Trong bất cứ bối cảnh nào, TS. Dương Chí Trung – Trưởng bộ môn Lọc Hóa Dầu (Trường Đại học Dầu khí Việt Nam – PVU) luôn lạc quan nhìn về phía trước, say mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học và theo đuổi đam mê sáng tạo.
Xuất phát từ tâm huyết của chính bản thân cũng như nhu cầu thực tế hiện nay và nhu cầu thực hành, thực nghiệm của học sinh, sinh viên các ngành công nghệ kỹ thuật nói chung và ngành kỹ thuật Hóa học nói riêng, thầy giáo Dương Chí Trung – Giảng viên, Trưởng Bộ Môn Lọc Hóa Dầu Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã cùng đồng nghiệp là thầy Lê Quốc Đạt, hiện là giảng viên Trường Đại học Bà Rịa -Vũng Tàu hợp tác nghiên cứu và chế tạo thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá.
Say mê nghiên cứu khoa học
Dù là một trong những “cây sáng kiến” tại trường nhưng ít ai biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình học tập và phấn đấu không ngừng của bản thân thầy. Thầy Dương Chí Trung sau khi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Hóa dầu tại Trường Đại học Dầu khí Gubkin, Liên Bang Nga, năm 2013 thầy về công tác tại Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) và hiện nay thầy là Trưởng Bộ môn Lọc – Hóa Dầu của trường.
Thầy Dương Chí Trung say sưa hướng dẫn sinh viên chuyên ngành Lọc Hóa Dầu thực hiện thí nghiệm nghiên cứu |
Ở nhiều môi trường học tập khác nhau và khi về công tác tại PVU, đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thầy Trung lại có nhiều cơ hội được đi thực tế tại các đơn vị trong ngành Dầu khí, càng có thêm cơ hội tiếp cận với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ nghiên cứu, cũng như phát huy hết khả năng sáng tạo của mình. Qua đó, bên cạnh những bài giảng gắn với thực tế sản xuất, thầy Trung lại càng muốn truyền lửa cho sinh viên những đam mê nghiên cứu khoa học.
Thầy Dương Chí Trung chia sẻ về ý tưởng của mình: Được sống và làm việc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có nhiều tàu đánh cá, phần lớn trong số đó là tàu đánh bắt xa bờ. Chính vì vậy đòi hỏi ngư dân phải dự trữ một lượng dầu diesel lớn, trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, do môi trường hoạt động trên biển và nếu chất lượng các khoang chứa dầu diesel trên tàu không đạt tiêu chuẩn dầu dễ bị lẫn nước biển, muối biển và các cặn cơ học, tạp chất khác… làm giảm công suất máy, gây tốn nhiên liệu, chi phí chuyến đi biển tăng cao.
Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc bắt tay vào làm là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách, song với niềm đam mê sáng tạo cũng như mong muốn giúp cho ngư dân giảm bớt được phần nào chi phí trong quá trình đánh bắt cá xa bờ, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với mô hình thực tế, thầy Trung cùng các đồng nghiệp là thầy Lê Quốc Đạt, hiện là giảng viên Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu đã cùng hợp tác nghiên cứu và chế tạo thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá.
Thỏa sức đam mê cùng đồng nghiệp
Thầy Dương Chí Trung cho biết: “Quê của tôi và Đạt cũng gần biển. Các chuyến công tác của chúng tôi cũng thường gần biển, những vấn đề liên quan với biển, với ngư dân hay được hai chúng tôi chia sẻ trong mỗi lần gặp mặt. Chúng tôi cùng có suy nghĩ, làm sao thiết kế và chế tạo được một thiết bị xử lý dầu diesel, giảm chi phí nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ. Vấn đề xử lý về dầu diesel, nhiên liệu của tàu, thuộc chuyên môn của tôi, máy hoạt động như thế nào đã có chuyên môn Công nghệ Cơ Điện tử của Đạt”.
“Cùng suy nghĩ, cùng ước mơ, cả hai cùng bắt tay vào công việc với mong muốn có cái gì đó giúp ngư dân địa phương nơi mình sinh sống và công tác cũng như ngư dân trên quê hương Việt Nam phần nào giảm được gánh lo khi ra khơi. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian vừa qua, giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân đánh bắt xa bờ gặp khó khăn, nhiều tàu cá nằm bờ vì chi phí tăng cao càng thúc đẩy chúng tôi làm việc, sao cho có sản phẩm càng sớm càng tốt để phục vụ người dân”, thầy Trung bày tỏ.
Hệ thống hóa lý thuyết, tiến hành thí nghiệm, tổng hợp số liệu trong phòng thí nghiệm, với chuyên môn về lọc hóa dầu, TS. Dương Chí Trung đã nghiên cứu thử nghiệm màng lọc tách các tạp chất như lắng cặn, bụi bẩn, nước muối trước khi đi qua động cơ nên dầu rất sạch giúp máy móc hoạt động êm ái, trơn tru.
