24/07/2014 8:20:08

Hướng dẫn, gợi ý trả lời các câu hỏi Cuộc thi tìm hiểu “Công đoàn Việt Nam – 85 năm xây dựng và phát triển” và Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012.

PHẦN I: TÌM HIỂU VỀ CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Câu 1: Anh (Chị) hãy trình bày sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam và ý nghĩa của sự kiện này? (15 điểm)

Gợi ý trả lời:
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ I (1897 – 1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1918 -1930). Do bị cả thực dân và phong kiến bóc lột hà khắc, giai cấp công nhân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Từ trong đấu tranh đã hình thành tính giai cấp và những người công nhân tập hợp lại thành tổ chức như các hội: Ái hữu, Tương tế, Phường hội, Nghiệp đoàn, Công hội… Đây chính là những tổ chức công đoàn sơ khai đầu tiên và có ở nhiều nơi.
Sau đó tổ chức Công hội Ba Son do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 tại xưởng Ba Son đã ảnh hưởng lớn trong khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Song Công hội này tồn tại trong thời gian ngắn và chưa có chính cương, điều lệ.
Từ năm 1925 đến năm 1928, nhiều Công hội bí mật đã hình thành do sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên… Đặc biệt từ năm 1928, khi kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương thực hiện “Vô sản hóa” thì phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam ngày càng sôi nổi, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức công hội lên một bước mới cả về hình thức và nội dung hoạt động.
Năm 1929 là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động công hội ở nước ta phát triển sôi nổi nhất, đặc biệt là ở miền Bắc. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa các cuộc đấu tranh ở xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương và giữa địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức Mác xít, một Đảng thực sự Cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập tự do. Tháng 3/1929, chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội. Tiếp đến, ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội Đỏ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể Cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Chính trị Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Câu 2: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã xác định phương hướng, nhiệm vụ. Anh (Chị) tâm đắc nhiệm vụ nào? Vì sao? (15 điểm)

Gợi ý trả lời:
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Một là, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Hai là, tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn.
Ba là, tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bốn là, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ công đoàn.
Năm là, công tác nữ công.
Sáu là, công tác đối ngoại.
Bảy là, công tác kiểm tra và hoạt động của Ủy ban kiểm tra.
Tám là, công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn.
Các thí sinh cần phân tích rõ tâm đắc với nhiệm vụ nào trên quan điểm cá nhân.

Câu 3: Anh (Chị) quan tâm nhất là chức năng nào của tổ chức Công đoàn Việt Nam? Vì sao? (15 điểm)

Gợi ý trả lời:
•    Công đoàn Việt Nam có ba chức năng:
– Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức lao động;
– Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động;
– Giáo dục, động viên, công nhân, viên chức, lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm – mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.

Câu 4: Theo Anh (Chị) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình cần tập trung thực hiện những công việc gì để góp phần xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? Vì sao? (20 điểm)

Gợi ý trả lời:
– Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp.
– Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn; giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, nêu cao tinh thần làm chủ đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
– Tham gia thanh tra giám sát chế độ, chính sách thực hiện lương, thưởng, ăn ca, BHXH, BHYT… của người sử dụng lao động đối với người lao động.
– Tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh trong CNLĐ.
– Tích cự quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, CNLĐ; tổ chức ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thường xuyên cho CNLĐ.
– Quan tâm chăm lo đến đời sống, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là những CNLĐ có nhiều khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
– Chủ động, tham gia tuyên truyền về chế độ, chính sách pháp luật cho người lao động; góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, người lao động như: việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng nhà ở, bệnh xá tại khu công nghiệp, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ ở nơi có đông công nhân, người lao động làm việc; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài cho Đảng xem xét, kết nạp.

Câu 5: Anh (Chị) hãy cho biết Công đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập ngày, tháng, năm nào? Thời gian tổ chức các kỳ Đại hội của Công đoàn Dầu khí Việt Nam từ khi thành lập đến nay? (15 điểm)

Gợi ý trả lời:
Công đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập ngày 16/12/1991 theo quyết định số 932/QĐ – TLĐ của Ban thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 25/01/1992 lễ ra mắt Công đoàn Dầu khí Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô thành phố Hà Nội.

