24/05/2022 8:37:47

Nông Chí Phương – Giàn trưởng giàn Công nghệ trung tâm mỏ Sư Tử Vàng: “Ở nhà là lại nhớ giàn, nhớ biển!”

Bắt đầu làm việc tại Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC) từ năm 2008, tham gia quá trình xây dựng, chạy thử và nhận chuyển giao giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng ở Batam – Indonesia, Nông Chí Phương bắt đầu đảm nhiệm vị trí giàn trưởng từ năm 2013 cho đến nay. Xuyên suốt thời gian công tác, anh đã cùng với các đồng nghiệp của mình quản lý, vận hành hiệu quả giàn Sư Tử Vàng và các giàn khai thác đầu giếng vệ tinh 13 năm liên tiếp, đảm bảo tuyệt đối an toàn về con người, môi trường và thiết bị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Cửu Long JOC.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương kể, anh đến với ngành Dầu khí chính là một cơ duyên. Bởi vì ban đầu, anh chỉ có suy nghĩ rất đơn giản là ngành nào, công ty nào có cơ hội phát triển tốt và thu nhập cao thì mình sẽ làm. Vậy nên những năm đầu sau khi ra trường, anh thay đổi công việc liên tục, môi trường nào tốt hơn thì anh gia nhập. Cho đến khi vào ngành Dầu khí, trở thành thành viên trong đội ngũ Cửu Long JOC, anh bắt đầu nhận rõ được cơ hội phát triển của mình, và đặc biệt hơn là ý nghĩa của công việc mà mình đang đảm nhiệm.

“Ở nhà là lại nhớ giàn, nhớ biển!”

Giàn trưởng Nông Chí Phương (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp trên giàn Công nghệ trung tâm Sư tử Vàng

Tại Cửu Long JOC, anh Phương được học hỏi từ rất nhiều đàn anh đi trước, các chuyên gia nước ngoài, được tiếp cận với hàng loạt thiết bị và công nghệ mới, được trực tiếp tham gia sửa chữa và khắc phục các sự cố, đặc biệt là nhận được sự tin tưởng và giao phó từ các cấp lãnh đạo. Dần dần, anh nhận được cơ hội đảm nhiệm những vị trí và công việc quan trọng hơn, từ Phó Giám sát, Trưởng Giám sát vận hành khai thác, Giàn phó, sau đó là Giàn trưởng giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng. Công việc ngày càng thử thách và hấp dẫn hơn, khiến ngọn lửa đam mê trong anh ngày càng rực cháy. Và không biết từ bao giờ, anh đã thực sự gắn bó mình với ngành Dầu khí, ngành nghề mà theo anh nói, là nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những gian truân, khó khăn và nguy hiểm.

Đối với những kỹ sư dầu khí, khi làm việc trên các công trình biển là luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa, bởi nguy cơ cháy nổ rất cao. Chỉ cần một sơ suất hay bất cẩn nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn hoặc xảy ra sự cố lớn gây nguy hiểm cho con người và thiết bị trên giàn. Sư Tử Vàng là giàn công nghệ trung tâm, điều khiển, thu nhận và xử lý dầu/khí từ tất cả các giàn khai thác vệ tinh của Cửu Long JOC. Áp suất một số bình khí trên giàn khá cao – gần 130 bar, nên nếu xảy ra cháy nổ thì đây thực sự là những quả bom khổng lồ. Hơn nữa, giàn đã hoạt động lâu năm, thiết bị và hệ thống cũng đã xuống cấp nên nguy cơ hư hỏng và cháy nổ càng cao. Vì vậy, công tác phòng chống cháy nổ và làm việc an toàn trên giàn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, khi có các dự án lớn, số người làm việc trên giàn tăng lên rất nhiều, có khi lên đến hơn 300 người. Lúc này, việc quản lý và điều hành để tất cả hạng mục công việc được tiến hành đồng bộ, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, cũng như đảm bảo an toàn cho toàn bộ CBNV, nhà thầu làm việc trên giàn, đối với người trưởng giàn là một trách nhiệm vô cùng lớn và khó khăn.

Căng thẳng là thế, nhưng đó mới chỉ là với điều kiện thời tiết bình thường. Khi bão đến, biển động, các anh vẫn phải vận hành giàn khi xung quanh là sóng to gió lớn, mưa bão mịt mù. Làm sao để hoạt động khai thác được vẫn được liên tục và giữ cho mọi người được an toàn thực sự là một thử thách không dễ dàng. Lúc này, nếu chẳng may xảy ra sự cố trên các giàn đầu giếng, việc vận chuyển người bằng tàu để xử lý tình huống tiếp tục là một bài toán nan giải không kém.

Những lúc như vậy, anh Phương nói, áp lực công việc thậm chí đeo bám anh vào tận trong từng giấc ngủ. Hơn hết, anh ý thức rõ tầm quan trọng công việc mình đang đảm nhiệm không chỉ gói gọn hiệu quả cho riêng Cửu Long JOC mà còn ảnh hưởng đến nhiều đơn vị, ngành nghề. Bởi, chỉ cần một trong các giàn bị sự cố ngừng khai thác đột ngột, các nhà máy điện trong bờ sẽ không được cung cấp đủ nguồn khí để vận hành, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến công suất làm việc của hàng loạt công ty khác.

Vì vậy, việc quản lý và vận hành giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng và các giàn đầu giếng an toàn, không có tai nạn nào về con người 9 năm liền, giữ giàn khai thác đạt 99,9% uptime nhiều năm liên tục, đó không chỉ là thành tích, mà còn là kết quả của sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của toàn thể CBNV trên giàn suốt từ năm 2013 cho đến nay.

“Ở nhà là lại nhớ giàn, nhớ biển!”

