Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đang triển khai công tác tổ chức Đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Việc tiếp cận những kinh nghiệm của quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, ngày 19/8/2022 tại Hà Nội. Ảnh: TLĐ. |
Đoàn kết, thống nhất hành động vì quyền lợi của người lao động (NLĐ)
Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 19/8 vừa qua, ông Patuan Samosir, Trưởng Ban Tổ chức và Dự án của Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ITUC-AP) đã nêu ý kiến về việc công đoàn các tổ chức thành viên trong khu vực cần tạo sự đoàn kết, thống nhất hành động để nâng cao vai trò, vị trí và vì quyền lợi của NLĐ.
Theo ông Patuan Samosir, phong trào công đoàn thế giới đang đối mặt với những thách thức toàn cầu. Đại dịch Covid-19, có 89 triệu NLĐ trong khu vực bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Hoạt động công đoàn trong khu vực ngày càng khó khăn; số lượng đoàn viên liên tục giảm, đa số các quốc gia ghi nhận tỉ lệ đoàn viên thấp ở mức khoảng 10% hoặc thấp hơn làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc công đoàn đại diện, thương lượng, bảo vệ NLĐ. Việc phát triển, tập hợp đoàn viên những nơi chưa có tổ chức công đoàn cũng chưa được quan tâm.
“Công đoàn khu vực cần tiếp tục phát triển đoàn viên, phát huy tinh thần đoàn kết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và nâng cao vai trò, vị trí công đoàn, qua đó cùng xây dựng một khế ước xã hội mới”, ông Patuan Samosir nhấn mạnh.
Khế ước xã hội mới mà đại diện ITUC-AP trao đổi đã chú trọng đến các vấn đề cốt lõi là việc làm, quyền lợi, lương, bình đẳng bao trùm cho NLĐ. Đây là những điều bổ sung cho Công đoàn Việt Nam khi xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới.
Củng cố, gia tăng sức mạnh nội tại của tổ chức Công đoàn
Chia sẻ kinh nghiệm này, ông Jonathan Tan, Công đoàn Singapore (NTUC) cho biết, NTUC là trung tâm công đoàn quốc gia duy nhất đại diện cho hơn 900.000 đoàn viên trong các ngành nghề, gồm 58 công đoàn thành viên.
NTUC kiến lập niềm tin, tạo sự tín nhiệm và lòng tin cậy để thu hút đoàn viên, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên và tương lai của họ; kiến tạo sự tương đồng trong mục đích giữa công đoàn với chính phủ, doanh nghiệp, tạo sự hấp dẫn đầu tư và tương hỗ trong quyền lợi giữa NLĐ với NSDLĐ; tổ chức vận động, thuyết phục đoàn viên, NLĐ nhằm tạo ra bầu không khí làm việc tích cực để vun đắp mối liên kết ổn định trong doanh nghiệp và triệt để tuân thủ các quy định tại nơi công cộng.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TLĐ. |
Hoạt động công đoàn có nhiều hình thức mới lạ, cuốn hút. NTUC mang lợi ích đến cho đoàn viên trong mọi lĩnh vực, không chỉ bảo vệ quyền lợi của họ tại nơi làm việc, phát triển kỹ năng, kiến thức để phát triển nghề nghiệp, bố trí công việc tốt mà còn cung cấp hệ thống dịch vụ đặc quyền cho đoàn viên. Điển hình như xây dựng hệ thống siêu thị bán hàng giá rẻ, xây dựng quỹ bảo hiểm cho NLĐ, vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ hỗ trợ cho công nhân khó khăn… Cùng với đó là tích cực thúc đẩy việc phát triển đoàn viên trong lĩnh vực mới, tiêu biểu là các nghiệp đoàn, các đối tác – nhà thầu độc lập (trên nền tảng công nghệ)…
Ở Nhật Bản, Tổng Công đoàn Nhật Bản (JTUC-RENGO) là trung tâm công đoàn quốc gia lớn nhất, chiếm đa số đoàn viên. JTUC-RENGO đại diện tham gia trong các cơ chế đối thoại quốc gia, tham gia Hội đồng Quản trị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tham gia các diễn đàn lớn như Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC).
Quy định về tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp cho thấy sức mạnh của công đoàn thể hiện ở số lượng đoàn viên. Đoàn viên càng nhiều thì khả năng đại diện càng cao, vai trò đại diện càng cao thì công đoàn càng có thêm động lực phát triển đoàn viên và thu hút được càng nhiều NLĐ.
Sức mạnh của tổ chức Công đoàn thể hiện ở số lượng đoàn viên. Việc củng cố nội bộ tổ chức là rất quan trọng. Một khi công đoàn có sức mạnh nội tại, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng và phù hợp với nguyện vọng của NLĐ thì không có bất cứ khó khăn, thử thách nào đáng lo ngại. Vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi nhận thức của NLĐ về tổ chức Công đoàn và quan điểm về phúc lợi mang tính phổ quát cho đoàn viên.