–    Đại hội đại biểu lần thứ I (1993 – 1998) họp tại Hà Nội từ ngày 10 đến ngày 11/5/1993.
–    Đại hội đại biểu lần thứ II (1998 – 2003) họp tại Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 27/5/1998.
–    Đại hội đại biểu lần thứ III (2003 – 2008) họp tại Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 21/7/2003.
–    Đại hội đại biểu lần thứ IV (2008 – 2013) họp tại Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 21/6/2008.
–    Đại hội đại biểu lần thứ V (2013 – 2018) họp tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 18/4/2013.

Câu 6: Anh (Chị) hãy viết một bài khoảng 1.500 từ, cống hiến, đề xuất mô hình, đổi mới phương pháp hoạt động Công đoàn trong giai đoạn hiện nay, hoặc những kỷ niệm sâu sắc hay những tấm gương tiêu biểu trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn? (20điểm)

Câu này thí sinh phải tự chọn chủ đề mà bản thân thấy tâm đắc, hoặc nắm chắc nội dung để viết có cảm xúc, có minh họa, có thực tế.

PHẦN II: TÌM HIỂU ĐIỀU LUẬT TRONG BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ LUẬT CÔNG ĐOÀN

A.    THI VIẾT:
Câu 1:

Anh/ chị hãy nêu các trường hợp ngừng việc và tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trả lời:
Các trường hợp ngừng việc và tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc được xác định theo Điều 98 BLLĐ 2012, cụ thể như sau:
“1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”

Câu 2:
Anh/ chị hãy nêu các trường hợp tạm hoãn Hợp đồng lao động theo quy định của  Bộ luật lao động và tiền lương cho người lao động được hưởng khi tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trả lời:
Các trường hợp người lao động được tạm hoãn Hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 của  Bộ luật lao động bao gồm:
–    Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
–    Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
–    Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
–    Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của BLLĐ 2012.
–    Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Về tiền lương của người lao động trong thời gian tạm hoãn Hợp đồng lao động, do Bộ luật lao động không có quy định cụ thể nên tiền lương cho người lao động trong trường hợp này được xác định theo thỏa thuận của hai bên.

Câu  3:
Anh/ chị hãy xác định các trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 144 BLLĐ 2012, Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động bao gồm:
–    Sơ cứu
–    Trả viện phí
–    Tiền lương trong thời gian điều trị
–    Tiền bồi thường hoặc trợ cấp
–    Sắp xếp công việc khi người lao động ổn định

Câu 4:
Anh/chị hãy nêu các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của BLLĐ 2012.

Trả lời:
Theo Điều 36 BLLĐ 2012, Hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau:
–    Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
–    Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
–    Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
–    Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
–    Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
–    Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
–    Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
–    Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
–    Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
–    Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Câu  5:
Anh/chị hãy nêu các trường hợp Hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý đối với các Hợp đồng lao động vô hiệu.

Trả lời:
1. Theo Điều 50 BLLĐ 2012, Hợp đồng lao động vô hiệu trong các trường hợp sau:
– Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;
+ Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;
+ Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;
+ Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
–  Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.
2. Theo Điều 52 BLLĐ 2012, Hợp đồng lao động vô hiệu được xử lý như sau:
– Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật;
+ Các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
–  Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì xử lý như sau:
+ Trong trường hợp do ký sai thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 của Bộ luật này thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động hướng dẫn các bên ký lại;
+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Câu  6:
Anh/chị hãy chỉ rõ các quyền cụ thể của cán bộ Công đoàn cấp cơ sở cấp cơ sở trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp.
Trả lời:
Theo Điều 191 BLLĐ 2012, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở có các quyền sau:
–  Gặp người sử dụng lao động để đối thoại, trao đổi, thương lượng về những vấn đề lao động và sử dụng lao động.
–  Đến các nơi làm việc để gặp gỡ người lao động trong phạm vi trách nhiệm mà mình đại diện.
– Những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thực hiện các quyền hạn quy định tại Điều này.
Theo Điều 10, Luật Công đoàn 2012, Cán bộ Công đoàn có quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cụ thể như sau:
–    Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
–    Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
–    Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
–    Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
–    Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
–    Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
–    Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
–    Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
–    Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
–    Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

Câu  7:
Anh/ chị hãy xác định trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi tiến hành đối thoại tại nơi làm việc?
Trả lời:
– Theo Điều 65 BLLĐ 2012, việc đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành như sau:
+ Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.
+ Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc.
– Theo điểm b khoản 2 Điều 6 BLLĐ 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở.
–    Theo điểm c khoản 1 Điều 5 BLLĐ 2012, người lao động có trách nhiệm yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động.

