25/11/2022 10:06:47

Kỷ niệm 61 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2022): Niềm tự hào của “những người đi tìm lửa”

Những thành quả mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được trong giai đoạn gian khó vừa qua đã khôi phục lòng tin của nhân dân cả nước, được lãnh đạo Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời khơi dậy “ngọn lửa” nhiệt huyết của người lao động dầu khí đang ngày đêm miệt mài cống hiến.

Niềm tự hào của "những người đi tìm lửa"

Người lao động dầu khí trên công trình biển

Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam đã ghi lại, trong hành trình thực hiện sứ mệnh theo ý nguyện của Bác Hồ, trải qua hơn 60 năm, đến nay Petrovietnam đã hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại hóa chuỗi công nghiệp dầu khí, đồng bộ từ các khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Sự đầu tư, phát triển đồng bộ của ngành Dầu khí trong suốt những năm qua đã làm thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng của cả nước.

Chỉ tính từ năm 1986 đến hết năm 2020, tổng doanh thu của Petrovietnam đạt gần 400 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 110 tỉ USD, có những thời kỳ số tiền nộp NSNN của Petrovietnam chiếm tới gần 30% GDP của cả nước.

Vượt qua “sóng gió”

Tiền thân là một đoàn khảo sát nhỏ bé, sau 61 năm, Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất trên 40 tỉ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 21,5 tỉ USD, với đội ngũ gần 60.000 CBCNV đang lao động sáng tạo trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí.

Song, thuyền lớn không tránh khỏi sóng to. Cũng có những giai đoạn Petrovietnam không tránh khỏi được những biến cố thăng trầm. Từ nửa cuối năm 2014 đến nay chính là thời kỳ Petrovietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kéo dài, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng) vào cuối năm 2019. Tình hình Biển Đông phức tạp, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Petrovietnam. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về dầu khí, các chính sách hỗ trợ ngành Dầu khí bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, thiếu thống nhất…

Mặc dù vậy, với tinh thần cầu thị, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết và ý chí quyết tâm vượt qua “sóng to gió cả”, CBCNV, người lao động dầu khí đã luôn nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2015-2020, Petrovietnam nộp NSNN 614,3 nghìn tỉ đồng. Tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 3.514,6 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 244,4 nghìn tỉ đồng, lần lượt vượt 6,5% và 6,3% chỉ tiêu của Nghị quyết 41-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của Bộ Chính trị.

Thành quả từ thích ứng linh hoạt

Đầu năm 2020, trước những biến động khó lường của thị trường trong nước và thế giới, Petrovietnam đã ban hành Quyết định số 110 về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm: quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách; chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, thực tế của môi trường tự nhiên…, nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

Niềm tự hào của "những người đi tìm lửa"

Hoạt động dầu khí trên biển ngoài vấn đề kinh tế, còn gắn với an ninh, quốc phòng

Với những phương châm hành động quyết liệt được thực hiện trong từng giai đoạn, Petrovietnam đã vượt qua năm 2020 một cách ngoạn mục với tổng doanh thu trên 566 nghìn tỉ đồng, nộp NSNN 83 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận hợp nhất trên 19,9 nghìn tỉ đồng. Năm 2021, Petrovietnam tiếp tục đạt được những kết quả khả quan: Tổng doanh thu trên 640 nghìn tỉ đồng, nộp NSNN 112,5 nghìn tỉ đồng, đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất đạt con số cao nhất kể từ năm 2015, xấp xỉ 52 nghìn tỉ đồng. Trong khó khăn chung của đất nước, khó khăn của chính doanh nghiệp, Petrovietnam lại càng nỗ lực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch bệnh với tổng kinh phí kỷ lục hơn 1.000 tỉ đồng, thể hiện tinh thần nhân ái, đoàn kết, nhân văn, chia sẻ ngời sáng, đồng hành cùng cả nước vượt qua đại dịch Covid-19. Đây quả thực là một kết quả ngoạn mục trong bối cảnh hết sức khó khăn của thế giới và trong nước.

Từ bài học kinh nghiệm thành công trong quản trị biến động của năm 2020 và năm 2021, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, cùng với các dự báo và nhận định đúng đắn, kịp thời trước các biến động địa chính trị, biến động thị trường và sớm nhận diện được những rủi ro có khả năng tác động tiêu cực đến hoạt động của Petrovietnam, ban lãnh đạo Petrovietnam đã xác định, chỉ đạo thực hiện thành công phương châm hành động “Quản trị biến động – Đón đầu xu hướng – Kết nối nguồn lực – Phát huy công nghệ – Thúc đẩy đầu tư – Phát triển bền vững”. Đến thời điểm kết thúc tháng 10-2022, toàn Petrovietnam đã về đích trước kế hoạch cả năm 2022 các chỉ tiêu tài chính, sản lượng khai thác dầu khí, tổng doanh thu vượt 40% kế hoạch cả năm, nộp NSNN vượt 74% kế hoạch cả năm, chiếm tỷ trọng 7,7% tổng thu ngân sách của cả nước – cao hơn so với tỷ trọng trung bình của giai đoạn 2016-2020 (7,5%).

Đặc biệt, khai thác dầu trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, đạt 7,04 triệu tấn vào ngày 13-10-2022; 10 tháng năm 2022 đạt 7,48 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch năm và tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch tổng sản lượng khai thác dầu trong và ngoài nước cả năm 2022 trước 2 tháng 11 ngày, đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20-10; 10 tháng năm 2022 đạt 9,03 triệu tấn, vượt 3% kế hoạch cả năm, tiệm cận mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. Đây là thành tích nổi bật nhất của Petrovietnam trong nhiều năm qua, bởi hệ số suy giảm sản lượng dầu trong nước giai đoạn 2016-2020 ở mức 11%/năm, năm 2021 là 5,7%. Riêng nộp NSNN từ dầu thô 10 tháng năm 2022 của Petrovietnam đạt trên 65,5 nghìn tỉ đồng, vượt 2,3 lần dự toán năm 2022, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021.

