Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Thành lập Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Tuệ – Giám đốc Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) về chặng đường đồng hành cùng PVEP.
PV: Xin ông cho biết khái quát tình hình hoạt động của PVEP POC trong thời gian qua cũng như những thành tựu nổi bật mà PVEP POC đạt được trong 15 năm đồng hành cùng sự phát triển của Tổng Công ty PVEP?
Ông Lê Đức Tuệ: PVEP POC được thành lập ngày 9/12/2010 trên cơ sở thay đổi tên và chức năng nhiệm vụ của Công ty Dầu khí Đại Hùng để điều hành các dự án dầu khí tại Việt Nam mà PVEP/PVEP POC được chỉ định là Người Điều hành, cũng như sáp nhập thêm 3 Công ty Điều hành Dầu khí tại Việt Nam vào PVEP POC gồm Công ty PVEP Bạch Đằng, PVEP Hồng Long và PVEP Phú Quý. Vào giai đoạn cao điểm, PVEP POC điều hành đến 10 dự án dầu khí trong nước. Đến hiện tại, PVEP POC tập trung điều hành mỏ Đại Hùng (Lô 05-1(a)) và mỏ Sông Đốc theo cơ chế phi lợi nhuận.
Giống với tên gọi Công ty Dầu khí Đại Hùng – tiền thân của PVEP POC, các công việc chính của PVEP POC trong suốt thời gian qua liên quan mật thiết đến việc điều hành mỏ Đại Hùng. Năm 2008, triển khai Kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng (Pha 2) theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, PVEP/PVEP POC đã nghiên cứu, lựa chọn và tiến hành thiết kế, xây lắp một giàn đầu giếng cố định không người WHP-DH02 ở khu vực phía Nam (DH02), xây dựng đường ống kết nối từ giàn WHP-DH02 về giàn FPU; khoan và hoàn thiện 11 giếng phát triển để đưa vào khai thác. Việc phát triển thành công Pha 2 (2014) là một kỳ tích đã giúp cho mỏ Đại Hùng có một chu kỳ sống mới, đưa sản lượng từ 3 nghìn thùng/ngày lên mức 14 nghìn thùng/ ngày, cao điểm lên đến 15 nghìn thùng/ngày.
Bên cạnh đó, để tìm hiểu thêm về tiềm năng khu vực ngoại mỏ Lô 05-1(a), PVEP POC đã thực hiện “Kế hoạch thăm dò mở rộng Pha 2 mỏ Đại Hùng và Lô 05-1(a), giai đoạn 2013-2015” với các công việc chính gồm: Thu nổ 487 km2 địa chấn 3D bao phủ toàn bộ Lô 05-1(a), phát hiện ra 2 cụm cấu tạo tiềm năng ngoài khu vực đang khai thác ở mỏ Đại Hùng là Thần Nông (ThN) và Đại Hùng Nam (DHN). Tiến hành khoan 4 giếng thăm dò/ thẩm lượng kết hợp khai thác trên khu vực đang khai thác mỏ Đại Hùng và song song khoan 4 giếng thăm dò/ thẩm lượng ngoài khu vực đang khai thác của mỏ Đại Hùng. Đây chính là cơ sở để xây dựng phương án phát triển mỏ Pha 3 giai đoạn 2020-2025.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cùng lãnh đạo PVEP kiểm tra công tác trên Giàn Đại Hùng 01, ông Lê Đức Tuệ (thứ 2 từ trái sang) |
Giai đoạn 2018-2019, PVEP POC thực hiện Báo cáo “Cập nhật Trữ lượng dầu khí tại chỗ mỏ Đại Hùng, Lô 05-1(a) năm 2018” (RAR-2018) nhằm mục đích tổng kết chương trình phát triển mỏ giai đoạn II và cập nhật kết quả thăm dò, thẩm lượng, khai thác mở rộng mỏ Đại Hùng trong giai đoạn 2011 – 2018. Báo cáo đã đánh giá tài nguyên dầu khí tại khu vực mỏ Đại Hùng và phát hiện Đại Hùng Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng lượng dầu khí tại chỗ mức 2P là 504,5 triệu thùng dầu và 107,5 tỷ bộ khối khí tự do.
Trong giai đoạn từ 2020 – 2022, PVEP/PVEP POC đã hoàn thành bảo vệ ODP/FDP phát triển Pha 3 mỏ Đại Hùng đảm bảo kế hoạch phát triển dài hạn của mỏ Đại Hùng trong thời gian tiếp theo. Kế hoạch phát triển mỏ Pha 3 sau khi có phê duyệt dự kiến cho dòng dầu thương mại đầu tiên vào năm 2024. Tính tới hết năm 2021, mỏ Đại Hùng đã khai thác và xuất bán được hơn 30,34 triệu thùng dầu và 530 triệu m3 khí, đạt doanh thu xuất bán dầu khoảng hơn 3,3 tỷ USD, doanh thu xuất bán khí đạt khoảng 87,1 triệu USD. Nộp NSNN khoảng 449 triệu USD.
