30/04/2013 10:20:27

Ngành Dầu khí Việt Nam vào thời điểm lịch sử 30/4/1975

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Vào thời khắc lịch sử này, ngành Dầu khí Việt Nam đã ngay lập tức chuyển mình, bắt nhịp vào một giai đoạn mới. Chúng ta cùng ôn lại một vài sự kiện sau ngày chiến thắng đã trở thành kỷ niệm truyền thống không thể nào quên của các thế hệ dầu khí.

Năm tháng không quên

Thực hiện mong ước của Bác Hồ, ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến hoạt động tìm kiếm và thăm dò dầu khí. Ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa (Đoàn 36 dầu lửa) được thành lập, đánh dấu mốc lịch sử mở đầu một thời kỳ hoạt động dầu khí có tổ chức ở Việt Nam.

Sau khi được thành lập, Đoàn 36, sau này là Liên đoàn Địa chất 36, đã tiến hành công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Từ những ngày đầu chập chững, kiến thức và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế, nhưng với sự giúp đỡ tận tình của chuyên gia Liên Xô (cũ), đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật làm công tác thăm dò dầu khí Việt Nam đã nắm bắt và áp dụng có sáng tạo các công nghệ tiên tiến thế giới vào thực tiễn Việt Nam; đã đào tạo được một lớp cán bộ khoa học – kỹ thuật dầu khí có trình độ cao và kinh nghiệm thực tế phong phú, một đội ngũ công nhân lành nghề.

Có thể nói miền võng Hà Nội là nơi mở đầu của ngành Dầu khí Việt Nam, là trường học đào tạo đội ngũ những người làm công tác dầu khí, để chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ sau này của ngành Dầu khí Việt Nam.

Từ năm 1972, lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước như Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Lê Thanh Nghị được Ban Dầu mỏ và Khí đốt, Tổng cục Hóa chất cập nhật thường xuyên về tình hình hoạt động dầu khí trên thế giới.

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984)

Thông tin về các công ty dầu khí phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam được biết đến ngay trong thời gian còn chiến tranh, cho nên ngày 30/4/1975 khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Đoàn Địa chất B (do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát địa chất ở vùng do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam kiểm soát) là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản (về mặt hành chính) Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn.

Ông Lê Quang Trung – kỹ sư địa chất, một thành viên đoàn tiếp quản, sau này là Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro kể lại: “Tổng cục Địa chất đã quyết định cử một đoàn cán bộ, do ông Nguyễn Ngọc Sớm – kỹ sư địa chất, Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 36B, sau này là Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, làm Trưởng đoàn vào Sài Gòn để tiếp quản tài liệu của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Đoàn cán bộ này chia thành hai nhóm. Nhóm do ông Sớm dẫn đầu đi theo đường bộ bằng xe UAZ, còn nhóm gồm ông Trung, bay vào Sài Gòn sáng ngày 5/5/1975 từ sân bay Gia Lâm. Chuyến bay có Thiếu tướng Hoàng Phương – Chính ủy Phòng không – Không quân cùng một số sĩ quan chuyển pháo hoa vào Sài Gòn để đến ngày 15/5/1975, đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào Sài Gòn làm lễ mừng chiến thắng trước Dinh Độc Lập.

Ngày 12/5/1975, sau khi được tướng Trần Văn Trà – Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn giao nhiệm vụ và giới thiệu đến Tiểu ban Quân quản Địa chất do ông Nguyễn Chánh, ông Bắc và một số anh em người của Đoàn Địa chất B đã tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn các tài liệu của các công ty dầu khí làm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Tại đây còn có 2 thùng phuy dầu thô lấy từ giếng khoan Bạch Hổ-1X (Lô 09) của Công ty Mobil. Sau khi phân tích, tổng hợp, đánh giá các tài liệu, đoàn làm báo cáo và cuối tháng 7/1975 đoàn ra Hà Nội”.

Theo hồi ức của ông Ngô Thường San (hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam): Vào đầu tháng 6/1975, ông Phạm Hùng thay mặt cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gửi telex cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị cử người vào tiếp quản tài liệu của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Đoàn có 3 người: ông Ngô Thường San (cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam), ông Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng cục Hóa chất), sau có thêm ông Hồ Đắc Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất) đã bay vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ trên. Ngày 15/6/1975, đoàn đã bay vào Sài Gòn và bắt đầu tiếp quản tài liệu tại Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Trong thời gian 3 tháng, đoàn đã tập hợp tất cả các tài liệu thu nhận được từ các công ty, từ Bộ Ngoại giao, Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và lần đầu tiên làm báo cáo tổng hợp về cấu trúc địa chất, triển vọng dầu khí, đánh giá trữ lượng tiềm năng của thềm lục địa Nam Việt Nam.

