Ngày 20.4, tại Thái Nguyên diễn ra Hội nghị thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 tại các tỉnh khu vực Trung Du và miền núi phía Bắc. Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN chủ trì hội nghị.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Tú
Đã có hơn 163.532 sáng kiến
Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Toản cho biết, qua gần 4 tháng triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến – Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, đến nay đã có 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở. Tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký cả nước là trên 1 triệu sáng kiến; trong đó, 6 LĐLĐ tỉnh thuộc khu vực Trung Du và miền núi Bắc Bộ, 3 LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Lào Cai đã đăng ký 66.775 sáng kiến, chiếm tỷ lệ trên 6% cả nước.
Tính đến 8h00 ngày 20.4.2022, đã có hơn 163.532 sáng kiến cập nhập trên hệ thống phần mềm. Các đơn vị đang dẫn đầu cả nước là Thanh Hóa với 35,728 sáng kiến; Hà Nội với 18,549 sáng kiến, Nghệ An với 14,282 sáng kiến…
Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Toản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Tú
“Đặc biệt sáng kiến của đoàn viên công đoàn, NLĐ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tham gia chương trình này là rất lớn. Để đạt được kết quả trên, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng Công ty đã tăng cường cán bộ trực tiếp phụ trách chương trình và quản trị phần mềm để tham mưu giúp thường trực lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra giám sát, nắm kết quả thực hiện tại các cơ sở hàng ngày, hằng tuần. Công đoàn cấp trên trực tiếp và công đoàn cơ sở thành lập các “Tổ hỗ trợ sáng kiến” để giúp các cá nhân hoàn thiện thủ tục hồ sơ sáng kiến theo quy định, bố trí địa điểm để cập nhật sáng kiến tại đơn vị. Ban chấp hành CĐCS chủ động phối hợp với người sử dụng lao động có chính sách trước mắt và lâu dài dành nguồn kinh phí để động viên, khích lệ, khen thưởng tôn vinh trân trọng tất cả các sáng kiến” – ông Nguyễn Văn Toản cho hay.
Cùng công đoàn cơ sở gỡ khó
Tại hội nghị, ông Phạm Việt Dũng – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên thông tin, thực hiện chương trình, LĐLĐ tỉnh đã đăng ký chỉ tiêu 16.000 sáng kiến. Kết thúc giai đoạn 1, LĐLĐ tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu 5.000 sáng kiến. Đến sáng 20.4, đơn vị có 3.718 sáng kiến được cập nhật, xác nhận vị trí thứ 12 toàn quốc trên Cổng trực tuyến của chương trình.
“Việc vận động người sử dụng lao động đồng ý để NLĐ có sáng kiến tham gia Chương trình rất khó khăn, do doanh nghiệp xem sáng kiến đó là tài sản, vốn quý của đơn vị cần được giữ bí mật. LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã phân công đại diện Thường trực, Thường vụ đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động giao Ban Chấp hành CĐCS chịu trách nhiệm và bảo lãnh việc cập nhật sáng kiến của NLĐ lên Cổng trực tuyến. Đi đôi với đó là thành lập Tổ hỗ trợ sáng kiến ở từng tổ sản xuất để hướng dẫn, giúp đoàn viên, NLĐ cập nhật và có chính sách động viên, khen thưởng đối với sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu” – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.
Các LĐLĐ tỉnh cũng đề xuất nhiều nội dung với Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải và đoàn công tác như Tổng LĐLĐVN nên tổ chức chiến dịch cao điểm về đích giai đoạn 1 chương trình “1 triệu sáng kiến”; cùng với đó là tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm tốt và tháo gỡ khó khăn về sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Tú
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải ghi nhận ý kiến của các địa phương và giải thích ngay nhiều vấn đề các đơn vị thắc mắc.
“Chương trình là một sự thay đổi, đơn vị nào bắt kịp thì sẽ có giải pháp tốt và kết quả tốt. Đến nay, nhiều đơn vị có số lượng đoàn viên, CĐCS không cao nhưng giữ vị trí thứ hạng tốt. Điều thành công nhất là tinh thần cố gắng vượt qua khó khăn và ý chí vươn lên rõ rệt, cùng với đó là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp” – ông Trần Thanh Hải bày tỏ.
Nhận xét về cách làm của LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, ngay từ đầu địa phương đã có nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình. Trong quá trình triển khai thấy vướng mắc ở doanh nghiệp thì LĐLĐ tỉnh đã có giải pháp kịp thời, nhất là đặt mục tiêu cụ thể cho công đoàn cơ sở. Đặc biệt là công đoàn cơ sở nhận trách nhiệm trước doanh nghiệp về tổng hợp và cập nhật sáng kiến cũng như đề xuất chính sách khen thưởng cho những sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu.
Để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả chương trình “1 triệu sáng kiến” trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đề nghị, từng đơn vị cần phân công cán bộ công đoàn tham mưu thực hiện tại địa phương; trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật và có năng lực hoàn thiện nội dung cập nhật sáng kiến của đơn vị trên Cổng trực tuyến. Song song với đó là hình thành tổ sáng kiến ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ gợi mở ý tưởng, tiếp nhận sáng kiến, đề xuất áp dụng và hướng dẫn kê khai sáng kiến. Các công đoàn cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch hưởng ứng, vận động người sử dụng lao động ủng hộ và có chính sách động viên hoạt động sáng kiến của NLĐ; phát huy tính tự giác của NLĐ tham gia chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa giá trị sáng tạo của NLĐ để họ tự hào, họ chung sức khôi phục kinh tế, đóng góp tích cực cho xã hội.
Theo laodong.vn