Chiều 29.11, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị lần thứ 31 (khoá XIII) dưới sự chủ trì của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang. Tới dự có các đồng chí đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị lần thứ 31 (khoá XII) Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo chương trình kỳ họp, trong buổi chiều 29.11 và cả ngày 30.11, dự kiến Hội nghị sẽ cho ý kiến vào 17 nội dung. Một trong số các nội dung đó là Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, sau hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11, Tiểu ban Văn kiện và tổ giúp việc đã tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành; tổ chức 10 hội nghị, 5 cuộc hội thảo chuyên sâu về các vấn đề mới liên quan đến lao động, công đoàn trong nhiệm kỳ qua, dự báo trong thời gian tới làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.
Các đại biểu dự Hội nghị lần thứ 31 (khoá XII) Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khai mạc chiều 29.11. Ảnh: Hải Nguyễn
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Thời gian qua, bám sát Kế hoạch và Kết luận số 06 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về định hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ đã tập trung nghiên cứu, tính đến nay đã tổ chức 09 hội nghị lấy ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó, tiếp thu hoàn thiện dự thảo (lần 3) Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)…
Đối với Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, chương trình công tác Công đoàn năm 2023, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến phân tích, đánh giá đúng tình hình 2022 và dự báo được chính xác tình hình năm 2023 – năm tổ chức Đại hội.
Đối với Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, theo kế hoạch Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến tháng 10,11.2024).
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào 3 nội dung chính: Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012; Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi; Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật công đoàn sửa đổi. Yêu cầu sửa đổi lần này phải đáp ứng được 3 mục tiêu, gồm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo chương trình của Hội nghị, chiều 29.11, Đoàn Chủ tịch thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Dự thảo (lần 3) Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung; Tờ trình, dự thảo Đề án tổ chức Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Tờ trình đề xuất phê duyệt Đề án thí điểm sắp xếp công đoàn ngành tập trung, xuyên suốt, hiệu quả do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật trình bày.
Cũng trong chiều 29.11, Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn; Tờ trình tổ chức Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải trình bày.
Theo laodong.vn