07/12/2022 8:45:24

Khúc tráng ca “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” – Kỳ cuối

Tết đến, bao người sẽ được nghỉ ngơi, sống vui vẻ, đầm ấm bên người thân, gia đình sau một năm lao động không ngừng nghỉ. Nhưng ở cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, những người thợ dầu khí chỉ được nghỉ duy nhất chiều 30 tết. Họ gác lại niềm thương nhớ gia đình, tạm quên không khí Tết ở quê hương, tập trung làm việc với cường độ cao giữa bốn bề sóng gió.

Kỳ cuối: Những người “không tết”

Khúc tráng ca

Ban thờ ngày Tết trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh

Làm việc xuyên Tết

Kế hoạch làm việc trên giàn khai thác dầu khí trong những ngày Tết Nguyên đán đã được chuẩn bị trước hàng tháng, khi Tết dương lịch còn chưa qua đi. Anh em sẽ rà soát lịch ở giàn của mình xem những ngày Tết sẽ được ở trên bờ hay làm việc ngoài giàn. Với những người năm ngoái đã được ở trên bờ đón Tết cùng gia đình thì năm nay sẽ trực ở giàn. Vì thế, người thợ dầu khí cứ 1 năm ở giàn, 1 năm trên bờ.

Khi Tết đến, các kỹ sư, người lao động trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ với cường độ gấp hai, gấp ba ngày thường. Đó là nét đặc thù công việc của các giàn khai thác khí. Anh Đoàn Mai Lâm, Giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh cho biết, khi Tết đến, các nhà máy, xí nghiệp… dừng sản xuất thì nhu cầu điện tạm giảm đi. Lúc đó, các nhà máy điện khí mới có thể giảm công suất, các giàn khai thác khí như Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ giảm công suất theo.

Giảm công suất thì mới có thể triển khai sửa chữa lớn trên giàn. Nhưng nghỉ Tết chỉ có chừng 1 tuần, đồng nghĩa với thời gian nhu cầu khí tạm giảm cũng chừng đó, nên để triển khai sửa chữa lớn, các kỹ sư trên giàn phải tập trung cao độ, làm việc liên tục với cường độ rất cao.

Trong năm, chỉ duy nhất chiều 30 Tết là anh em được nghỉ sớm, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc của mình và chuẩn bị đón Giao thừa. Để giúp anh em trên giàn vơi đi nỗi nhớ nhà, trong dịp Tết, trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ tổ chức thi gói bánh chưng, thi cờ tướng, bóng bàn… Phần thi gói bánh chưng được anh em trên giàn tham gia và cổ vũ nhiệt tình nhất. Nguyên vật liệu gói bánh chưng được bộ phận trên bờ chuyển ra giàn từ trước đó mấy ngày.

Đôi bàn tay của những kỹ sư trước giờ chỉ quen vặn van, làm cơ khí… giờ khéo léo múc gạo, múc đỗ, đặt từng lát thịt, buộc từng lạt giang để gói một chiếc bánh chưng thật ngon và vuông vức. Sau đó, mỗi đội thi chọn ra những chiếc ưng ý nhất để cho vào nồi luộc. Những chiếc bánh chưng đẹp nhất sẽ được trao thưởng vào đêm Giao thừa và đặt lên ban thờ cúng Giao thừa.

Những phần thi giúp cho người thợ dầu khí ở nơi biển xa xích lại gần nhau hơn trong những ngày Tết, tạo nên nét văn hóa, không khí gia đình đầm ấm và hơn nữa, tạo cho anh em tinh thần phấn khởi để tiếp tục lao động hăng say nhiệt huyết hơn trong năm mới.

Khúc tráng ca

Thi gói bánh chưng trên giàn

Nén hương duy nhất trong năm

Không chỉ ngày Tết, thắp hương là chuyện bình thường trên đất liền, nhưng ở trên giàn, nhất là giàn khai thác khí như cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh lại là một chuyện hi hữu, bởi công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Công tác an toàn thực hiện vô cùng nghiêm ngặt nên chuyện thắp hương đêm Giao thừa trên cụm giàn cũng có nhiều chuyện để kể.