Song song với hoạt động sản xuất, mỏ Đại Hùng và mỏ Sông Đốc còn đóng vai trò bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, hỗ trợ y tế, cứu hộ cứu nạn đối với ngư dân đánh cá xa bờ, ngăn chặn tàu vi phạm hành lang an toàn mỏ.
Cùng với đó, PVEP POC luôn đẩy mạnh triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong Công ty. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, PVEP POC đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và hoạt động sản xuất của Công ty. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được chú trọng thông qua các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo, người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp ủng hộ các phong trào do Tập đoàn/TCT phát động, trồng cây… với tổng kinh phí giai đoạn 2011 – 2022 hơn 2,1 tỷ đồng.
PV: Là một trong những cán bộ chủ chốt đã trải qua nhiều vị trí công tác tại PVEP, ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm của bản thân, những dấu mốc khó quên trong sự nghiệp của mình với PVEP và ngành Dầu khí?
Ông Lê Đức Tuệ: Có thể nói rằng, bất kỳ một dự án nào cũng có khó khăn riêng, nhưng khi xử lý, vượt qua những khó khăn đó, chúng ta sẽ thấy rất tự hào về những việc mình đã làm được. Suốt mấy chục năm làm trong ngành Dầu khí là chừng ấy năm tôi đồng hành cùng PVEP với những kỷ niệm khó quên.
Ông Lê Đức Tuệ – GĐ PVEP POC trao đổi với cán bộ, NLĐ trên giàn Đại Hùng 01 |
Trong vai trò Trưởng ban Phát triển khai thác kiêm Chủ tịch PVEP Algeria, khi rà soát thiết kế sơ bộ (FEED), nhận định dự toán chi phí rất cao, nếu không có giải pháp thì với thiết kế đó, nếu đấu thầu EPCI giá cao sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của dự án, có thể phải dừng dự án. Khi đó, PVEP chủ động liên hệ với các đối tác thông qua công ty liên doanh tổ chức hội thảo, đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu thiết kế và thuyết phục các đối tác trong liên doanh chấp thuận (gồm PTTEP và Sonatrach). Ban đầu cuộc hội thảo rất căng thẳng vì các đối tác không đồng ý với ý kiến của PVEP, nhưng với sự kiên trì và giải thích có tính logic, thuyết phục việc tối ưu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong liên doanh, phía bạn đã đồng ý và tiến hành hiệu chỉnh FEED, cùng thiết kế tối ưu sau này khi đấu thầu EPCI cho kết quả giá phù hợp và dự án được triển khai đưa vào khai thác hiệu quả như hiện nay.
Đối với dự án Venezuela, có thể nói đây là dự án khổng lồ cả về trữ lượng, quy mô, công nghệ cao. Khi tôi được điều chuyển sang dự án (tháng 3 năm 2013) trong vai trò Tổng Giám đốc, dự án đang trong giai đoạn khó khăn. Tình hình chính trị tại Venezuela bất ổn, lạm phát tăng cao, dẫn đến chi phí tính theo tỷ giá của ngân hàng tăng theo (chúng tôi đóng cho công ty liên doanh số tiền rất lớn nhưng công việc không triển khai được nhiều), sản lượng khai thác không như kỳ vọng, nếu tiếp tục đầu tư trong giai đoạn này thì chi phí sẽ đội lên rất cao và dự án không hiệu quả. Vì vậy, Lãnh đạo Tập đoàn và Lãnh đạo PVEP đã họp rất nhiều lần để xem xét kế hoạch tiếp theo cho dự án và đi đến quyết định là giãn tiến độ dự án và dừng nộp tiền (tiền bonus lần 3 và phần đóng góp vào dự án).
Tuy nhiên, việc chậm nộp tiền dẫn tới một khó khăn vô cùng thách thức, đó là: Trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ quyền của bên A là “nếu bên B chậm nộp tiền thì bên A có quyền chuyển cổ phần của bên B cho bên A với số tiền tương ứng giá trị cần đóng góp”, với tình trạng như vậy mà phía bạn vẫn tiếp tục triển khai dự án mà ta không nộp tiền thì sẽ dẫn tới nguy cơ mất dự án. Tình hình cấp bách như vậy đòi hỏi cả hệ thống chính trị của chúng ta vào cuộc, thông qua các kênh ngoại giao từ Văn phòng Thủ tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn/PVEP liên tục có những chuyến thăm nhằm tác động từ chính phủ bạn chia sẻ, thấu hiểu khó khăn của chúng ta, thuyết phục bạn đồng ý việc tạm giãn tiến độ dự án. Kết quả, hai bên đã thống nhất tổ chức được cuộc họp liên chính phủ tại Hà Nội và thống nhất tạm dừng triển khai dự án.