Việc thu thập thông tin, tài liệu về dầu khí có từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa là rất khẩn trương để kịp thời báo cáo Chính phủ. Việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ -1X… đã khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam nhất định có dầu và những đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng dầu khí ở đây là rất lớn. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chuyên môn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, trong đó đã vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo lời kể của ông Lê Văn Cự, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, trong hội nghị này, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị đọc báo cáo, tham dự có Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, một vài thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có ông Đinh Đức Thiện. Các ông Nguyễn Văn Biên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Lê Văn Cự – Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Tổng cục Địa chất, Nguyễn Đông Hải – Ủy viên Thường trực Ban Dầu mỏ và Khí đốt Tổng cục Hóa chất cũng được dự họp.

Ngày 6/8/1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia.

Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nghị quyết khẳng định: “Dầu hỏa và khí đốt là nguồn năng lượng quan trọng của tất cả các nước công nghiệp. Ngành công nghiệp lọc dầu và hóa dầu (phân bón, chất dẻo, sợi tổng hợp, dược phẩm, v.v…) là một thành phần cơ bản và tiên tiến của một cơ cấu công nghiệp hiện đại. Sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, cả nước ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế toàn diện; chúng ta phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí. Dầu hỏa trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi là một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế tài chính và khoa học kỹ thuật…

Với kết quả thăm dò tới nay ở cả hai miền, tuy chưa đánh giá được trữ lượng công nghiệp, nhưng đã có thể khẳng định triển vọng dầu mỏ và khí đốt ở nước ta. Cần xác định ngay một chính sách dầu, khí để biến triển vọng này thành hiện thực. Chính sách này phải rất tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của nước ta, đồng thời phù hợp với vị trí, trình độ kinh tế, khả năng kỹ thuật, quản lý và triển vọng tài nguyên của nước ta.

Dấu ấn lịch sử

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu, khí trên cả nước, ngày 20/8/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.

Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu ngành Dầu khí Việt Nam đã bước sang một trang sử mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.

Ông Phan Minh Bích, nguyên vụ trưởng Vụ kỹ thuật thuộc Tổng cục Dầu khí nhớ lại: “Vào những ngày đầu của Tổng cục Dầu khí, tôi phụ trách kế hoạch – kỹ thuật, ông Công Đức Vãng phụ trách kế toán – tài vụ. Tôi và ông Vãng được rút từ Liên đoàn Địa chất 36 – Tổng cục Địa chất. Ông Nguyễn Đông Hải phụ trách đối ngoại và ông Nguyễn Ngọc Liên phụ trách văn phòng đều được rút từ Tổng cục Hóa chất. Cơ quan Tổng cục Dầu khí lúc đầu đặt tại tầng hầm của trụ sở Tổng cục Hóa chất, sau đó chuyển về nhà số 48 phố Nguyễn Thái Học”.

Tàu khoan Mikhain Mirchin đang thử vỉa tại giếng BH-5 mỏ Bạch Hổ (ngày 24/5/1984)

Ngày 20/2/1976, Hội nghị Bộ Chính trị, (Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trình bày Kế hoạch Triển khai thăm dò dầu mỏ và khí đốt) đã kết luận: “Thềm lục địa Nam Việt Nam có triển vọng và quan trọng nhất… Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi ít nhất là 1 tỉ tấn, nhiều nhất có thể tới 4-5 tỉ tấn. Vùng trũng Hà Nội: tuy đã có khoan sâu, nhưng địa chất đến đáy Đệ Tam chưa chính xác, đánh giá trữ lượng khó khăn… Kết quả GK 61 dự đoán trữ lượng khí tương đương 20-25 triệu tấn dầu thô ở một vài cấu tạo kích thước 15-20km2. Triển vọng khí là chủ yếu; Thềm lục địa vùng Bắc Bộ: diện tích triển vọng lớn 3-5 lần vùng trũng Hà Nội; Đồng bằng sông Cửu Long: đang thuê Tổng Công ty Địa Vật lý (CGG) của Pháp làm địa chấn. Ước đoán triển vọng có thể tương tự như vùng trũng Hà Nội hoặc hơn một chút; Vùng trũng Quy Nhơn: theo tài liệu GSI rộng 25-30km, dài hàng trăm kilômét, nước biển sâu 150-1.000m”.

Trên cơ sở bản Kế hoạch Triển khai thăm dò dầu mỏ và khí đốt, Bộ Chính trị quyết định mục tiêu: Năm 1980-1981, bắt đầu khai thác dầu ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Năm 1985, Nhà nước phải có trong tay 15-20 triệu tấn dầu thô.

Để đảm bảo mục tiêu trên cho phép Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam thảo luận với các công ty nước ngoài trên 8-10 lô ở thềm lục địa Nam Bộ.