Góp phần tích cực vào kết quả đó là việc Petrovietnam đã thực hiện vượt tiến độ các dự án đầu tư, với 4 mỏ, công trình dầu khí mới được đưa vào khai thác kể từ đầu năm 2022 đến nay, gồm giàn H4 Lô PM3 CAA ngày 30-4-2022, sớm hơn so với kế hoạch 2 tháng; mỏ Đại Nguyệt ngày 8-8-2022, sớm hơn so với kế hoạch 18 ngày; giàn RC-10 mỏ Rồng ngày 28-10-2022, sớm hơn so với kế hoạch 18 ngày và giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm ngày 28-10-2022, sớm hơn so với kế hoạch 1 tháng. Chưa kể công trình giàn RC-RB-1 mỏ Rồng dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 11, đầu tháng 12-2022. Như vậy, cả năm 2022, toàn Petrovietnam đưa 5 mỏ, công trình dầu khí mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch.

Niềm tự hào của "những người đi tìm lửa"

Lắp đặt giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2022, việc đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được đánh giá không chỉ là bước vượt khó thành công của Petrovietnam mà còn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế đất nước. Đó đều là những dự án đặc biệt khó khăn của Petrovietnam trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Trung ương, địa phương, kết hợp với sự đổi mới, linh hoạt và quyết liệt trong quản trị, điều hành, ý chí quyết tâm, sự phối hợp chặt chẽ của Petrovietnam và các đơn vị thực hiện dự án, 2 dự án trọng điểm đã từng bước vượt qua khó khăn, về đích an toàn, đúng tiến độ.

Những kết quả đạt được của Petrovietnam trong giai đoạn gian khó vừa qua đã thực sự khôi phục lòng tin của chính những người lao động dầu khí và sự nhìn nhận của xã hội, cùng sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Kết quả đó cũng đã chứng minh những nỗ lực vượt bậc, tâm huyết, khát vọng thực hiện sứ mệnh của đội ngũ lãnh đạo và gần 60 nghìn người lao động dầu khí.

Sức mạnh truyền thống văn hóa

Nhớ lại ngày 27-11-1961, Đoàn thăm dò dầu lửa đầu tiên của nước ta (Đoàn 36) chính thức ra đời theo Quyết định số 271-ĐC của Tổng cục Địa chất, cũng là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, đến nay đã trải qua 61 năm lịch sử. Tiền thân là một đoàn khảo sát nhỏ bé, sau 61 năm, Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất trên 40 tỉ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 21,5 tỉ USD, với đội ngũ gần 60.000 CBCNV đang lao động sáng tạo trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Niềm tự hào của "những người đi tìm lửa"

Xuất bán sản phẩm Phân bón Dầu khí Cà Mau

Nhìn lại quá trình phát triển, nhìn lại những thăng trầm của Petrovietnam để thấy được những bước phát triển mạnh mẽ của ngành Dầu khí chính là nhờ kết tinh sức mạnh, phát huy truyền thống văn hóa của các thế hệ “những người đi tìm lửa” đã được rèn giũa, đúc kết trong suốt 61năm qua.

Lãnh đạo Petrovietnam luôn tâm niệm, trong giai đoạn mới, cách tri ân tốt nhất với lớp người đi trước chính là phải kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dầu khí, hành động với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả”, không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, để “ngọn lửa” nhiệt huyết luôn rực cháy trong trái tim mỗi người lao động dầu khí, cống hiến hết mình, làm tròn trách nhiệm tìm dầu khí, phát triển chuỗi giá trị năng lượng làm giàu cho Tổ quốc.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022, song với những thành quả đã đạt được, lãnh đạo Petrovietnam quán triệt Petrovietnam sẽ không “ngủ quên trên chiến thắng”, mà ở từng ban chuyên môn, từng đơn vị, từng dự án phải luôn giữ vững tinh thần, tiếp tục làm tốt quản trị biến động, quản trị rủi ro, duy trì hoạt động của các mỏ, công trình, nhà máy tuyệt đối an toàn, ổn định. Đối với lĩnh vực E&P, Petrovietnam tiếp tục tập trung các giải pháp kỹ thuật, tăng cường quản trị, bảo đảm an toàn sản xuất, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình khác theo đúng kế hoạch, góp phần duy trì sản lượng khai thác dầu khí trong những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, ban lãnh đạo Petrovietnam đã sớm đề ra định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) trong chiến lược phát triển dài hạn. Petrovietnam đã và đang từng bước chuẩn bị nguồn lực, xác định mô hình đầu tư, sẵn sàng tạo đà cho việc mở rộng sang lĩnh vực NLTT một cách phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của Petrovietnam và các đơn vị thành viên, kết hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí.

Với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, ngân sách quốc gia, góp phần bảo đảm nguồn cung năng lượng phục vụ cho đất nước, tích cực tham gia ổn định thị trường điện, khí, xăng dầu, phân bón… ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất, tin rằng với bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, người lao động dầu khí sẽ tiếp tục vững vàng trong giai đoạn mới, thực hiện sứ mệnh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

Giai đoạn 2015-2020, Petrovietnam nộp NSNN 614,3 nghìn tỉ đồng. Tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 3.514,6 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 244,4 nghìn tỉ đồng, lần lượt vượt 6,5% và 6,3% chỉ tiêu của Nghị quyết 41-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của Bộ Chính trị.

Trúc Lâm