Tháng Công nhân không chỉ là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động mà còn là dịp để tuyên truyền về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm thực hiện khát vọng đất nước hùng cường. Để hiểu rõ về ý nghĩa và hoạt động cụ thể trong Tháng Công nhân năm 2022, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phóng viên: Được biết Tháng Công nhân năm 2022 có chủ đề “Công nhân Việt Nam: Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”, vậy xin ông cho biết rõ hơn ý nghĩa về chủ đề này cũng như các hoạt động trong Tháng Công nhân năm nay có điểm gì khác biệt hơn so với những năm trước?
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. |
Ông Ngọ Duy Hiểu: Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa tập trung khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam định hướng các cấp Công đoàn tập trung vào 10 hoạt động lớn để các địa phương, các ngành, và từng Công đoàn cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị mình để tổ chức.
Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn tập trung chủ yếu vào: Thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, chăm lo cho người lao động về việc làm và thu nhập; tạo nên sự quan tâm của cả xã hội, nhất là hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, đóng góp của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới; đặc biệt một trong những nội dung được chú trọng triển khai là tham mưu để lãnh đạo chính quyền tổ chức gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) để kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của CNLĐ, nhất là những khó khăn được dồn nén trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra vừa qua.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cấp Công đoàn triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, qua đó cùng chung tay, góp sức vào quyết tâm khôi phục, phát triển kinh tế của Chính phủ. Tháng Công nhân cũng là dịp để tuyên truyền, khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn; khẳng định hình ảnh của người công nhân Việt Nam trong thời đại mới, đó là những người thực sự tiên phong, trách nhiệm, sáng tạo, đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện khát vọng dân tộc.
Về các hoạt động trong Tháng Công nhân năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã định hướng các Công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động theo hướng mở, tùy vào điều kiện, đặc điểm, tình hình của đơn vị. Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, các đơn vị có thể tổ chức hoạt động đông người, để sự hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ đến được với từng đoàn viên, người lao động; hoặc có thể lựa chọn hình thức tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến…
Và điều đặc biệt trong Tháng Công nhân năm nay, đó là vào cuối tháng 5/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chính thức khởi động Chương trình giải trí truyền hình “Giờ thứ 9+”. Chúng tôi xác định đây vừa là diễn đàn giúp chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động; vừa là loại hình giải trí, vừa là diễn đàn để tuyên truyền các chế độ, chính sách pháp luật đến với đoàn viên, người lao động gần gũi, dễ dàng, thuận lợi hơn.
Phóng viên: Thưa ông, một trong những điểm nhấn trong Tháng Công nhân năm 2022 là Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, xin ông cho biết rõ hơn về chương trình này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Được triển khai trong 2 năm (2022-2023), Chương trình được phát động đúng vào thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế. Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn thông qua Chương trình nhằm khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam, cộng khổ của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Chương trình cũng là dịp để mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có cơ hội thể hiện tinh thần thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, đó là đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác. Đồng thời là ý chí, tình cảm của đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.
Chúng tôi kỳ vọng, thông qua Chương trình, công nhân, viên chức, lao động xác định và hiểu được rằng, mỗi sáng kiến, sáng tạo của mình được phát huy không chỉ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước mà đồng thời cũng là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho bản thân và cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tặng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động năm 2021. |
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động Tháng Công nhân của tổ chức Công đoàn Thủ đô? Theo ông, Công đoàn Thủ đô cần tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội đã phối hợp với tổ chức Công đoàn triển khai ấn tượng và hiệu quả các hoạt động của Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm rất khốc liệt, song các cấp Công đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, phong phú, bài bản, thiết thực, hiệu quả chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát cơ bản, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, với tinh thần Ngày Quốc tế Lao động, tôi mong muốn các cấp Công đoàn Thủ đô cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử, đóng góp của công nhân lao động và giai cấp công nhân trong cách mạng, đặc biệt cho hơn 35 năm đổi mới của đất nước.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền về Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, gắn liền với triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động để đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững và an toàn, thu nhập ngày càng cao. Các cấp Công đoàn Thủ đô cần triển khai các hoạt động trong Tháng Công nhân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng khi lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân, đó là dịp để Công đoàn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đặc biệt quan tâm đến những công nhân bị tai nạn lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19…
Tổ chức Công đoàn cũng cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn, người sử dụng lao động triển khai các hoạt động thể hiện quan tâm, hỗ trợ người lao động; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công nhân, người lao động, cán bộ Công đoàn để kịp thời giải quyết bức xúc, tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”; vận động công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tích cực triển khai, để thông qua đó, người lao động có cơ hội phát huy sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.
Theo laodongthudo.vn