Tại cuộc họp chuẩn bị ứng phó bão số 4 (tên quốc tế Noru) ngày 27/9, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đặc biệt yêu cầu Tập đoàn và các đơn vị trong mọi tình huống phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, tài sản, công trình dầu khí trong và sau bão.
Cùng dự cuộc họp có Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên, Trưởng Ban Chỉ đạo Tình huống khẩn cấp Tập đoàn; Phó Tổng Giám đốc Phạm Tiến Dũng; lãnh đạo Ban Công nghệ An toàn Môi trường Tập đoàn; Văn phòng trực Tình huống khẩn cấp Tập đoàn; cùng lãnh đạo các đơn vị có địa bàn, hoạt động nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 4.
Toàn cảnh cuộc họp |
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia hồi 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền, từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13
Cảnh báo mưa lớn, từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tại ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là cấp 4.
Các điểm cầu tham dự cuộc họp |
Xác định đây là cơn bão lớn, diễn biến nhanh và nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung, nơi có các công trình lớn của Tập đoàn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Đăkđrinh… cùng nhiều đơn vị có địa bàn, hoạt động nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như BSR, DQS, PVOIL, PTSC…, ngày 26/9/2022 PVN có Chỉ thị số 5475/CT-DKVN yêu cầu các đơn vị tập trung ứng phó bão số 4. Theo đó, yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị vật tư theo nguyên tắc “4 tại chỗ” để khắc phục kịp thời các sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã báo cáo nhanh về tình hình triển khai công tác phòng chống bão. Đến 7 giờ sáng ngày 27/9, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, các công trình, kho bãi đã được gia cố, vật tư thiết bị đã chằng buộc chặt chẽ, các tàu thuyền trong vùng ảnh hưởng của bão đã được sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên hướng di chuyển, vùng ảnh hưởng. Tập đoàn và các đơn vị đã duy trì ứng trực ứng cứu khẩn cấp 24/24h.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo |
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống bão, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý cơn bão số 4 là siêu bão lớn nhất trong và nhiều năm trở lại đây với tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng rộng nên yêu cầu Tập đoàn và các đơn vị không được chủ quan, thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai cho tới khi bão tan và mưa tạnh.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh trong mọi tình huống phải sẵn sàng phương án ứng phó, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho con người, tài sản, công trình dầu khí trong và sau bão; đồng thời đề nghị trực tiếp Tổng Giám đốc các đơn vị cùng thường trực Ban Chỉ đạo tình huống khẩn cấp, bộ phận an toàn tại các đơn vị, nhà máy, công trình phải thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng chống bão của Trung ương, địa phương để có phương án ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; Tiếp tục rà soát, có phương án xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại do mưa bão, đảm bảo vận hành hoạt động của các nhà máy, công trình được ổn định, an toàn; Các đơn vị trên cùng địa bàn cần phải tích cực trao đổi thông tin, sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu các đơn vị khác khi cần thiết. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng kịch bản quản trị để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như Tập đoàn không bị gián đoạn, ảnh hưởng do bão.
H.A