I. Căn cứ xây dựng chương trình:
– Căn cứ Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dầu khí Việt Nam (Nhiệm kỳ 2013-2018);
– Căn cứ mục tiêu chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến 2015 và định hướng phát triển đến 2025;
– Căn cứ chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam, ban hành hành kèm theo Quyết định số: 527/QĐ-CĐDK ngày 16/7/2013;
– Căn cứ Quy chế thi đua khen thưởng số 777/2004/QC- TLĐ, ngày 26/05/2004 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
– Căn cứ kế hoạch triển khai các công trình dự án trọng điểm của Tập đoàn, các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tình hình thực hiện của các dự án.
II. Mục đích, yêu cầu:
Nhằm đẩy mạnh và cụ thể hóa các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong đội ngũ đoàn viên và người lao động; Tăng cường và đẩy mạnh phong trào thi đua trên các dự án, công trình trọng điểm để đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Chương trình hoạt động cần bám sát Nghị quyết Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam khóa V, Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và mục tiêu chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với điều kiện tình hình đặc điểm hoạt động của ngành, của từng đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể.
1. Đối với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo:
– Phát động thi đua nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động.
– Phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, đi đôi với việc xây dựng Văn hóa Dầu khí.
– Bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ đoàn viên, người lao động, phấn đấu trong tập thể có ít nhất 30% cá nhân lao động giỏi.
– Tổng kết nhân rộng phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” ở cấp đơn vị mỗi năm một lần và cấp toàn ngành 5 năm từ 1 đến 2 lần tùy theo điều kiện và yêu cầu thực tế.
– Tổ chức tôn vinh người lao động giỏi hàng năm vào Tháng Công nhân.
– Tổ chức tôn vinh cán bộ công đoàn tiêu biểu 5 năm ít nhất hai lần.
2. Đối với phong trào thi đua trên các dự án công trình trọng điểm:
– Phát động phong trào thi đua mạnh mẽ trên các công trình dự án trọng điểm của ngành và các đơn vị nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.
– Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục xây dựng Văn hóa Dầu khí, mục tiêu sau mỗi công trình, xây dựng được đội ngũ người lao động nâng cao về phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, dám đương đầu với thách thức, dám chịu trách nhiệm mang đậm nét Văn hóa Dầu khí.
– Thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất, chống lãng phí, tăng năng suất lao động.
– Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để phát huy các nguồn lực thi công trên công trình, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, chung sức chung lòng để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra.
– Tăng cường công tác giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình quy phạm về an toàn và tiêu chuẩn chất lượng.
– Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ người lao động, chăm lo công tác an sinh xã hội trên các công trình trọng điểm, góp phần xây dựng đội ngũ người lao động mới trong ngành Dầu khí và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 – 2012).
III. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu:
1. Đối với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tại các đơn vị:
– Kiện toàn các Hội đồng thi đua, Hội đồng khoa học các đơn vị để đáp ứng kịp thời các phong trào thi đua, cũng như xem xét các giải pháp, sáng kiến, sáng chế, hợp lý hóa sản xuất, kịp thời động viên người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua, phong trào lao động sáng tạo.
– Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua 5 năm ít nhất 02 lần với mục tiêu chuyên môn hóa nghiệp vụ thi đua, rà soát củng cố các tiêu chí thi đua cũng như quy chế về thi đua, quy chế về xét duyệt lao động sáng tạo. Xây dựng các quy trình xem xét, xét duyệt trong lao động sáng tạo, quy trình hàng năm về đăng ký thi đua, phát động thi đua, tổng kết đánh giá, tổng kết thi đua hàng năm của các đơn vị.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng và biểu dương các gương lao động điển hình tiên tiến; các gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong từng đơn vị và trong toàn ngành.
2. Đối với phong trào thi đua trên các công trình, dự án trọng điểm:
– Kiện toàn các Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Hội đồng thi đua cơ sở trên tất cả các công trình dự án do Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động thi đua.
– Xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết hằng năm trên các công trình dự án, cần được xây dựng thành kế hoạch ngay từ đầu năm, đăng ký với Công đoàn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
– Chỉ đạo công đoàn đơn vị kết hợp với chuyên môn cùng cấp tổ chức giao ước thi đua với tất cả các đơn vị tham gia trên công trình, giao ước thi đua giữa những người lao động với tổ chức Công đoàn và với Liên đoàn Lao động địa phương.
– Tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đội ngũ đoàn viên, người lao động trên các công trình dự án;
– Đánh giá sơ kết, tổng kết, khen thưởng theo từng giai đoạn của dự án đồng thời đúc rút bài học kinh nghiệm sau mỗi phong trào thi đua.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Ban Chính sách – Pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam làm đầu mối xây dựng nội dung và kế hoạch cụ thể hàng năm, trình thường trực phê duyệt.
2. Công đoàn các cấp căn cứ nội dung trên và hướng dẫn hàng năm của Công đoàn Dầu khí Việt Nam, bám sát tình hình thực tế của đơn vị để tổ chức thực hiện chương trình.
3. Ban chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình này vào kỳ họp Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ và tổng kết đánh giá vào cuối nhiệm kỳ V (2013-2018).