộc các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành Trung ương.

Đồng chí Phạm Thị Hồng – cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam truyền đạt kỹ năng về công tác giám sát, phản biện xã hội

Mục đích của khóa tập huấn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực, kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban chấp hành Trung ương về ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban chấp hành Trung ương về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội và Hướng dẫn 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Công đoàn thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Các cán bộ tham gia khóa tập huấn công tác giám sát, phản biện xã hội

Nội dung tập huấn gồm: Mục đích, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát; nội dung và hình thức giám sát; quyền, trách nhiệm của chủ thể và đối tượng giám sát. Đặc biệt, trong Hướng dẫn 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của Tổng LĐLĐVN đã quy định “Hình thức giám sát thường xuyên được thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ảnh của công đoàn cấp dưới, đoàn viên công đoàn, người lao động; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng; thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; thông qua đối thoại giữa tổ chức công đoàn với đối tượng được giám sát; thông qua nội dung và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, đoàn viên, người lao động; trường hợp đặc biệt, có thể thành lập đoàn giám sát theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước…”.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đang chia sẻ kinh nghiệm trong khóa tập huấn về giám sát, phản biện xã hội

Ngoài các nội dung tập huấn, các học viên đã được cung trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm trong việc công đoàn tham gia phản biện xã hội và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên…

Nguyễn Văn Sỹ

Ban CSPL & QHLĐ, CĐ DKVN