15/10/2022 6:18:44

Petrovietnam và Viện Công nghệ Massachusetts chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị hydro, chuyển dịch năng lượng

Ngày 14/10, tại trụ sở Tập đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với ông Changjie Gou, Giám đốc Chương trình Industrial Liaison Program (ILP) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) về dịch chuyển năng lượng và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng; Viện Trưởng Viện Dầu khí Việt Nam Nguyễn Anh Đức, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.

Petrovietnam và Viện Công nghệ Massachusetts chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị hydro, chuyển dịch năng lượng
Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Changjie Gou, Giám đốc Chương trình ILP đã giới thiệu với lãnh đạo Tập đoàn về các hoạt động của MIT. Trung bình hàng năm MIT có khoảng 300 bằng sáng chế, 25 doanh nghiệp khởi nghiệp. Tổng doanh thu các doanh nghiệp có nguồn gốc từ MIT lên tới 2.000 tỷ USD/năm.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Giám đốc Chương trình ILP về dịch chuyển năng lượng
Ông Changjie Gou, Giám đốc Chương trình Industrial Liaison Program (ILP)

Ông Changjie Gou cũng giới thiệu về chương trình ILP kết nối doanh nghiệp toàn cầu để các doanh nghiệp có thể luôn cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới và đặt hàng các vấn đề cần giải quyết bằng công nghệ.

Petrovietnam và Viện Công nghệ Massachusetts chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị hydro, chuyển dịch năng lượng
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và ông Changjie Gou đã trao đổi các nhận định về xu hướng chuyển dịch năng lượng, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm về chuỗi giá trị hydro. Lộ trình kịch bản NZE đến năm 2030 dựa vào các trụ cột chính: Tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và điện khí hóa. Sau năm 2030, năng lượng thế giới sẽ dựa vào năng lượng sinh học, hydro và nhiên liệu gốc hydro.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; mục tiêu đến 2030 giảm phát thải ngành năng lượng là 5,5% và 16,7% (hỗ trợ quốc tế); đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, cam kết của Việt Nam về giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh, sạch, phát triển bền vững ngày càng tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khí và than) sẽ giảm sau năm 2030.

Tập đoàn đã xây dựng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xu thế chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Trong bối cảnh như vậy, Tập đoàn phải tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, trong đó, phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những trọng tâm phát triển chính của Petrovietnam nhằm tận dụng đường bờ biển dài và cơ sở vật chất sẵn có của Petrovietnam và các công ty thành viên.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao các vấn đề phía MIT đưa ra có khả năng giải quyết các thách thức hiện tại của Petrovietnam và dự đoán các nhu cầu trong tương lai theo xu hướng chuyển dịch năng lượng và các chương trình về năng lượng xanh.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Giám đốc Chương trình ILP về dịch chuyển năng lượng
Tổng Giám đốcPetrovietnam Lê Mạnh Hùng trao quà lưu niệm đến ông Changjie Gou, Giám đốc Chương trình Industrial Liaison Program (ILP)

Trong thời gian tới, lãnh đạo hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dụng đào tạo trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời xem xét việc Petrovietnam tham gia chương trình ILP của MIT để cập nhật, dự báo xu hướng công nghệ nhằm hỗ trợ sự phát triển của Tập đoàn trong tình hình mới.

Minh Châu