Giàn Đại Hùng 01 |
Ngoài khó khăn trên, chúng tôi còn đối diện với nhiều vấn đề an ninh xã hội. Trong thời gian triển khai dự án đã có những vụ cướp xảy ra đối với CBNV (đột nhập vào nhà, trên đường đi làm, lúc đi siêu thị), mà tội phạm thường dùng vũ khí và manh động. Lúc đó, anh em quán triệt với nhau “nếu tình huống đó xảy ra thì luôn làm theo ý của chúng và không chống cự”. Rất may, bọn cướp chỉ lấy tài sản nên không NLĐ PVEP nào bị ảnh hưởng đến tính mạng.
Trong vai trò Giám đốc kiêm Chủ tịch PVEP POC từ năm 2018 đến nay, dù thời gian không phải là lâu nhưng tôi đã có những kỷ niệm rất khó quên. Đặc biệt là Chiến dịch biển năm 2020, khi phải đối phó với siêu bão Molave, phải đưa giàn đi dock về mỏ kết hợp hủy các giếng ngầm tại mỏ Đại Hùng, kết nối khai thác lại trong mùa gió chướng (monsoon) và đối phó đại dịch Covid-19.
Cơn bão năm đó di chuyển rất nhanh và mạnh. Trong 4 ngày hình thành và di chuyển từ ngoài khơi Philippines cho tới Quảng Ngãi, nơi giàn FPU-DH-01 đang neo đậu (từ 25/10-28/10/2020) đã mạnh lên tới cấp 17. Ngày 24/10, ngay khi có tin áp thấp, chúng tôi đã chuẩn bị các kế hoạch tránh và đối phó với cơn bão. Do diễn biến bão quá nhanh, các tàu được điều động từ Vũng Tàu ra kéo giàn không kịp và trên đường ra phải vào cảng Cam Ranh tránh bão. Vì vậy, ngay trong đêm ngày 26/10/2020, giải pháp cho giàn ngồi lên đáy (mắc cạn chủ động) được triển khai. Phải nói lúc đưa ra quyết định này rất khó khăn, mọi người ai cũng lo lắng dưới đáy có đá thì sẽ làm thủng đáy (tuy nhiên trước khi đưa ra kế hoạch, chúng tôi đã cho anh em đi khảo sát đáy biển khu vực dự kiến cho giàn ngồi). Tuy nhiên, chúng tôi không kịp kéo giàn đi bởi bão đến quá nhanh nên đã ra quyết định nhanh chóng là đưa giàn cách cảng 20-30m rồi cho giàn ngồi xuống đáy. 11h ngày 28/10, tâm bão đổ bộ, chúng tôi chỉ có thể theo dõi giàn từ camera bên cảng gửi về. Khi tâm bão đi qua, giàn không dịch chuyển khiến anh em chúng tôi có phần thở phào. Ngày 29/10, anh em ngay lập tức tiếp cận giàn để thực hiện các công việc cho giàn nổi lên trở lại, lúc này, những nỗi lo lắng liệu giàn có bị thủng đáy, có nổi lên được không vẫn không ngừng vơi. Chiều cùng ngày, khi rút nước từ trong pông-tông ra, giàn từ từ nổi lên. Từ thời điểm đó, anh em mới chính thức được thở phào nhẹ nhõm vì giàn đã an toàn. Ngay lập tức chúng tôi đã ra quyết định kéo giàn vào Vũng Tàu mặc dù khi đó chưa có chính xác vị trí giàn sẽ neo đậu vì thông tin bão số 10 đang hình thành và sẽ đi vào khu vực miền Trung lần nữa.
Kết nối giàn đưa vào khai thác trong mùa gió chướng cũng là một trong những kỷ niệm để lại ấn tượng khó quên trong tôi. Phải nói rằng đây là công việc thành công ngoài mong đợi, sau khi xem lại lịch sử thời tiết mùa gió chướng những năm trước đó thấy rằng, trong mùa gió chướng sẽ có những cửa sổ thời tiết cho phép kết nối, tuy không liên tục mà chỉ xuất hiện một vài giờ trong ngày. Khi đó chúng tôi thống nhất lên kế hoạch kéo giàn ra kết nối dù còn nhiều ý kiến khác lo ngại. Sau khi xem xét và lên kế hoạch chi tiết cho từng trường hợp, từng khu vực của giàn (sóng 2m thì làm khu vực nào 3m thì làm khu vực nào, và luôn đưa công tác an toàn lên làm đầu), tất cả các kịch bản được đưa ra bàn luận và phân tích, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận khi triển khai thực hiện với mục tiêu của công tác kết nối phải đảm bảo an toàn, đảm bảo kết nối giàn thành công, đưa giàn khai thác trở lại.
