Chiều 20.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hoá lao động dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tham dự có lãnh đạo liên đoàn lao động các tỉnh, các nhà văn hoá lao động tỉnh.
Hiện nay, hệ thống công đoàn có 51 thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 30 cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh; 4 trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp; 17 nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức, sắp xếp lại nhà văn hóa lao động; kiểm tra, đánh giá tình hình cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, hoạt động, tài chính của nhà văn hóa lao động; chỉ đạo, hướng dẫn các nhà văn hóa lao động xây dựng phương án tự chủ tài chính.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, các nhà văn hóa lao động cơ bản đã thực hiện được hoạt động: Phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, nhất là các hoạt động nhân dịp Tháng Công nhân, Tết sum vầy, kỷ niệm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn, Đại hội Công đoàn các cấp; tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của công nhân, viên chức, lao động; các câu lạc bộ sở thích, các lớp năng khiếu, kiến thức kỹ năng.
Tuy nhiên, số lượng các nhà văn hóa lao động thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các hoạt động, số lượng công nhân, viên chức, lao động tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa lao động còn thấp; đa số các nhà văn hóa lao động chưa tổ chức được hoạt động quy mô cấp tỉnh và hầu hết các nhà văn hóa lao động chưa thực hiện được nhiệm vụ bồi dưỡng hạt nhân, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cơ sở…
Tại hội nghị, bà Vũ Thị Giáng Hương – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – báo cáo tóm tắt hoạt động và phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022 – 2026 của các nhà văn hoá lao động; khái quát nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà văn hoá lao động.
Các đại biểu còn được hướng dẫn các nội dung về tự chủ tài chính, về đặt hàng, giao nhiệm vụ; hướng dẫn các nội dung về hoàn thiện đề án vị trí việc làm.
Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hoá lao động.
Các đại biểu đã bàn nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa lao động, tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy theo vị trí việc làm; phương án tự chủ tài chính; cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cho các nhà văn hóa lao động…
Ông Nguyễn Văn Cảnh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang – đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên có đề án tổng thể với những nhóm giải pháp đồng bộ về nhân lực, quản lý tài chính… để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hoá lao động.
“Những giải pháp nêu ra trong đề án phải sát thực, đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, cần khảo sát, đánh giá thêm thực trạng, yêu cầu của công nhân lao động cũng như thị trường” – ông Cảnh đề nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, chăm lo về văn hoá tinh thần là một trong những nhiệm vụ chính của tổ chức Công đoàn.
Trên cơ sở những ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang đề nghị, cần đánh giá rõ những yếu kém, chưa được hiện nay trong hoạt động của các nhà văn hoá lao động, nhận diện rõ vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân để có những giải pháp cụ thể.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phải xây dựng phương án tự chủ, phương án sắp xếp trên cơ sở giao nhiệm vụ là chính… để các nhà văn hoá lao động hoạt động hiệu quả, đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động…
Theo laodong.vn