Năm 2022 là năm thứ 11 thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Tháng Công nhân. Được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động (NSDLĐ), các cấp công đoàn (CĐ) đã tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân 2022 với nhiều nội dung phong phú, đạt hiệu quả thiết thực. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về các hoạt động này.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh Minh Khôi
PV: Tháng Công nhân 2022 được đánh giá là thành công về nhiều mặt. Theo đồng chí, những yếu tố nào quyết định đến thành công đó?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Kết thúc Tháng Công nhân, qua tổng hợp báo cáo của các cấp CĐ và dư luận, có thể nói chúng ta đã có một Tháng Công nhân thành công về nhiều mặt, tạo dấu ấn tốt đẹp với đoàn viên, người lao động (NLĐ) và xã hội.
Trước hết, thành công này là kết quả của công tác chỉ đạo sớm và quyết liệt từ Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Kế hoạch được ban hành từ cuối năm 2021, định hướng 10 nội dung hoạt động chính giúp các cấp CĐ cụ thể hóa, lựa chọn những nội dung phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó là việc ban hành hướng dẫn cụ thể, phù hợp với bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Hai là, cùng với việc lựa chọn nội dung hoạt động đúng, trúng từ cấp Tổng Liên đoàn, sự nỗ lực và năng lực hiện thực hóa chủ trương của từng cấp CĐ làm cho các hoạt động Tháng Công nhân vừa có tính thống nhất, đồng loạt trong toàn hệ thống; vừa phong phú, đa dạng.
Ba là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, NSDLĐ để CĐ có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn, nhiều hơn cho NLĐ trong Tháng Công nhân.
Bốn là, tâm thế của công nhân lao động (CNLĐ) bước vào các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân do CĐ tổ chức sau 2 năm có phần gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Phải chăng, chính sự khát khao đó là một yếu tố quan trọng để Tháng Công nhân hiệu quả hơn.
Năm là, công tác tuyên truyền được triển khai bài bản nên Tháng Công nhân thẩm thấu đến CĐCS, đến NLĐ với tinh thần xuyên suốt là chăm lo, hỗ trợ, đoàn viên, NLĐ, đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng sổ tiết kiệm “Công đoàn Việt Nam” và quà cho con đoàn viên công đoàn có cha, mẹ tử vong do dịch bệnh Covid-19 tại Bình Dương.
PV: Tháng Công nhân năm nay có điều gì đặc biệt hơn so với các năm trước, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Đúng như tinh thần của Thông báo Kết luận số 77/TB-KL ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư, Tháng Công nhân là dịp để các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm, thấu hiểu và chăm lo nhiều hơn cho công nhân; cũng là cơ hội để phát huy tinh thần “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” của công nhân Việt Nam. Năm nay, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, NSDLĐ đối với Tháng Công nhân rất tốt. Tham dự, chỉ đạo hoạt động thăm, tặng quà CNLĐ, đối thoại với công nhân, bố trí nguồn lực hỗ trợ công nhân được nhiều cấp ủy, chính quyền và NSDLĐ thực hiện để chung tay cùng với tổ chức CĐ chăm lo tốt hơn cho NLĐ.
Năm nay, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan, nghỉ dưỡng trở lại ấn tượng và rộng khắp góp phần tạo động lực làm việc cho CNLĐ và bồi đắp niềm tin với tổ chức CĐ. Các cấp CĐ đã tổ chức hơn 186 nghìn hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, thu hút hơn 1,3 triệu lượt người tham gia. Tháng Công nhân, CNLĐ có thêm nhiều sân chơi bổ ích để nâng cao đời sống tinh thần. Ở cấp Trung ương, chương trình “Giờ thứ 9+” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện được CNVCLĐ phấn khởi đón nhận và dư luận đánh giá cao.
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về tinh thần “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” của CNLĐ cả nước được thể hiện trong Tháng Công nhân vừa qua?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Là lực lượng đi đầu trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, CNLĐ cả nước hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề Tháng Công nhân. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Năng suất – Chất lượng – An toàn – Hiệu quả”… được cụ thể hóa thành mô hình, chương trình và hoạt động diễn ra sôi nổi, sâu rộng, động viên NLĐ phát huy bản chất giai cấp công nhân, tinh thần tiên phong, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, không ngừng thi đua lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, địa phương, ngành, đất nước.
Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” là một cú hích thúc đẩy các hoạt động thi đua trong Tháng Công nhân. Kết thúc giai đoạn 1, Chương trình đạt kết quả quan trọng với 696.948 sáng kiến, đạt 232,3% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, mở ra kỳ vọng về việc hoàn thành sớm toàn bộ chương trình so với dự kiến.
Bên cạnh đó, CĐ, CNLĐ thể hiện rõ trách nhiệm với doanh nghiệp, với đất nước thông qua việc đồng hành vượt khó, chấp hành pháp luật, làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công nhân đã thể hiện tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, chia sẻ với đồng nghiệp khó khăn hơn mình, sẵn sàng làm thêm giờ theo Nghị quyết số 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
CNLĐ nêu các khó khăn, kiến nghị tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.
PV: Một trong những hoạt động cốt lõi, khẳng định vai trò của tổ chức CĐ là chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Chắc hẳn có nhiều điều để nói về hoạt động này trong Tháng Công nhân 2022, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Tháng Công nhân năm 2022, cùng với các nguồn lực của tổ chức CĐ, các cấp CĐ chủ động nắm tình hình, đề xuất với chính quyền, chuyên môn, NSDLĐ tặng quà, trợ cấp hơn 846 nghìn suất quà cho đoàn viên, NLĐ khó khăn, bị tai nạn lao động với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 5.253 “Mái ấm CĐ” cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Các cấp CĐ đã chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp thực hiện hơn 9 nghìn cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho đoàn viên, NLĐ; đề xuất với NSDLĐ hỗ trợ tiền, tăng lương cho NLĐ, giúp NLĐ vay tiền giải quyết khó khăn, vay vốn làm kinh tế. Đặc biệt là, vận động các doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ ưu đãi giúp gần 594 nghìn đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng lợi ích.
Cùng với khám sức khỏe định kỳ, tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng 0 đồng”…, các cấp CĐ triển khai nhiều hoạt động cụ thể để kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập cho gần 47 nghìn đoàn viên, NLĐ.
Hoạt động “Cảm ơn NLĐ” tiếp tục lan tỏa, trở thành nề nếp. Hơn 11.131 cuộc “Cảm ơn NLĐ” và diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp – Doanh nghiệp vì công nhân” được tổ chức nhằm tri ân NLĐ nỗ lực, phấn đấu trong lao động sản xuất, cùng NSDLĐ vượt qua khó khăn, thách thức. Qua đó, khẳng định vai trò của CĐ luôn sát cánh bên NLĐ và đồng hành với doanh nghiệp đảm bảo việc làm, đời sống của NLĐ.
Công nhân Việt Nam khẳng định tinh thần “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”.
PV: Tham dự, động viên, kiểm tra hoạt động ở nhiều cơ sở trong Tháng Công nhân, điều gì đã tạo cho đồng chí ấn tượng và cảm xúc đặc biệt?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Có hai hoạt động để lại trong tôi cảm xúc đặc biệt. Thứ nhất, đó là hoạt động phát động Tháng Công nhân và cảm ơn NLĐ của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong đó có chương trình tặng quà và trao học bổng cho con em công nhân mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19. Tôi có hỏi thăm nhiều em về cuộc sống, học tập, gia đình và những câu chuyện của các em kể thực sự làm tôi rơi nước mắt. Những em bé còn rất ngây thơ, thậm chí có những em chưa hình dung bố mẹ mình đi đâu. Dù mất mát, đau thương nhưng tôi thấy ấm lòng khi các cán bộ CĐ đến với các em một cách rất trách nhiệm, tích cực, đầy tình yêu thương, nó làm vơi đi nỗi buồn và mất mát của các em; góp phần tăng cường niềm tin của NLĐ đối với tổ chức CĐ.
Hoạt động này còn biểu hiện rõ nhất tình giai cấp, nghĩa CĐ. Tôi tin rằng những đoàn viên ở thế giới bên kia cũng cảm thấy yên lòng và mỉm cười về tổ chức mà họ đã một thời gắn bó. Và, con của những công nhân ấy vẫn tiếp tục được đùm bọc trong vòng tay ấm áp của CĐ và những cán bộ CĐ.
