Sau 2 phiên thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 và 2023 là 6%, áp dụng từ 1.7.2022 để tư vấn, đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu. Để hiểu rõ hơn về lý do chọn mức tăng và thời điểm tăng lương nói trên, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Trưởng nhóm thương lượng của Công đoàn Việt Nam – tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Trưởng nhóm thương lượng của Công đoàn Việt Nam tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Ảnh: L.H
Tăng lương – chi phí đầu tư tạo nên lợi nhuận mới
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trước khi ngồi vào bàn đàm phán tiền lương, Tổng LĐLĐVN đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến người lao động và doanh nghiệp. Khoảng 70% doanh nghiệp đồng ý tăng lương trong năm 2022; hầu hết đều đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 10% – 12%.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của tất cả các bên và tình hình thực tế của các doanh nghiệp, với tinh thần chia sẻ, Tổng LĐLĐVN đã họp và thống nhất, đề xuất mức tăng lương từ 7% đến gần 9%.
“Tại phiên thứ nhất, giới chủ đề xuất chưa tăng lương, chúng tôi đã giảm đề xuất tăng còn hơn 7 – 8%. Với mức đề xuất này chúng tôi cũng chưa thực sự hài lòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các bên đều khó khăn thì mức đề xuất này là phù hợp, xây dựng một quan hệ lao động thực sự hài hòa, ổn định, tiến bộ. Mức lương này giải quyết khó khăn gì cho người lao động thì thời gian sẽ là câu trả lời. Với tình hình giá cả tăng cao, hơn 1,5 năm người lao động chưa được tăng lương thì đây là một con số khiêm tốn. Tuy nhiên “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chắc chắn đây cũng là đề xuất động viên người lao động, khiến họ an tâm tiếp tục làm việc” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chia sẻ về những khó khăn trong phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa qua. Theo đó, khó khăn thứ nhất, tại phiên họp chưa công bố được mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII.
“Ví dụ tiền nhà khoảng 300.000 – 400.000 đồng/tháng tùy địa bàn, nhưng thực tế bình quân tiền nhà của người lao động khoảng 600.000 – 700.000 đồng/tháng. Vừa qua, Chính phủ quyết định hỗ trợ tiền nhà cho NLĐ với mức 500.000 đồng. Như vậy, không có căn cứ đầy đủ, thuyết phục khẳng định mức sống tối thiểu trong khi mức sống tối thiểu là căn cứ để quyết định mức lương tối thiểu” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chia sẻ.
Thứ hai, năm nay, khi đàm phán, cả NLĐ và doanh nghiệp đều trong tình trạng rất khó khăn. Tuy nhiên, không vì bên nào khó khăn mà không tăng lương. Thông thường, đối tượng càng nghèo thì trong khủng hoảng họ càng tổn thương nhanh nhất, lớn nhất. Sự chia sẻ lúc này trở thành tinh thần chủ động để tiếp cận đàm phán lương.
“Chúng tôi hiểu rằng tăng lương sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Song, ở Việt Nam, chúng ta chứng kiến doanh nghiệp trả lương cao, xứng đáng cho NLĐ thì NLĐ sẽ làm việc với tác phong và chất lượng khác. Doanh nghiệp tăng lương là bỏ ra một chi phí nhất định. Nhưng chi phí này chính là để đầu tư, tạo nên lợi nhuận mới. Khi NLĐ có lương cao hơn thì chắc chắn họ sẽ có thêm động lực để làm việc nhất là khi họ đang trong tình trạng gặp khó như hiện tại” – ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.
Không thể “lỗi hẹn”
Về việc 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng từ 1.1.2023 thay vì 1.7 tới như đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng vẫn cần thiết phải lắng nghe kiến nghị của các hiệp hội. Tuy nhiên, các hiệp hội cũng không nên quên những khó khăn của NLĐ và cần phải chia sẻ với người lao động.
“Khi về các khu nhà trọ để khảo sát, chúng tôi nhận thấy NLĐ những năm qua phải trải qua một cuộc trường chinh vượt khó. Hình ảnh hàng đoàn người xếp hàng từ 4h sáng để rút BHXH một lần – sự lựa chọn theo tôi là hết sức mạo hiểm đối với an sinh lâu dài của họ. Nhưng họ vẫn chọn vì đó là chuyện “cực chẳng đã” khi quá khó khăn.
Dịch bệnh khiến nhà máy đóng cửa, công nhân lao động không có việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống buộc họ phải đi vay mượn. Những lúc này nếu không quan tâm họ thì thực sự đáng trách. Tổ chức Công đoàn đã tổ chức rất nhiều chương trình đồng hành cả với Chính phủ, doanh nghiệp và với NLĐ. Điều đáng mừng là Chính phủ vẫn tiếp tục có những chính sách đồng hành với NLĐ. Tôi tin rằng những khó khăn của NLĐ vẫn đang được chia sẻ, bù đắp bằng việc nâng mức lương tối thiểu” – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khẳng định.
Khi NLĐ đã chia sẻ khó khăn thì phía người sử dụng lao động phải khích lệ, động viên NLĐ. Cả hai bên cần phải nắm tay nhau để vượt qua. Đây là truyền thống “khoan thư sức dân” đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Cùng một lúc chúng ta phải làm hai nhiệm vụ là tiếp tục phòng chống dịch và bước sang giai đoạn hồi phục, phát triển kinh tế. Giai đoạn này mỗi người phải làm việc bằng hai người để không tụt hậu.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ: “Tôi rất mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm ban hành nghị định về tiền lương tối thiểu áp dụng từ 1.7.2022 trên cơ sở cho phép thực hiện thủ tục rút gọn. Đối với những khó khăn của doanh nghiệp về điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bảng lương… chúng ta đều xử lý được. Tôi cũng hy vọng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thống kê nhà nước sớm công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia thương lượng, đàm phán đảm bảo tính thuyết phục, thống nhất”.
Theo laodong.vn