Sáng 15/4, tại Nghệ An, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì. Tham dự có các đồng chí Nguyễn Xuân Hùng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng; Nguyễn Văn Toản – Phó Chánh Văn phòng; đại diện Thường trực 6 LĐLĐ tỉnh Bắc Trung Bộ và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình.
Từ giải pháp đa dạng
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã cùng nhau thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện. Đồng chí Kha Văn Tám – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 13/4/2022, Nghệ An đã có 13.386 lượt nộp sáng kiến (đạt 446,2% giai đoạn 1), xếp thứ 3 trong toàn quốc. Để đạt được kết quả đó các cấp công đoàn Nghệ An đã có nhiều giải pháp tích cực như: tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm của Chương trình “75 nghìn sáng kiến”; tiếp đến xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành tài liệu, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhất là về cách thức, phương pháp thực hiện. Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để chỉ đạo thực hiện Chương trình; phân công các đồng chí thường trực, thường vụ đến các cụm thi đua để chỉ đạo triển khai, lắng nghe ý kiến từ cơ sở…
Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức như: Tận dụng tối đa hiệu quả mạng xã hội và báo chí, thiết kế phương tiện truyền thông đa dạng, biểu dương hàng tuần, liên tục cập nhật….
Đồng chí Kha Văn Tám – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An
“Để triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt Chương trình, cán bộ công đoàn phải làm trước, làm mẫu nên chúng tôi tổ chức phát động ngay tại công đoàn cơ quan. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, các ngành, các tổ chức liên quan để thực hiện, đơn cử như phối hợp với Tỉnh đoàn, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh để phát động tham gia Chương trình nhằm phát huy sức trẻ, sức mạnh khối doanh nghiệp” – Đồng chí Kha Văn Tám nói. LĐLĐ tỉnh Nghệ An cũng kịp thời khen thưởng cho 5 sáng kiến tại 5 doanh nghiệp.
Là đơn vị đang dẫn đầu cả nước với 31,293 sáng kiến cập nhật trên Cổng trực tuyến, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cũng có những cách làm riêng để thu hút người lao động quan tâm, hưởng ứng. Cụ thể, đã gắn chương trình “01 triệu sáng kiến” với phong trào thi đua “CNVCLĐ chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”, giai đoạn 2021-2030; với thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn, việc triển khai chương trình được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công đoàn từ tỉnh đến huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để hướng dẫn đoàn viên, NLĐ tham gia cuộc thi. Đối với Thanh Hóa, các sáng kiến nhiều ở khối doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức biểu dương, khen thưởng và tặng các món quà ý nghĩa cho NLĐ có sáng kiến nổi bật. Chúng tôi xác định, chương trình phải đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng và số lượng” – đồng chí Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh.
Đến với chương trình “01 triệu sáng kiến”, Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ với tổng số 69.000 đoàn viên nhưng đến ngày 15/4 đã đóng góp 8,973 sáng kiến, xếp thứ 4 toàn quốc. Đồng chí Ngô Đình Vân – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Kinh nghiệm của Hà Tĩnh là phải giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp công đoàn, phân công cán bộ quản trị, tập hợp, thống kê sáng kiến của các đơn vị để báo cáo thường xuyên với Ban Thường vụ. Để tăng số lượng sáng kiến và sáng kiến có chất lượng, LĐLĐ tỉnh đã làm việc với Sở Y tế để đề nghị chỉ đạo các bệnh viện tổ chức phát động sáng kiến. Các bệnh viện rất đông đoàn viên, họ đồng tình và động viên đoàn viên hưởng ứng, khi có sáng kiến, chuyên môn sẽ lập tức thành lập hội đồng đánh giá và khi đó sáng kiến đủ điều kiện để tham gia Chương trình. LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu Tháng Công nhân năm 2022 sẽ hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh
Cũng như Hà Tĩnh, Quảng Bình có 50 nghìn đoàn viên nhưng đã nỗ lực để khẳng định vị trí thứ 16 toàn quốc với 1,704 sáng kiến. Để tạo hiệu ứng lan tