Sáng 8/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội nghị thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương của người lao động.
Toàn cảnh hội nghị
Ông Lê Đình Quảng – Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng liên đoàn và ông Nguyễn Ngọc Triệu – Trưởng phòng Chương trình, ILO Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tham dự hội nghị có ông Xavier Estupinan, chuyên gia tiền lương của Tổ chức Lao động Quốc tế, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia của Tổng Liên đoàn, cán bộ công đoàn các cấp có nhiều kinh nghiệm làm công tác chính sách pháp luật…
Theo ông Xavier Estupinan, chuyên gia tiền lương của Tổ chức Lao động Quốc tế, trước hết phải nhận thức, tiền lương là yếu tố quan trọng trong điều kiện lao động, và sự tiến bộ và phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên sự phát triển, tiến bộ này phải chuyển thành mức lương thỏa đáng, tại hội thảo này chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá về mức lương ở Việt Nam, về tầm quan trọng của tiền lương đủ sống…
“Việt Nam là quốc gia có thiết chế tốt về tiền lương, năm 2023 sẽ kỷ niệm 10 năm Hội đồng tiền lương quốc gia ra đời, chúng ta sẽ cùng nhau đánh giá sự tiến bộ, phát triển thế nào về tiền lương cho NLĐ.” – ông Xavier Estupinan chia sẻ.
Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lê Đình Quảng phát biểu tại hội nghị.
Nêu quan điểm về tiền lương khu vực doanh nghiệp, theo Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lê Đình Quảng, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương cần dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
“Lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc trong giờ làm việc tiêu chuẩn (8h/ngày, 48h/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình họ – bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.” – Ông Lê Đình Quảng cho biết.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP. HCM
“Các nhà làm chính sách cần phối hợp để có khảo sát về chi phí thực tế, từ năm 2020 đến nay giá cả hiện lên rất cao, cần khảo sát xem một tháng NLĐ sử dụng thành phần gì, cần xác định thành phần chủ yếu, vì liên quan đến sức khỏe NLĐ. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp NLĐ bị ngất, sức khỏe yếu do dinh dưỡng không đảm bảo…” – Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TP. HCM nêu quan điểm.
P.V