Kế hoạch chi tiết đã lên, cùng với bản dự báo thời tiết 15 ngày kế tiếp, chúng tôi nhận thấy có cơ hội và ngày 19/11/2020 bắt đầu kéo giàn ra mỏ, ngày 21/11/2020 bắt đầu chiến dịch kết nối.
Trong quá trình kết nối, các công việc đôi khi phải gián đoạn do thời tiết không cho phép, có những lúc tưởng chừng phải bỏ giữa chừng (ROV không hoạt động, gió lớn cẩu không hỗ trợ được, hệ thống định vị trên tàu dịch vụ mất kiểm soát, kẹt xích neo…). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng sự quyết tâm của toàn bộ CBNV trong công ty, nhất là anh em làm việc trực tiếp trên giàn cùng sự chuẩn bị, lập kế hoạch chi tiết nên công tác kết nối đã thành công. Ngày 2/12/2020, giàn được đưa vào khai thác trở lại, kết thúc một chuỗi các dự án (kéo giàn, đi dock, hủy giếng và kết nối lại) đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào của một tập thể đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm. Đây phải nói là một kỳ tích lịch sử về lắp đặt công trình biển mùa gió chướng ở Việt Nam cho tới thời điểm này.
Mới đây, cuối tháng 3/2022, một cán bộ của nhà thầu từ giàn DH-01 sau khi về bờ 2 ngày bị nhiễm Covid-19, chúng tôi đã tiến hành test nhanh cho toàn bộ CBCNV trên giàn và kết quả có 34/53 người bị nhiễm, một con số khủng khiếp tại thời điểm đó. Sau một phút bàng hoàng, chúng tôi trấn tĩnh lại và Ban chỉ đạo chống Covid-19 của Công ty thống nhất phải ưu tiên đảm bảo an toàn, tính mạng con người; cùng với đó là duy trì sản xuất không bị gián đoạn hoặc tạm dừng tối thiểu. Ngay khi đó, chúng tôi bố trí chuyến bay đưa người từ giàn về bờ, bố trí phương tiện đưa anh em về địa phương cách ly, mặt khác, sắp xếp đội ngũ CBNV tối thiểu đủ các bộ phận để vận hành giàn được triệu tập cách ly sẵn sàng trong bờ, đề phòng tình huống phải đưa tất cả CBCNV bị nhiễm ngoài giàn về, chúng tôi sẽ đưa đội ngũ này ra thay thế. Rất may mắn, sau 10 ngày, tình hình dịch tại giàn được kiểm soát. Sau 14 ngày trở lại trạng thái Zero Covid. Toàn bộ CBNV mắc Covid-19 đã phục hồi, không có di chứng, đồng thời công tác sản xuất được đảm bảo liên tục, không bị gián đoạn.
PV: Từ những trải nghiệm của bản thân đối với công việc tại PVEP và ngành Dầu khí, xin ông chia sẻ về những điều mà bản thân ông đang hướng tới cũng như những mong muốn với các đồng nghiệp, cộng sự đóng góp cho sự phát triển bền vững của PVEP, PVEP POC và ngành Dầu khí?
Ông Lê Đức Tuệ: Ngày nay, thế giới đang có xu hướng tới tìm nguồn năng lượng sạch, xanh để thay thế năng lượng hóa thạch và ngành Dầu khí của chúng ta cũng không nằm ngoài xu hướng đó, tuy nhiên để có thể thay thế hoàn toàn thì chúng ta cần có lộ trình và thời gian. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn phải duy trì khai thác và phát triển các mỏ dầu khí, hơn nữa các mỏ dầu khí lớn đã được chúng ta phát hiện, chỉ còn các mỏ nhỏ và khai thác tận thu các mỏ hiện hữu. Vì vậy, tôi cho rằng ưu tiên việc tiếp tục duy trì khai thác hiệu quả các mỏ hiện hữu, tiếp đó là nghiên cứu khả năng phát triển khai thác các mỏ nhỏ, cận biên (vấn đề này đã được đề cập từ rất lâu nhưng triển khai còn khó khăn, hy vọng sau khi Luật Dầu khí được sửa đổi, chúng tôi sẽ thực hiện được). Một vấn đề khác quan trọng không kém là đào tạo phát triển nguồn nhân lực kế cận để tiếp bước các thế hệ tiền bối đi trước, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn và Tổng Công ty PVEP trong tương lai.
Đối với các đồng nghiệp trẻ, tôi mong muốn các bạn luôn có đam mê và tâm huyết với nghề mình đã chọn. Khi kiên trì, cố gắng, làm việc với tinh thần nhiệt huyết, thành công sẽ đến với các bạn!
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
P.V