Cán bộ công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với kết quả hoạt động của Công đoàn các cấp trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bởi thực tế “cán bộ nào thì phong trào ấy”. Để hoạt động của Công đoàn các cấp trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thật sự có hiệu quả, thiết thực và tương xứng với vị thế của Tập đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam khoá V ban hành chương trình công tác “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp” nhiệm kỳ 2013 – 2018 và triển khai ở tất cả các cấp Công đoàn trong ngành Dầu khí Việt Nam.
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Căn cứ vào Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; trong đó nhấn mạnh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
2. Căn cứ vào các văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về công tác cán bộ.
3. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội lần thứ V Công đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2013 – 2018.
4. Căn cứ vào Chương trình hoạt động toàn khoá của Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2013 – 2018.
II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
– Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và tính thiết thực trong hoạt động của Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các Công đoàn trực thuộc.
– Xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn có tâm, tầm, tài, uy tín đối với đoàn viên công đoàn và người lao động.
2. Yêu cầu
– Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tất cả các cấp Công đoàn trong Tập đoàn đồng thời là trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ công đoàn.
– Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cần phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên và có hiệu quả.
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp được triển khai bằng 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa tổ chức Công đoàn với Tập đoàn và các đơn vị.
– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và của Đảng uỷ các đơn vị để công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn đạt chất lượng tốt nhất.
– Tuyên truyền để Lãnh đạo Tập đoàn và Lãnh đạo các đơn vị hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn nói chung và đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn các cấp hoạt động.
– Xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam với Tổng giám đốc Tập đoàn, giữa Ban Chấp hành các Công đoàn trực thuộc với Lãnh đạo chuyên môn đồng cấp để tạo cơ sở “pháp lý” thuận lợi cho cán bộ công đoàn nói chung và cán bộ công đoàn chuyên trách nói riêng hoạt động.
– Tạo điều kiện để cán bộ công đoàn các cấp nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và đơn vị để có thể đại diện tham gia quản lý đơn vị và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một cách có hiệu quả.
– Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, môi trường làm việc lành mạnh để tạo dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong đội ngũ người lao động nói chung và trong đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng.
– Bố trí cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ công đoàn để họ có đủ điều kiện phát huy hết khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
– Bảo đảm các chế độ về lương chức danh, các quyền lợi từ quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng, chính sách nhân viên cho cán bộ công đoàn chuyên trách như đối với cán bộ làm công tác chuyên môn.
2. Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ công đoàn các cấp
– Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ công đoàn để có tính chuẩn mực, khách quan là cơ sở để xem xét đánh giá, lựa chọn, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ công đoàn.
– Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp uỷ Đảng uỷ, Công đoàn các cấp xây dựng tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ công đoàn phù hợp với cấp mình quản lý.
– Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ công đoàn ở tất cả các vị trí như: Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn các cấp; Trưởng ban, Phó trưởng các ban chuyên môn của Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các Công đoàn trực thuộc.
3. Nâng cao chất lượng lựa chọn, tuyển dụng cán bộ công đoàn đồng thời quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, phù hợp với sở trường, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ
– Lựa chọn, tuyển dụng những người phù hợp với tiêu chuẩn cán bộ công đoàn đã được xây dựng, có tâm huyết với tổ chức Công đoàn và có kinh nghiệm công tác.
– Thực hiện công tác quy hoạch cán bộ công đoàn một cách thường xuyên và có chất lượng theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ và đảm bảo đúng quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ; mạnh dạn bổ sung những cán bộ “có đức có tài”, có trình độ lý luận, năng lực chuyên môn, có tâm huyết, cán bộ trẻ đã được rèn luyện, thử thách, được đào tạo và có đủ tiêu chuẩn vào chức danh lãnh đạo của tổ chức Công đoàn.
– Bố trí, sử dụng cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách một cách hợp lý, phù hợp với sở trường, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ và phải đảm bảo tiêu chuẩn đã đề ra.
– Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch nữ cán bộ công đoàn, cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn các cấp và các chức danh lãnh đạo khoảng 30% trở lên.
4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ công đoàn
– Kinh phí: Hàng năm, các cấp Công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải dành ra 15% kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn nói chung và cán bộ công đoàn chuyên trách nói riêng theo Nghị quyết 4a/NQ – TLĐ ngày 04/3/2000 của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X.
– Nội dung: đào tạo, bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn, chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, trình độ lý luận chính trị, kiến thức kinh tế, quản lý…
– Hình thức: tuỳ tình hình cụ thể của đơn vị và tuỳ vào từng đối tượng cán bộ công đoàn để tổ chức hoặc tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn được học tập trung, học dài hạn hoặc ngắn hạn, bồi dưỡng ngắn ngày…
– Mỗi cán bộ công đoàn cần nâng cao trách nhiệm, ý thức chủ động trong việc tự học tập, trau dồi nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu công tác.
