Vừa qua, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trúng cử Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới tại Đại hội lần thứ 18 của Liên hiệp Công đoàn Thế giới.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (trái) bỏ phiếu tại Đại hội lần thứ 18 của Liên hiệp Công đoàn Thế giới. Ảnh: T.L.Đ
Sau khi Đại hội thành công tốt đẹp, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết: Đại hội lần thứ 18 của Liên hiệp Công đoàn Thế giới đã được tổ chức trong các ngày từ 6-8.5.2022 tại thủ đô Roma, Italia, với sự hỗ trợ tích cực và nhiệt tình của Tổng Công đoàn Cơ sở Italia.
Đại hội có 435 đại biểu chính thức được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị, Nghị quyết, bầu ra ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2022-2026 có 61 đồng chí gồm Hội đồng Chủ tịch, Ban Thư ký, Ủy ban Kiểm tra Tài chính. Tại Hội nghị lần thứ nhất sau khi trúng cử, Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới đã họp và bầu các vị trí lãnh đạo gồm đồng chí Chủ tịch, 16 Phó Chủ tịch, 1 đồng chí Tổng Thư ký, 5 Phó Tổng Thư ký, 6 Ủy viên Ban Thư ký.
– Nội dung được thảo luận tại Đại hội lần này có gì đáng quan tâm, thưa đồng chí Chủ tịch?
Tại Đại hội, một số vấn đề lớn đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới được nhấn mạnh. Đó là:
– Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đang âm ỉ từ hơn một thập kỷ vừa qua, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc.
– Cạnh tranh giữa các nước lớn trong các vấn đề thương mại, quân sự và tầm ảnh hưởng, xung đột vũ trang tại nhiều khu vực tác động mạnh mẽ đến đời sống, việc làm và sự an toàn của công nhân, lao động; tạo nên những làn sóng di cư khổng lồ và những cuộc khủng hoảng nhân đạo trong suốt thời gian qua. Phong trào công đoàn và các lực lượng tiến bộ tiếp tục lên án và phản đối chiến tranh, phản đối chạy đua vũ trang, chống phân biệt chủng tộc, bài ngoại và chủ nghĩa phát xít mới; hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tiến bộ và công bằng xã hội.
– Mâu thuẫn giữa tư bản và giai cấp công nhân ngày càng sâu sắc và phức tạp trong bối cảnh các quyền của người lao động, hệ thống an sinh xã hội, vốn là thành quả của đấu tranh xã hội qua nhiều thập kỷ, đang bị xói mòn nghiêm trọng. Mâu thuẫn này càng thể hiện rõ hơn trong 2 năm đại dịch, khi hàng trăm triệu người lao động mất việc làm hoặc việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19 thì cùng thời gian này, 10 người giàu nhất thế giới đã gia tăng tài sản lên gấp đôi, hàng loạt tập đoàn đa quốc gia ghi nhận lợi nhuận nhiều lên so với trước đại dịch. Quá trình tư nhân hóa làm cho việc tiếp cận dịch vụ công cộng của người lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là trong đại dịch.
– Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là hướng đi đúng đắn của các lực lượng tiến bộ, đặc biệt là phong trào công đoàn mang tính giai cấp như Liên hiệp Công đoàn thế giới, là giải pháp để khắc phục những khủng hoảng hệ thống mà chủ nghĩa tư bản tạo ra. Để hướng tới mục tiêu này, tổ chức Công đoàn cần có những hành động cụ thể và gắn với cơ sở để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đoàn viên, người lao động, bảo đảm các quyền tại nơi làm việc với thu nhập thỏa đáng, ổn định. Đồng thời, về dài hạn, phong trào công đoàn mang tính giai cấp cần tích cực đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng đoàn viên và cán bộ công đoàn trẻ về chủ nghĩa Mác – Lênin, sứ mệnh của giai cấp công nhân cũng như vai trò của tổ chức Công đoàn nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công một xã hội không còn sự bóc lột.
– Xin đồng chí Chủ tịch cho biết quan điểm và phương hướng của tổ chức Công đoàn Việt Nam về những nội dung đó?
Qua Đại hội, Công đoàn Việt Nam nhận thấy rõ những khó khăn, thách thức đối với phong trào lao động và công nhân thế giới trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, chúng ta cũng khẳng định bản chất ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản; sự ủng hộ tuyệt đối của Đảng, Nhà nước đối với lợi ích của giai cấp công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã giúp cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo vệ và nâng cao, an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, điều kiện làm việc được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta không nằm ngoài những thách thức mang tính toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiêp 4.0, hay những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy những vấn đề về việc làm, hình thức việc làm đang thay đổi mà công đoàn các nước đang phải trải qua là những bài học quý giá cho Việt Nam nghiên cứu, có những bước chuẩn bị để tránh hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực cho đoàn viên, người lao động ở Việt Nam.
Công đoàn Việt Nam cũng rất ủng hộ quan điểm của Liên hiệp Công đoàn thế giới về việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng cán bộ công đoàn và người lao động trẻ, xây dựng một thế hệ thủ lĩnh công đoàn tương lai có trình độ, nhận thức chính trị. Đồng thời, cán bộ công đoàn cũng phải gắn với cơ sở, nỗ lực để có được sự ủng hộ của đoàn viên, người lao động. Chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển lực lượng lãnh đạo công đoàn là cán bộ trẻ và cán bộ nữ.
Công đoàn Việt Nam cũng sẽ tiếp tục góp phần vào những nỗ lực của phong trào công đoàn và nhân dân, lao động tiến bộ trên thế giới nhằm xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
Theo laodong.vn