Thực hiện Nghị quyết số 244-NQ/TW, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã cử nhiều đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm làm dầu khí ở biển và bàn quan hệ hợp tác.

Ông Ngô Thường San, lúc đó là Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, nhớ lại: “Mùa hè năm 1976, Chính phủ cử đoàn cán bộ của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam và Văn phòng Phủ Thủ tướng đi thăm Irắc và Côoét để tìm hiểu công nghiệp dầu khí của họ và gặp Quốc vương tìm cách vay vốn đầu tư cho ngành Dầu khí của ta, trong đó có nhà máy lọc dầu. Vào mùa thu năm 1976, cùng lúc đoàn Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đi Mêhicô do ông Lê Quốc Tuân – Chánh Văn phòng kiêm phụ trách Vụ Kinh tế – Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn, đoàn đi Pháp do ông Lê Văn Cự – Phó tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn và các ông Nguyễn Đông Hải, tôi và ông Vũ Trọng Đức. Đoàn làm việc với các Công ty CFP, ELF – Aquitaine; thăm IFP. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp tiếp chúng tôi ở điện Champ dElysée. Kết quả chuyến đi đặt cơ sở cho việc hợp tác và mua thiết bị thí nghiệm của IFP và đàm phán hợp đồng với ELF – Aquitaine (mặc dù sau này không thành công)”.

Từ ngày 25/4 đến ngày 3/6/1977, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đi thăm một số nước Tây Âu như Pháp, Đan Mạch, Na Uy, đã ký nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật. Thủ tướng Chính phủ cùng với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã đi thăm Viện Dầu khí Pháp (trong khoản tiền vay của Chính phủ Pháp, Chính phủ Việt Nam đã dành 22 triệu phờrăng để mua 11 phòng thí nghiệm trang bị cho Viện Dầu khí Việt Nam); ký hiệp định với Nauy để hiện đại hóa kỹ thuật khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam.

Từ ngày 3-10 đến ngày 20/10/1977, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện dẫn đầu đoàn khảo sát công nghiệp dầu khí tại Trung Quốc (theo Hiệp định hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Trung Quốc và Việt Nam), rút ra một số nhận định đáng chú ý là: Trung Quốc lấy đường lối tự lực cánh sinh là chính, huy động mọi phương tiện, thiết bị trong nước để làm dầu khí. Ta có cách đi riêng, hợp tác với nước ngoài trên cơ sở bảo vệ chủ quyền và hai bên cùng có lợi, đồng thời thuê thêm dịch vụ để mình tự làm, dần dần tiến tới tự làm hoàn toàn.

Như vậy có thể thấy ngay từ những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể như là một “Tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc quyết định sự hưng thịnh của một đất nước.

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được ký tại Điện Kremlin – Mátxcơva ngày 3/7/1980.

Ngày 19/6/1981 tại Mátxcơva, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hiệp định được ký kết là một bước ngoặt cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, đặc biệt sau khi các công ty dầu phương Tây, như Deminex, Agip và Bow Valley đã chấm dứt hợp đồng dầu khí và rút khỏi Việt Nam!

Các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định đây là một sự kiện lớn thể hiện sự hợp tác trên tinh thần đồng chí anh em giúp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này để phá thế bao vây, cấm vận kinh tế của Mỹ và các thế lực khác do Mỹ ủng hộ chống phá Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước thời điểm này là rất cần thiết, nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn nhân dân Liên Xô, Chính phủ Liên Xô về sự kiện này.

Sau khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập ở Vũng Tàu, hoạt động xây dựng căn cứ trên bờ được đẩy mạnh. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25/12/1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 20 giờ ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 26 ngày sau, 21 giờ ngày 26/5/1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp và ngọn lửa dầu đã bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tầu, báo tin vui cho cả nước.

Ông Đặng Của, với tư cách Vụ trưởng Vụ khoan – Khai thác và Thiết bị dầu khí đồng thời là người trực tiếp giám sát thi công giếng khoan ở mỏ Bạch Hổ, đã ghi lại cảm xúc của mình: “Đời tôi có hai ngày hạnh phúc nhất. Đó là ngày 18/3/1975 (ngày phát hiện ra khí ở Tiền Hải, Thái Bình) và ngày 30/4/1984 (Ngày phát hiện lại dầu khí ở mỏ Bạch Hổ). Khi báo cáo về đất liền, tôi vẫn còn run bởi sự kiện quá lớn, quá trọng đại”.

Liên tục sau đó mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Thấm thoắt đã 38 năm giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối. Thực hiện mong ước của Bác Hồ, bằng ý chí, nghị lực và trí tuệ, những người tìm lửa đã viết nên trang sử hào hùng của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Tiến Dũng

Theo PetroTimes