5. Bảo đảm công tâm, công bằng, chính xác, khách quan, toàn diện và đúng quy trình trong nhận xét, đánh giá đội ngũ cán bộ công đoàn
– Việc đánh giá cán bộ công đoàn phải đảm bảo khách quan, toàn diện; không được định kiến và đánh giá cán bộ hời hợt, chủ quan cảm tính mà phải đặt họ vào những quan hệ công tác và môi trường hoạt động đa diện, nhiều chiều để xem xét đánh giá.
– Đánh giá cán bộ công đoàn phải lấy tiêu chuẩn và hiệu quả công tác làm thước đo, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, trên cơ sở thực hiện tự phê bình và phê bình.
– Đánh giá cán bộ công đoàn phải được thực hiện theo đúng quy định: định kỳ hàng năm; trước khi hết nhiệm kỳ; trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử; điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật.
– Thực hiện công khai đối với cán bộ công đoàn được đánh giá để họ tự điều chỉnh mình theo chiều hướng phát huy những ưu điểm và sửa chữa các khuyết điểm, hạn chế.
6. Động viên, khen thưởng kịp thời và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách có thời gian cống hiến lâu năm hoặc có nhiều thành tích, đóng góp cho tổ chức Công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
– Công đoàn các cấp động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ công đoàn có thành tích trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn với các hình thức khác nhau phù hợp với thực tế.
– Tạo điều kiện để cán bộ công đoàn có thời gian cống hiến lâu năm hoặc có nhiều thành tích, đóng góp cho tổ chức Công đoàn được học tập để vừa nâng cao trình độ vừa hoàn thiện theo tiêu chuẩn cán bộ.
– Ngoài việc khen thưởng bằng hiện vật, cần có sự động viên về tinh thần đối với cán bộ công đoàn có thành tích một cách công khai trước tập thể, trước đồng nghiệp để cổ vũ người cán bộ công đoàn tiếp tục phấn đấu vươn lên.
7. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ công đoàn
– Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đối với cán bộ công đoàn phải được tiến hành thường xuyên và từ nhiều phía: từ cấp uỷ Đảng, Lãnh đạo đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn, Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn; đồng nghiệp, đoàn viên công đoàn và người lao động thực hiện giám sát cán bộ công đoàn.
– Việc quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm mục đích đôn đốc, nhắc nhở kịp thời nếu cán bộ công đoàn có những biểu hiện không tốt từ phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, lối sống đến tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ, công việc được giao.
IV. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CỤ THỂ NHIỆM KỲ 2013 – 2018
1. Xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam với Tổng giám đốc Tập đoàn và triển khai trong tất cả các cấp Công đoàn, đơn vị.
2. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch 1939/NQLT – DKVN ngày 11/3/2010 giữa Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên), Tổng giám đốc Tập đoàn và Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam về định biên, chế độ tiền lương, thưởng đối với cán bộ chuyên trách công tác công đoàn trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
3. Quy hoạch chức danh Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng ban, Phó trưởng các ban Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các chức danh chủ chốt của các Công đoàn trực thuộc nhiệm kỳ 2018 – 2023. Tiến hành rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung danh sách những người đủ tiêu chuẩn quy hoạch.
4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ trong quy hoạch; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn trong ngành theo từng lĩnh vực, nội dung của các ban chuyên đề Công đoàn Dầu khí VN; tổ chức 2 lớp Lý luận và Nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở khu vực Hà Nội và Vũng Tàu; tổ chức tập huấn Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI và Hướng dẫn thi hành Điều lệ.
5. Kiện toàn các ban Công đoàn Dầu khí Việt Nam và bộ máy chuyên trách Công đoàn các công đoàn trực thuộc; bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ công đoàn phù hợp với năng lực, sở trường của từng người.
6. Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ công đoàn các cấp. Tiến hành công tác đánh giá, nhận xét cán bộ công đoàn hàng năm để làm căn cứ tiếp tục quy hoạch vào các chức danh chủ chốt.
7. Tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá về đội ngũ cán bộ, công tác tổ chức trước khi tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ 2013 – 2018.
8. Hoàn thiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trong Tập đoàn kinh tế”.
9. Tổ chức Hội thi “Cán bộ công đoàn giỏi”, “Chủ tịch công đoàn cơ sở giỏi” và tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
10. Tổ chức tọa đàm với các Công đoàn trong Bộ Công thương về mô hình tổ chức, hoạt động công đoàn trong tập đoàn kinh tế.
11. Khen thưởng, động viên kịp thời những cán bộ công đoàn có thành tích hoạt động trong năm và trong từng giai đoạn; tổng hợp và đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho các cán bộ công đoàn có đủ thời gian công tác công đoàn theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Công đoàn trực thuộc căn cứ vào Chương trình công tác “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp” của Ban Chấp hành Công đoàn Dầu khí Việt Nam khoá V, nhiệm kỳ 2013 – 2018 để cụ thể hoá Chương trình và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
2. Ban Tổ chức Công đoàn Dầu khí Việt Nam làm đầu mối và phối hợp với các ban Công đoàn Dầu khí Việt Nam để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, Chương trình có thể được Ban Chấp hành bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.