“Hiến kế” phát triển thị trường lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần thiết đầu tư hạ tầng cơ bản như nhà ở, khu khám chữa bệnh… để phục vụ cho người lao động tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Ảnh: VGP.
Giám sát thực hiện các quy định liên quan đến người lao động
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra ngày 20.8, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong bối cảnh sau Tết Nguyên đán 2022, các doanh nghiệp có hiện tượng thiếu hụt lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở các địa phương.
Sau đó, đã có văn bản gửi ý kiến nghị, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm việc làm, đời sống của người lao động.
Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống Công đoàn triển khai đồng bộ giải pháp để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội.
Với vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho người lao động, ông Khang cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực để chăm lo đời sống và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động như: Các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan đề xuất, hoàn thiện các chính sách liên quan đến người lao động; bám sát, nắm tình hình, kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với người lao động, nhất là trong thời kỳ dịch COVID-19.
Các cấp Công đoàn cũng đã tập trung chăm lo cho người lao động ngay tại cơ sở, nhất là người lao động gặp khó khăn, bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt vào dịp Tết.
“Chúng tôi cũng tiếp tục phát huy vai trò đại diện của người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia để tham gia trình Chính phủ Nghị định 38 tăng tiền lương tối thiểu” – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.
Đơn vị cũng phối hợp trong việc giám sát, thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách hỗ trợ người lao động như tiền thuê nhà…. Bên cạnh đó, có ý kiến với các doanh nghiệp, đơn vị và lãnh đạo các tỉnh, ngành tháo gỡ khó khăn, giải quyết chế độ cho người lao động.
Trước tình hình quan hệ lao động có diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn cũng thực hiện các giải pháp trong việc phòng ngừa các tranh chấp lao động ngừng việc tập thể, tập trung tuyên truyền người lao động, người sử dụng lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt thoả ước lao động tập thể…
Tránh cạnh tranh không lành mạnh thị trường lao động
Để phát triển thị trường lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua theo những mốc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ấn định, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, cấp thiết của những chủ trương, chính sách nhân văn đã ban hành.
Hội nghị là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế “hiến kế” phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập – Ảnh: VGP.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: May mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương chú trọng hơn nữa trong kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật lao động về quyền lợi của người lao động như tiền lương, việc nghỉ ngơi, công tác an toàn vệ sinh lao động…
Về lâu dài, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định, đây là thị trường đặc biệt liên quan đến người lao động nên cũng phải tuân thủ theo các quy luật khách quan, bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vì liên quan đến người lao động, đối tượng rất đặc biệt trong thị trường.
Cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, trí thức cao, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chính sách thu hút đầu tư… Từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Cần xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ thị trường.
Chúng ta hiện nay mới chỉ tập trung công khai, quảng bá những dự án có số vốn đầu tư, số lượng sản phẩm bao nhiêu nhưng ít khi công bố thông tin về nhu cầu lao động của từng dự án, để có hướng đào tạo lao động, đáp ứng nhu cầu”.
Cần thiết đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ cho người lao động tại những nơi thị trường lao động có hướng phát triển như ở các tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp.
Đây là năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự an tâm, quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia thị trường lao động như nhà ở, khu khám chữa bệnh, khu vui chơi cho con em họ…
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phải có đào tạo kỹ năng, có khung chương trình đạo cơ bản, tăng thời gian thực hành, có thời gian nhất định để học về chính trị, Nhà nước, giai cấp, bồi dưỡng, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân và người lao động.
Đặc biệt, cần có bàn tay của Nhà nước trong việc điều tiết, tránh cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Ông Khang nêu một nghịch lý, vòng quay lao động qua doanh nghiệp còn lớn hơn vòng quay của vốn lưu động. Một doanh nghiệp chỉ có nhu cầu 5.500 lao động nhưng thực tế số lao động qua đây trong thời gian ngắn đã tới 27.000 lượt người. Điều đó cho thấy việc làm chưa thực sự bền vững.