Mất khoảng nửa ngày chuẩn bị để nén hương duy nhất trong năm được thắp lên. Để được thắp hương, phải xin giấy phép từ tổng công ty trong đất liền. Từ ngoài biển, giàn trưởng phải làm một báo cáo chi tiết về quy trình thắp hương, quy trình phòng chống cháy nổ gửi về Ban An toàn của tổng công ty. Sau khi được đồng ý bằng văn bản, giàn trưởng phải bố trí, thực hiện đầy đủ các quy trình phòng chống cháy nổ để đêm Giao thừa có thể thắp hương.

Chiều 30 Tết, một giám sát an toàn phải đem theo máy dò khí đi dò khắp khu vực nhà ở (nơi đặt ban thờ thắp hương) để bảo đảm không có khí rò rỉ. Đồng thời, hệ thống điều hòa không khí trong khu vực được kiểm tra chặt chẽ, phải bảo đảm áp suất không khí bên trong luôn cao hơn bên ngoài, để không khí bên ngoài (nơi có khả năng có khí cháy nổ) không thể xâm nhập vào khu vực tổ chức thắp hương. Hệ thống báo cháy được tạm cô lập, tránh trường hợp tự động tắt giàn. Các máy dò khí được đặt xung quanh các cửa để có thể kịp thời báo động nếu có khí rò rỉ vào bên trong. Sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của tổng công ty, giàn trưởng phải bố trí đầy đủ các quy trình phòng chống cháy nổ để đêm Giao thừa có thể thắp hương.

Giao thừa đến, giàn trưởng thắp ba nén hương và cùng anh em cầu chúc cho gia đình, bản thân luôn mạnh khỏe, làm việc an toàn, công việc hanh thông, thuận lợi. Rồi anh em chờ hương cháy hết, dọn dẹp và khởi động lại hệ thống báo cháy, rồi lại gửi thông báo về đất liền rằng đã tắt hương. Thời điểm đó, những người đàn ông quanh năm sống trên sắt thép và sóng biển sẽ chìm vào những hồi tưởng về thế giới Tết trên bờ, là những lời hỏi thăm về gia đình, chúc cho một năm mới nhiều sức khỏe, là những lời dặn dò trước năm mới và không thể thiếu lời hẹn sau Tết sẽ về nhà, bù đắp cho vợ con, gia đình những khoảng thời gian vắng nhà.

Khúc tráng ca

Kiểm tra thiết bị trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh

Những câu chuyện Tết là câu chuyện cuối cùng chúng tôi được nghe kể trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. 48 giờ được ở trên giàn Hải Thạch, được cùng ăn, cùng ở, cùng sống đời sống lao động với người thợ dầu khí trôi qua rất nhanh. Chúng tôi phải về đất liền.

Sáng ngày hôm đó, trời mưa lớn, chiếc trực thăng EC225 đã chờ thêm 30 phút so với lịch trình mà vẫn chưa thể cất cánh. Giàn trưởng Đoàn Mai Lâm đứng cạnh tôi, khẽ khàng bảo, bình thường máy bay không phải tiếp nhiên liệu ngoài giàn, nhưng mưa và gió to quá, nên phải tiếp thêm nhiên liệu để đề phòng thời gian bay lâu hơn. Rồi chiếc trực thăng hiện đại cũng cất cánh rời giàn. Tôi nhìn qua cửa kính, Hải Thạch – Mộc Tinh dần xa sau màn mưa. Ở nơi đó, tôi gửi lại một mảnh ký ức của mình và cả sự cảm phục về bản lĩnh, tinh thần phụng sự Tổ quốc của những người dầu khí đang sống “đời trai sóng gió tuyến đầu” trên cụm công trình kỳ vĩ này.

Thanh Hiếu