Câu  8:
Anh/ chị hãy nêu các loại thời gian nghỉ có hưởng lương của người lao động nghỉ?
Trả lời:
Theo Điều 116 BLLĐ 2012, người lao động được nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương trong các trường hợp sau:
–    Kết hôn: nghỉ 03 ngày.
–    Con kết hôn: nghỉ 01 ngày.
–    Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

Câu 9:
Anh/chị hãy nêu các nội dung cơ bản của nội quy lao động và trách nhiệm của người lao động trong việc chấp hành Nội quy lao động của doanh nghiệp.
Trả lời:
– Theo khoàn 2 Điều 119 BLLĐ 2012, nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu dau đây:
+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
+ Trật tự tại nơi làm việc;
+ An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
+ Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
+ Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
– Trách nhiệm của NLĐ trong việc chấp hành Nội quy lao động được xác định theo điểm b khoản 2 Điều 5 BLLĐ 2012: “Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động”.

Câu 10:
Anh/chị hãy nêu các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động tại nơi làm việc
Trả lời:
Theo Điều 5 BLLĐ 2012, người lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Người lao động có các quyền sau đây:
+ Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử.
+ Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể.
+ Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.
+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
+ Đình công.
– Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể.
+ Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động.
+ Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

B. CÂU HỎI THI TRẮC NGHIỆM.

Câu 1:
Khi tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động, phải có sự tham gia của toàn bộ Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
E.    Đúng trong mọi trường hợp.
F.    Tùy từng trường hợp mới cần đến sự tham gia của Công đoàn.
G.    Sai vì không bắt buộc.
H.    Đúng trong các trường hợp kỷ luật thông thường, trường hợp xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách miệng thì không bắt buộc.
*    Đáp án C. Vì:
Theo khoản 1 Điều 123 BLLĐ 2012 thì việc xử lý kỷ luật “Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”. Theo quy định này thì pháp luật không quy định cần phải có sự tham gia của toàn bộ Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

Câu 2:
Trong mọi trường hợp, khi doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, đều phải được sự đồng ý của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
A. Sai vì đây là thủ tục không bắt buộc.
B. Đúng vì đây là thủ tục bắt buộc.
C. Đây chỉ là thủ tục bắt buộc khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
D. Chỉ trong trường hợp công ty cho thôi việc với nhiều người lao động theo Điều 44 Bộ luật lao động 2013 thì mới phải tham khảo ý kiến Ban chấp hành Công đoàn ở cấp cơ sở.
*    Đáp án A. Vì:
Pháp luật lao động chưa có quy định về việc cần phải có sự đồng ý của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở khi chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động.

Câu 3:
Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải trả toàn bộ chi phí cho người lao động bị tai nạn lao động tại nơi làm việc (bất kể tỷ lệ suy giảm sức lao động là bao nhiêu và lỗi thuộc về ai khi xảy ra tai nạn lao động).
E.    Đúng trong mọi trường hợp.
F.    Sai trong mọi trường hợp.
G.    Đúng trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động dẫn đến hậu quả là suy giảm sức lao động từ 5% trở lên.
H.    Đúng trong trường hợp người lao động bị tai nạn lao động, suy giảm từ 31% sức lao động trở lên.
*    Đáp án B. Vì:
Theo khoản 1 Điều 144 BLLĐ 2012 thì: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế”.

Câu 4:
Trường hợp Hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ.
E.    Đúng theo quy định của pháp luật.
F.    Sai vì thuộc trường hợp  chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động.
G.    Đúng trong trường hợp Công ty đồng ý cho người lao động là cán bộ công đoàn tiếp tục làm việc.
H.    Sai trong mọi trường hợp.
*    Đáp án: A. Vì:
Theo khoản 6 Điều 192 BLLĐ 2012 thì “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ”.

