Chiều 30.11, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 31 (khoá XII), Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu trình bày Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo kế hoạch, Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khoá XV (dự kiến tháng 10,11.2024).
Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Để chuẩn bị cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, Tổng LĐLĐVN đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, tổ chức 3 đoàn công tác do các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN làm trưởng đoàn, khảo sát tại một số ngành, địa phương, đơn vị nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Luật công đoàn 2012, những hạn chế, bất cập, làm cơ sở nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn. Đồng thời, chỉ đạo các công đoàn ngành, địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012.
Yêu cầu sửa đổi lần này phải đáp ứng được 3 mục tiêu: Khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước sự quan trọng của nội dung này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu nghiên cứu và cho ý kiến vào 3 nội dung chính gồm Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012; Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật công đoàn sửa đổi tại kỳ họp Đoàn chủ tịch tiếp theo. Trong đó, tập trung cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012.
Theo congdoan.vn