Chiều ngày 22.11, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn), Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) và Tổ chức Tài Chính Quốc Tế (IFC) đã ký kết Bản ghi nhớ Chương trình Better Work Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Phan Văn Anh tại lễ ký kết.
Tham dự lễ ký kết có Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch, Liên đoàn Thương nại Công nghiệp Việt Nam; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ Chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam; Ông Thomas J. Jacobs, Giám đốc Quốc gia cao cấp phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, Tổ chức Tài Chính Quốc Tế.
Ký kết bản ghi nhớ Chương trình Better Work Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Theo biên bản ghi nhớ mới ký, ngoài địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong giai đoạn 2023-2027, Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động tiềm năng của việc mở rộng cũng như cách thức tác động. Kể từ khi bắt đầu tại Việt Nam năm 2009, hơn 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động đã hưởng lợi từ Chương trình. Ngoài ra, hơn 60 khách hàng quốc tế cũng đã đăng ký tham gia chương trình này. Các báo cáo đánh giá của Better Work Việt Nam qua nhiều năm cho thấy nhiều doanh nghiệp đã cải thiện mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và pháp luật lao động quốc gia về tiền lương, hợp đồng lao động, an toàn và sức khỏe lao động và thời giờ làm việc… Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc mà đồng thời còn nâng cao năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhận định: “Sau 13 năm hoạt động tại Việt Nam, các hoạt động của Chương trình Better Work được các đối tác ba bên đánh giá là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực cho quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật lao động tại Việt Nam. Việc phối hợp giữa ba bên trong nước đã góp phần đẩy mạnh và phát huy được hiệu quả của Chương trình, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động để cùng xây dựng một môi trường lao động hài hòa, ổn định, giúp Việt Nam thành nơi cung ứng có trách nhiệm và đáp ứng các quy tắc đạo đức hàng đầu trong ngành dệt may và da giầy.”
Quang cảnh buổi lễ ký kết.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Phan Văn Anh đánh giá cao những kết quả Chương trình Việc làm tốt hơn tại Việt Nam đã đạt được sau 13 năm, với mục tiêu cải thiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn lao động dựa trên luật lao động quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, Chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc và cải thiện tính cạnh tranh ở các doanh nghiệp may và da giày tham gia Chương trình. Các hoạt động của Chương trình là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực việc thúc đẩy việc thực hiện pháp luật lao động tại Việt Nam.
“Tổng Liên đoàn với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục phối hợp tích cực, chặt chẽ với Bộ LĐTBXH, VCCI, tư vấn, hỗ trợ cho Chương trình, bảo đảm cho Chương trình thực hiện đúng mục tiêu và phù hợp với pháp luật Việt Nam, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và thúc đẩy tính tuân thủ pháp luật, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp tham gia Chương trình.” – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Theo congdoan.vn