Câu 5:
Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc
E.    Sai vì pháp luật không quy định điều này.
F.    Đúng trong trường hợp doanh nghiệp là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
G.    Đúng theo quy định của pháp luật
H.    Cả B và C
*    Đáp án C. Vì:
Theo khoản 4 Điều 119 BLLĐ 2012 thì: “Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc”. Như vậy, mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện quy định này.

Câu 6:
Doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản.
E.    Sai vì điều này phụ thuộc vào quy định nội bộ của công ty.
F.    Đúng theo quy định của pháp luật.
G.    Sai trong mọi trường hợp.
H.    Chỉ đúng đối với trường hợp người lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản, người lao động nữ đang trong thời gian có thai vẫn bị xử lý kỷ luật lao động..
*    Đáp án B. Vì:
Theo điểm d khoản 4 Điều 123 BLLĐ 2012 thì “Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.”

Câu 7:
Tiền lương làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc (nếu có) khi chấm dứt Hợp đồng lao động là tiền lương được ghi trong Hợp đồng lao động.
E.    Đúng theo quy định của pháp luật lao động.
F.    Sai vì phải tính theo lương thực lĩnh.
G.    Sai vì phải tính theo lương thực lĩnh và văn bản nội bộ của công ty
H.    Việc tính theo lương nào phụ thuộc vào quy chế nội bộ của công ty về trả lương cho người lao động. Nhưng không được thấp hơn mức lương ghi trong hợp đồng lao động.
*   Đáp án A. Vì:
Theo khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2012 thì “Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.

Câu 8:
Khi tiến hành đối thoại tại nơi làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trao đổi về điều kiện làm việc và yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
E.    Sai trong mọi trường hợp
F.    Sai vì khi tiến hành đối thoại tại nơi làm việc, người sử dụng lao động và người lao động chỉ trao đổi về . Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
G.    Đúng theo quy định của pháp luật
H.    Đúng trong trường hợp văn bản nội bộ của Công ty có quy định.
*    Đáp án C. Vì:
Theo Điều 64 BLLĐ 2012 thì Nội dung đối thoại tại nơi làm việc bao gồm:
“1. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
2. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.
3. Điều kiện làm việc.
4. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.
5. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
6. Nội dung khác mà hai bên quan tâm.”
Như vậy, điều kiện làm việc và yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động là những nội dung cần phải được trao đổi khi người sử dụng lao động và người lao động tiến hành đối thoại tại nơi làm việc.

Câu 9:
Người lao động làm thêm giờ vào vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường và 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
E.    Đúng trong mọi trường hợp.
F.    Công ty chỉ trả 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
G.    Đúng trong trường hợp người lao động làm việc vào ngày làm việc bình thường.
H.    Sai, vì tiền lương làm thêm giờ được xác định ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
*    Đáp án A. Vì:
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 97 BLLĐ 2012 thì: “2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm của người lao động được tính như sau:

(Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm) = (Mức tiền lương/tiền công làm vào ban ngày) + 30% x (Mức tiền lương/tiền công ngày làm việc bình thường) + 20%  x  (Mức tiền lương/tiền công làm vào ban ngày)

Cụ thể: gọi tiền lương/ tiền công của ngày làm việc bình thường là A:
– Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày làm việc bình thường của người lao động trong ngày làm việc bình thường là:
(Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm) = 150% x A + 30% x A + 20% x A =  200%  x A
– Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ hàng tuần của người lao động trong ngày làm việc bình thường là:
(Tiền lương làm thêm giờ vàn ban đêm) = 200% x A + 30% x A + 20% x (200%xA) =  270%  x  A
– Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động trong ngày làm việc bình thường là:
(Tiền lương làm thêm giờ vàn ban đêm) = 400% x A + 30%  x  A +  20%  x  (400% x A)  =  510%  x  A
*Vì vậy, đáp án đúng trong trường hợp này là đáp án A.

Câu 10:
Tổ chức Công đoàn cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với doanh nghiệp.
E.    Đúng khi có sự đề nghị của người sử dụng lao động
F.    Đúng trong mọi trường hợp
G.    Sai vì Công đoàn chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi  hực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
H.    Tùy theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
*    Đáp án C. Vì:
Theo khoản 1 Điều 10 Luật Công đoàn 2012 thì tổ chức Công đoàn có trách nhiệm: “Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động”