Giàn trưởng Nông Chí Phương nhận vinh danh Người lao động Dầu khí tiêu biểu năm 2021

Tâm sự chuyện nghề, anh kể, vào khoảng giai đoạn năm 2013, khi đó giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng cần phải lắp đặt và bổ sung một số thiết bị, đường ống trên giàn, cũng như lắp đặt thêm các đường ống dẫn dầu và khí khai thác ngầm dưới biển và đường ống đứng từ biển lên giàn để kết nối với mỏ Sư Tư Vàng Đông Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên giàn Công nghệ trung tâm thực hiện lắp đặt 3 bơm điện chìm. Cả hai dự án này tiến hành cùng một thời điểm trên giàn Công nghệ trung tâm nên số lượng nhân sự làm việc trên giàn lúc đó rất đông. Có đến hơn 10 nhà thầu phụ với gần 300 người với đủ mọi thành phần, đa dạng cả về trình độ, ngôn ngữ lẫn nhận thức an toàn. Điều đáng nói, cả hai công việc này lại có tính chất đối lập nhau. Việc lắp đặt bơm điện chìm có nguy cơ rò rỉ khí và dầu khá cao, còn việc lắp đặt và bổ sung thêm thiết bị và đường ống cho mỏ Sư Tử Vàng Đông Bắc lại phải hàn cắt phát sinh ra tia lửa. Vì vậy, việc thực hiện hai công việc cùng một thời điểm khiến nguy cơ cháy nổ tăng gấp nhiều lần nếu quản lý không tốt.

Không những vậy, thời tiết lúc bấy giờ rất xấu (sóng to và gió lớn) nên việc lắp đặt đường ống ngầm và ống đứng dưới biển cực kì nguy hiểm và khó khăn. Các cán bộ kỹ sư, chuyên gia phải tính toán, lựa chọn thời điểm mật độ sóng, gió xuống thấp nhất khoảng một vài giờ trong ngày để lắp đặt. Lúc này, mọi tính toán phải vô cùng chuẩn xác, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể xảy ra tai nạn cho con người và hư hỏng thiết bị, tiến độ của dự án sẽ bị trì hoãn ngay lập tức. Nhiệm vụ lúc đó cực kỳ khó khăn và phức tạp, là một thử thách rất lớn khi phải vừa giữ được an toàn cho tất cả mọi người và thiết bị, vừa giữ cho giàn khai thác hoạt động liên tục không bị gián đoạn, và đặc biệt là phải hoàn thành tất cả các công việc của hai dự án trên đúng tiến độ, đưa giàn Sư Tử Vàng Đông Bắc và 3 bơm điện chìm đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.

Thời điểm đó, hầu hết các anh em quản lý của giàn cũng như các chỉ huy của các dự án ngoài biển đều phải làm việc liên tục hơn 16 giờ mỗi ngày trong nhiều tháng liền. Cuối cùng, bằng sự quyết tâm và đồng lòng của tất cả mọi người, đặc biệt là sự hỗ trợ của các phòng ban và lãnh đạo trong bờ, tất cả mọi công việc đã được hoàn thành một cách an toàn và vượt tiến độ, nâng cao đáng kể sản lượng khai thác của Cửu Long JOC nói riêng và PVEP nói chung.

buoc-chuyen-tu-duy-va-hanh-dong-6

Giàn công nghệ trung tâm mỏ Sư Tử Vàng

Anh Phương nói, may mắn nhất của anh tại Cửu Long JOC là được làm việc cùng một đội ngũ nhiều kinh nghiệm, trình độ cao và giỏi về chuyên môn, luôn luôn chú trọng đến an toàn trong công việc. Đến thời điểm này, tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động làm việc trên giàn Công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng đã có thể vận hành và sửa chữa hầu hết các thiết bị chính yếu trên giàn, có thể sửa chữa và khắc phục các sự cố mà trước đây cần phải thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Sau nhiều năm làm việc cùng nhau, các anh đã đúc kết ra được nhiều kinh nghiệm, có thể dự đoán được nhiều sự cố có nguy cơ xảy ra, lập kế hoạch để sửa chữa và khắc phục, ngăn ngừa được những tai nạn đáng tiếc, tránh mất sản lượng của công ty. Bên cạnh đó, anh cũng luôn cảm kích trước sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo công ty, những lời khuyên hữu ích và sự hỗ trợ kịp thời từ các phòng ban mỗi khi gặp khó khăn. Tất cả những hậu thuẫn đó đã giúp anh rất nhiều trong công tác, nhất là những lúc tìm phương hướng giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, kịp thời và an toàn nhất có thể.

Nhớ về khoảng thời gian trước đây, anh nói, mỗi lần đi biển là mỗi lần bản thân anh phải đấu tranh tư tưởng và lên tinh thần để bắt đầu một ca biển mới. Nhưng giờ đã thay đổi, vừa đặt chân lên giàn anh đã bị công việc và những thử thách cuốn đi cho đến ngày về. Trước đây, khi về đến nhà anh thấy vô cùng thoải mái, giống như vừa trút được hết gánh nặng, áp lực. Nhưng giờ đây, ở nhà hơn 2 tuần là anh lại thấy nhớ giàn, nhớ biển và nhớ các đồng nghiệp.

“Nghe có vẻ hơi ngược đời. Nhưng có lẽ với bất cứ ngành nghề nào hay ở bất cứ nơi đâu, nếu mình làm việc lâu dài và gắn bó, có sự yêu thích và đam mê với công việc đó thì một ngày nào đó tình cảm sẽ phát sinh và nó sẽ lớn dần theo thời gian, đến một lúc nào đó sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc đời của mỗi người, không thể nào quên hay dễ dàng buông bỏ được”, anh Phương tâm sự.

P.V