25/05/2022 9:19:10

Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Đánh giá tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng đến hoạt động của Petrovietnam. Các giải pháp để thực thi kịp thời chiến lược chuyển đổi Petrovietnam thành tập đoàn năng lượng”. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí Thành viên HĐTV Petrovietnam: Phạm Xuân Cảnh, Nguyễn Hùng Dũng, Bùi Minh Tiến; Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên, cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững vẫn là xu thế tất yếu trên thế giới. Là một tập đoàn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, Petrovietnam đang chịu tác động mạnh của xu thế này, Tập đoàn đang chủ động xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch hành động sẵn sàng cho cuộc đại chuyển dịch năng lượng theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng chủ trì hội thảo

Theo báo cáo của Ban Chiến lược Tập đoàn, kịch bản NZE (Netzero) cho thấy, tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ tăng từ 29% hiện nay lên 88% vào năm 2050; tiêu thụ khí giảm 1.750 tỷ m3 (11%) và tiêu thụ dầu thô giảm còn 24 triệu thùng/ngày vào 2050 (8%).

Lộ trình kịch bản NZE đến năm 2030 dựa vào các trụ cột chính: Tiết kiệm năng lượng, Năng lượng tái tạo và Điện khí hóa. Sau năm 2030, năng lượng thế giới sẽ dựa vào năng lượng sinh học (NLSH), hydro và nhiên liệu gốc hydro. Hầu hết các công ty dầu khí lớn đều đặt mục tiêu và triển khai các giải pháp giảm phát thải; hiện có khoảng 15 công ty dầu khí lớn (chiếm hơn 30% tổng sản lượng khai thác toàn cầu) cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Việt Nam, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung phát triển NLTT/NL mới; Cập nhật đóng góp quốc gia tự quyết định năm 2020 (NDC) – mục tiêu đến 2030 giảm phát thải ngành năng lượng là 5,5% và 16,7% (hỗ trợ quốc tế); đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26; Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nâng tỷ trọng nguồn điện NLTT đạt 26% (2030) và 54% (2045); Tỷ trọng nguồn điện khí giảm, cụ thể đạt 25% (2030) và 18% (2045).

Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam

Đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo Tập đoàn trình bày báo cáo tại hội thảo

Các cơ chế, chính sách, cam kết của Việt Nam về giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh, sạch, phát triển bền vững ngày càng tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khí và than) sẽ giảm sau năm 2030.

Bởi vậy, các sản phẩm chính của Petrovietnam sẽ phải vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và môi trường, vừa chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu cũng như nguồn NLTT. Trong đó, tiêu chí môi trường hiện đã được nhiều quỹ đầu tư/ngân hàng đặt làm điều kiện cần để cho vay các dự án năng lượng. Đặc biệt, áp lực từ cộng đồng dân cư, xã hội ngày càng tăng…

Xu hướng thế giới cũng như dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy sau 2030/2035 nhu cầu khí/LNG giảm dẫn đến hiệu quả đầu tư/kinh doanh rủi ro cao, các dự án khí tăng chi phí liên quan đến môi trường (chi phí CO2, chi phí lắp đặt thu hồi methane/CO2 (CCUS), đặc biệt với nhà máy điện than). Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày càng khó cạnh tranh với nguồn điện NLTT.

Lĩnh vực điện nằm trong chuỗi giá trị dầu khí, là hộ tiêu thụ chính của công nghiệp khí. Tính đến nay, Petrovietnam có 8 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất lắp đặt đạt 5.405 MW, chiếm khoảng 8% công suất lắp đặt cả nước và sản lượng điện khoảng 20 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 10-12% sản lượng điện toàn quốc.

Đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo Petrovietnam báo cáo tại hội thảo cho biết, để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Quy hoạch Điện VIII đã lựa chọn phương án phát triển nguồn điện với định hướng hạn chế các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển các nguồn NLTT, tăng tỷ lệ đốt kèm hydrogen, nhưng vẫn đảm bảo tỷ trọng nguồn chạy nền cần thiết.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, công suất đặt toàn quốc hàng năm tăng 8-9%. Trong đó: NLTT tăng mạnh, tỷ trọng công suất NLTT năm 2020 là 25%, 2030 là 32%, 2045 đạt 58%. Trong đó điện gió ngoài khơi tăng nhanh, từ 7GW năm 2030 lên 64,5GW năm 2045, vượt công suất điện gió trên bờ. Các nguồn điện linh hoạt chạy khí hydrogen tăng nhanh sau giai đoạn 2035 nên nếu không có nguồn khí mới, công suất điện khí trong nước không thay đổi, chuyển dần sang sử dụng hydrogen khi sản lượng khí trong nước giảm.

Để đạt được mục tiêu 8-10% công suất hệ thống, đến năm 2030, Petrovietnam cần tham gia đầu tư ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi với công suất khoảng 1GW (tổng 7GW đến 2030). Tương ứng, giai đoạn 2030-2045, Petrovietnam cần phải bổ sung thêm 13-22 GW, từ nguồn điện khí và NLTT (đặc biệt là điện gió ngoài khơi). Việc tham gia đầu tư các dự án điện LNG cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán hiệu quả kinh tế kỹ thuật trong điều kiện phải chuyển đổi nhiên liệu hydrogen theo lộ trình.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham vấn tại hội thảo từ các đồng chí Thành viên HĐTV, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao hai báo cáo trình bày tại hội thảo, đây là cơ sở để Tập đoàn hoạch định chính sách phù hợp.

Tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng và hành động của Petrovietnam

Toàn cảnh hội thảo tại Hà Nội

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xu thế chuyển dịch năng lượng là tất yếu. Trong bối cảnh như vậy, Tập đoàn phải tập trung nhiều hơn vào NLTT. Định hướng chính vẫn là phát triển tập đoàn năng lượng, tập trung trong lĩnh vực năng lượng theo nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho.

Đồng chí Hoàng Quốc Vượng lưu ý, trên cơ sở tác động chuyển dịch năng lượng, cần rà soát lại các sản phẩm hiện có, ví dụ như lọc hóa dầu, cần phải rà soát lại để phù hợp cơ chế chính sách của Nhà nước về tiêu chuẩn khí thải; Xây dựng chiến lược phân ngành, E&P vẫn là lĩnh vực nòng cốt thiết yếu của Tập đoàn đến năm 2030, tăng cường thăm dò, gia tăng trữ lượng, đảm bảo sản lượng khai thác hằng năm; Công nghiệp khí vẫn phải mở rộng thị trường, tham gia các chuỗi cung ứng khí trong nước và nhập khẩu nước ngoài cho các nhà máy điện; Lĩnh vực chế biến dầu khí phải nâng cấp công nghệ để các sản phẩm xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn môi trường…

Thành Công