Thầy Lê Quốc Đạt chia sẻ: “Để thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá hoạt động tốt, đem lại lợi ích kinh tế cho ngư dân, bảo vệ môi trường, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ màng/hấp phụ để loại bỏ các tạp chất không mong muốn có trong dầu diesel, đảm bảo dầu sau khi lọc đạt các chỉ tiêu quốc tế đối với dầu sử dụng trong máy tàu. Dầu chất lượng tốt sẽ được đốt cháy hoàn toàn, người lái tàu sẽ giảm ga lại thì lượng tiêu thụ ít đi, tàu chạy bốc hơn và chạy đúng tốc độ hơn. Từ đó, lượng nhiên liệu giảm hẳn, tiết kiệm được khoảng từ 10 đến 15%”.
Sáng tạo mang lại giá trị kinh tế cao
Sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, chế tạo, cuối cùng hai giảng viên đã cho ra sản phẩm mẫu, chạy demo sản phẩm “Thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá” tại phòng thí nghiệm, rồi đưa ra thị trường chạy thực nghiệm và cho kết quả vô cùng ấn tượng, được ngư dân đánh giá cao.
Nhân viên kĩ thuật lắp đặt thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu |
Ông Nguyễn Đình Ngọc ở phường 2, thành phố Vũng Tàu chia sẻ: “Nếu như năm 2021, mỗi tháng tôi tốn 9.000 -10.000 lít dầu diesel, nhưng khi được lắp đặt thiết bị xử lý dầu diesel cho động cơ tàu biển, mỗi tháng tôi chỉ phải tốn từ 7.000-8.000 lít dầu diesel. Lúc đầu tôi cũng chỉ định lắp thử xem máy móc có hoạt động bền hơn hay không. Thực tế chứng minh máy không chỉ bền mà còn tiết kiệm dầu nên tôi tin tưởng sử dụng. Trong thời buổi “bão giá” như hiện nay, giảm chi phí phần nào tốt phần đó”.
Ông Võ Ngọc Dũng cho biết, mỗi chuyến đi biển của anh Dũng thường kéo dài 4 tháng, trước đây mỗi tháng anh phải tiêu tốn khoảng 9.000 lít dầu diesel, từ khi lắp thiết bị lọc dầu mỗi tháng anh tiết kiệm được hơn 1.000 lít dầu, như vậy mỗi chuyến biển của anh giờ tiết kiệm được 4.000 – 5.000 lít dầu, so với những lúc giá dầu tăng cao mỗi ca biển của anh tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng.
Thầy Dương Chí Trung giới thiệu Thiết bị Xử lý dầu diesel cho động cơ tàu đánh bắt cá tại khu vực trưng bày của Trường Đại học Dầu khí trong Ngày khai mạc Triển lãm Dầu khí năm 2022 |
Thiết bị lọc dầu đi vào sử dụng đã giúp mỗi tàu cá tiết kiệm được hơn 10-15% dầu so với trước đây, sản phẩm thiết bị lọc dầu diesel trên tàu do thầy Dương Chí Trung và thầy Lê Quốc Đạt chế tạo đã được Công ty TNHH Hiệp Lực và Phát Triển Việt thương mại hóa với tên thương mại bộ Xử lý dầu diesel cho động cơ tàu đánh bắt cá, với giá lúc đầu chỉ có giá 13,5 triệu đồng trong quá trình chạy thử nghiệm và hoàn thành đồng bộ hoàn chỉnh thì giá hiện nay cũng chỉ 19,5 triệu, nhưng giúp ngư dân tiết kiệm rất nhiều lượng dầu. Như vậy, chỉ cần một chuyến biển chi phí tiết kiệm được đã gấp vài lần giá thành của sản phẩm này. Nên dù mới đưa ra thị trường khoảng hơn 5 tháng nay nhưng đã có hơn 300 tàu cá ở các tỉnh thành phố như Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang, Khánh Hòa, Bình Định, Phan Thiết, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang…lắp đặt sử dụng
Lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học đến với sinh viên
Công tác tại Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, thầy Dương Chí Trung đã có 07 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài cấp Viện, 03 đề tài cấp Ngành, 03 đề tài cấp Trường và nhiều báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Bên cạnh đó thầy cũng hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên Đại học và Cao học bảo vệ xuất sắc các đề tài tốt nghiệp cũng như tham gia vào nghiên cứu khoa học sinh viên và đã có nhóm sinh viên bước vào vòng chung kết của giải thưởng khoa học Euréka với đề tài: Nghiên cứu chế tạo màng thu hồi hơi xăng dầu bằng phương pháp phủ trên vật liệu nền polytetrafluoroethylene và cellulose acetate.
Sinh viên PVU chuyên ngành Lọc Hóa Dầu chụp hình với thầy Dương Chí Trung – người thầy đã dìu dắt các em trong suốt 4 năm Đại học |
Nghiên cứu khoa học cũng là thế mạnh của Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và thầy Dương Chí Trung đã tham gia đóng góp nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và nổi bật là nghiên cứu áp dụng thực tế cho bà con ngư dân trong cả nước yên tâm ra khơi bám biển như “xử lý dầu diesel cho động cơ tàu cá” và những nghiên cứu tiếp theo đang được Thầy ấp ủ thực hiện sẽ là động lực lan toả đến các thế hệ sinh viên của PVU “niềm đam mê nghiên cứu khoa học” cũng như hoạt động truyền lửa đẩy mạnh sáng tạo khoa học trong sinh viên thời gian tới tại PVU.
An Nhiên