09/05/2022 9:53:21

Cần có chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH để tạo “đà” cho người tham gia

Để mở rộng diện bao phủ BHXH toàn dân, BHXH các tỉnh, thành phố cần có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện.

Cần có chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH để tạo “đà” cho người tham gia

Ảnh minh họa

Đó là ý kiến của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân – Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình” ngày 8/5.

Lễ ra quân được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố.

BHXH Việt Nam và Bưu điện Việt Nam tổ chức gần 700 đội truyền thông lưu động bằng phương tiện ô tô, xe máy tại điểm cầu Trung ương cùng điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và tại các quận, huyện, thị xã (gọi chung là cấp huyện) trên phạm vi toàn quốc.

Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội – điểm tựa của bạn và gia đình”, lễ ra quân năm nay tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đồng thời, việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022 thì mức lương hưu cũng sẽ tăng tương ứng; những thiệt thòi khi lựa chọn nhận BHXH một lần….

Phát biểu phát động lễ ra quân, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, BHXH, BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia nhằm đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta. Những năm qua, việc triển khai những chính sách này đã có nhiều kết quả tích cực.

Điển hình, độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng. Tính đến hết ngày 30/4/2022, số người tham gia BHXH đạt trên 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHYT trên 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị, BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần. Qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài nhằm phát triển nhanh và duy trì bền vững người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Đáng chú ý, để hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác BHXH, BHYT với lộ trình, giải pháp cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện.

Chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam áp dụng từ năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Hiện nay, sau 13 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,3 triệu người tham gia. Tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,7% số người trong độ tuổi lao động, chủ yếu là nông dân và lao động khu vực phi chính thức.

Về mức hỗ trợ BHXH tự nguyện, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh thành trích thêm kinh phí từ ngân sách để bù đắp, hỗ trợ lao động tham gia. Cụ thể, với 3 mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện mức hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện rất thấp. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo, mức hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH hằng tháng theo khu vực nông thôn, tương ứng 99.000 đồng/tháng; người thuộc hộ cận nghèo 25%, tương ứng 82.500 đồng/tháng; hỗ trợ nhóm khác 10%, tương ứng 33.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ này sẽ khó thu hút người lao động đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, BHYT khi về già.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành chính sách hỗ trợ là cần thiết, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách trong chi trả trợ cấp xã hội, BHYT hằng tháng cho người không có lương hưu.

T.H