Chiều 27/12/2013 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Lễ ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp) xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú I (Sóc Trăng) với tổ hợp nhà thầu liên danh Power Machines – BTG s.r.o – PTSC.
Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam, ngài Igor Pacolak; tham tán Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; lãnh đạo Bộ Công Thương, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương…
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cùng lãnh đạo Đảng ủy, HĐTV, Ban tổng giám đốc và lãnh đạo của Tổ hợp nhà thầu liên danh Power Machines – BTG s.r.o – PTSC.
Theo phân công, nhà thầu Power Machines đứng đầu liên danh sẽ cung cấp thiết bị chính, chịu trách nhiệm chạy thử nghiệm thu Nhà máy và thu xếp vốn. Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cùng các nhà thầu phụ thực hiện công việc xây dựng và lắp đặt, gia công kết cấu/thiết bị trong nước sản xuất theo chủ trương nội địa hóa của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ ký kết
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của dự án đối với an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt với các tỉnh, thành phố phía Nam. “Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú I do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 1200 MW, gồm 2 tổ máy nằm trong Trung tâm điện lực Long Phú (Long Đức, Long Phú, Sóc Trăng). Đây là Trung tâm nhiệt điện than hết sức quan trọng của khu vực miền Nam, khi xây dựng xong sẽ đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành phía Nam”, Phó thủ tướng phát biểu.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ Công Thương nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng, đặc biệt là Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) trong nỗ lực đưa khâu quan trọng nhất của dự án (thu xếp vốn và lựa chọn tổng thầu) về đích sớm ngay trước thềm năm mới 2014. “Cách đây 2 tháng, Thủ tướng từng lo lắng dự án sẽ khó về đích đúng tiến độ. Tuy nhiên, sau lễ ký hôm nay, tôi tin rằng nỗ lực rất đáng khen ngợi của PVN và liên danh tổng thầu sẽ đưa dự án tăng tốc và đáp ứng yêu cầu của Quy hoạch điện VII.”
Với kinh nghiệm xây dựng và vận hành hàng loạt nhà máy nhiệt điện lớn và quan trọng như Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2, sắp tới là Vũng Áng 1, PVN hoàn toàn tự tin cùng tổ hợp nhà thầu triển khai dự án quan trọng này. Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nêu rõ, tổng mức đầu tư của dự án Nhiệt điện Long Phú I là 29.580,934 tỉ đồng, trong đó 70% là vốn vay tín dụng do BTG Holdings thu xếp, 30% còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư. Khi hoàn thành, hàng năm Nhà máy cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,8 tỉ kWh.
Đại diện chủ đầu tư ký hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu
Nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2017 – 2018, căn cứ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Tổng sơ đồ VII.
Nhà máy Nhiệt điện Long Phú I sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số trên tới hạn đốt than nhập khẩu, là loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Trung tâm nhiệt điện Long Phú gồm 3 nhà máy nhiệt điện với tổng quy mô công suất lên đến 4.400 MW.
Quá trình phát hành hồ sơ, công tác đánh giá thầu và thương thảo hợp đồng đã được các đơn vị của PVN và tư vấn tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Nhà thầu được lựa chọn là tổ hợp nhà thầu có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than. Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, nhà máy sẽ dự kiến khởi công vào Quý I/2014, tổ máy đầu tiên của nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến trong năm 2017), tổ máy thứ 2 hoàn thành sau tổ máy thứ nhất khoảng 1 năm (dự kiến trong năm 2018).
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nam Bộ, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện…
Lê Tùng