Hội thảo trực tuyến kết nối các điểm cầu của các chuyên gia và lãnh đạo Trung tâm Công đoàn ở một số quốc gia trên thế giới. Ảnh: TLĐ. |
Pháp luật là nhân tố quyết định cho sự phát triển của công đoàn
Singapore có khung khổ pháp lý khá chặt chẽ với nhiều luật điều chỉnh về lao động và công đoàn. Cơ quan Đăng ký hoạt động công đoàn đảm bảo việc quản lý các tổ chức Công đoàn ở Singapore thông qua Luật Công đoàn, các điều luật liên quan và các nỗ lực cam kết khác.
Luật Công đoàn quy định công đoàn có thể do NLĐ hoặc NSDLĐ thành lập. Cơ quan Đăng ký có quyền từ chối việc đăng ký của một tổ chức công đoàn với những trường hợp cụ thể được nêu trong khoản 14 của Luật Công đoàn khi có nguy cơ bị lợi dụng vì những mục đích bất hợp pháp hoặc mục đích không thống nhất với mục tiêu và quy định của tổ chức; khi công đoàn là một hiệp hội hoặc tập hợp của những NLĐ trong một ngành, nghề cụ thể, mà lại có khả năng bị lợi dụng, đi ngược lại những lợi ích của NLĐ trong ngành, nghề cụ thể đó; khi công đoàn là một hiệp hội hoặc tập hợp của những NLĐ trong một ngành, nghề cụ thể mà trước đó đã có một tổ chức Công đoàn được đăng ký trong ngành, nghề đó.
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO) cho biết, Luật pháp nước này hỗ trợ hoạt động công đoàn và bảo vệ cán bộ CĐCS. Luật về cơ chế đồng quyết định tại nơi làm việc (MBL) bảo đảm sự tham gia của CĐCS đối với các quyết định của NSDLĐ tại nơi làm việc; bắt buộc NSDLĐ phải thông tin và đàm phán với CĐCS trước khi đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, Luật về cán bộ CĐCS (LFF) bảo vệ cán bộ CĐCS được bầu khỏi sự khiển trách và đe dọa của NSDLĐ.
Vấn đề gợi mở cho Công đoàn Việt Nam
Từ kết quả Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đúc kết 3 vấn đề. Một là, pháp luật là nhân tố quyết định dẫn đến sự phát triển bền vững của công đoàn. Tổ chức Công đoàn ở bất kỳ quốc gia nào cũng chịu sự chi phối của pháp luật. Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn là tham gia với Chính phủ để xác lập những quyền lợi căn cơ cho NLĐ. Đó là công đoàn đang bảo vệ NLĐ toàn diện và từ xa.
Tổ chức Công đoàn cần tiếp tục phát triển đoàn viên, phát huy tinh thần đoàn kết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Trong ảnh: Công bố Quyết định kết nạp đoàn viên và thành lập CĐCS Công ty CP Cấu kiện bê tông Quốc Vương (Lâm Đồng). Ảnh: LĐLĐ Lâm Đồng. |
Hai là, sự bất bình đẳng trong xã hội vẫn gia tăng, việc làm của NLĐ đang thay đổi. Công đoàn phải nắm cụ thể, thích ứng kịp thời với sự thay đổi đó. Kết quả phát triển đoàn viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam đang có điểm sáng hơn nhiều quốc gia trong khu vực nhưng trách nhiệm còn rất nặng nề ở phía trước, hoạt động công đoàn cần chủ động hơn, thiết thực hơn đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ba là, đoàn viên là nhân tố quyết định sự phát triển của công đoàn; lực lượng đoàn viên mạnh thì công đoàn vững. Hiểu đúng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ thì công đoàn không chỉ là điểm tựa mà còn là người đồng hành với họ. Muốn vậy, công đoàn cần thường xuyên sinh hoạt đoàn viên bằng hình thức phù hợp; phải cung cấp dịch vụ, cơ chế, giải pháp hiệu quả cho đoàn viên.
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, đoàn viên đóng vai trò quyết định lựa chọn tổ chức nào sẽ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Công đoàn Việt Nam cần chủ động tiếp cận, thường xuyên đối thoại để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Hoạt động công đoàn không xuất phát từ những điều tưởng như đơn giản này thì rất khó giữ chân đoàn viên và thu hút NLĐ. Nếu chúng ta đánh giá nguyện vọng của đoàn viên phù hợp với mục tiêu hoạt động của công đoàn thì chúng ta sẽ thành công.
“Đánh giá kết quả hoạt động công đoàn phải do đoàn viên, lấy sự hài lòng của đoàn viên làm tiêu chí, có như vậy công đoàn mới thực sự “của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo congdoan.vn