Sau Tháng Công nhân, tôi đã về thăm công nhân Công ty Than Thống Nhất. Anh em công nhân làm việc rất vất vả, nặng nhọc nhưng đầy tinh thần lạc quan. Tôi cảm nhận được tinh thần hăng say lao động và sự quan tâm, lo lắng của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và CĐ đến từng miếng ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo, nơi tắm rửa của họ. Văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm” lóng lánh khi gặp từng cán bộ, công nhân nơi đây. Dù vậy, điều tôi luôn trăn trở và canh cánh trong lòng là làm thế nào để cuộc sống của họ thực sự an toàn và hạnh phúc, đó là chúng ta phải tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế bệnh nghề nghiệp. Chỉ có vậy mới giúp họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với tổ chức CĐ của chúng ta.
PV: Có thể nói, trong cuộc sống và công việc, đoàn viên, CNLĐ còn rất nhiều điều trăn trở, thậm chí có cả những bức xúc cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Vậy thông qua Chương trình “Đối thoại tháng 5”, việc giải quyết vấn đề này thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Năm nay, hoạt động đối thoại được nâng tầm thành Chương trình “Đối thoại tháng 5” và tổ chức nhiều hơn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới”. Các cấp CĐ đã tổ chức hơn 10,2 nghìn cuộc đối thoại với gần 10 nghìn câu hỏi, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của NLĐ được tổng hợp, gửi đến người đứng đầu Chính phủ và các cấp ủy, chính quyền. Kết thúc đối thoại là những cam kết tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ NLĐ, đề xuất những cơ chế, chính sách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.
Kết quả của Chương trình “Đối thoại tháng 5” tại các cấp CĐ đã tạo cơ sở, chất liệu để Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ năm 2022 vào ngày 12/6/2022, đúng ngày kỷ niệm 01 năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp và trực tuyến với đại diện công nhân 63 tỉnh, thành phố và các CĐ ngành, Tổng công ty với 4.500 công nhân tham dự cùng lãnh đạo các địa phương. Tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu đối với những khó khăn, vất vả của CNLĐ, nhất là những ảnh hưởng nặng nề sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19; kịp thời động viên CNLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng; tạo động lực để CNLĐ không ngừng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Một số vấn đề bức xúc của CNLĐ được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết ngay như tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022; tín dụng đen; xây dựng cơ chế, chính sách về khám chữa bệnh và nhà ở cho công nhân… Đối với những vấn đề còn tồn tại Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành và địa phương thẳng thắn rút kinh nghiệm, nhanh chóng khắc phục để xử lý những nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích chính đáng của công nhân.
Chương trình để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với CNLĐ cả nước, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam.
PV: Đồng chí nhận thấy có điểm gì cần lưu ý để tổ chức tốt hơn các hoạt động Tháng Công nhân vào những năm sau?
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu: Bên cạnh những việc đã làm được và làm tốt thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận một bộ phận CĐ, nhất là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở chưa làm tốt công tác tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân. Một số nơi, việc cụ thể hóa kế hoạch của CĐ cấp trên còn hạn chế; việc hưởng ứng, triển khai thiếu tích cực, sáng tạo.
Bài học rút ra là cần ban hành sớm kế hoạch Tháng Công nhân, hướng dẫn cụ thể, lựa chọn các nội dung hoạt động phải đúng, trúng, có tính định hướng cho cơ sở chủ động vận dụng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Việc chỉ đạo phải tập trung, quyết liệt, hướng mạnh về cơ sở; mọi hoạt động phải thực sự mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ và hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp.
Các cấp CĐ cần tích cực phối hợp với chính quyền, chuyên môn để huy động các nguồn lực, tạo sự quan tâm ủng hộ để triển khai một số hoạt động. Bên cạnh đó, cần có đánh giá, tổng kết; tiến hành khen thưởng đơn vị làm tốt, nhắc nhở, rút kinh nghiệm, phê bình đơn vị làm chưa tốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo congdoan.vn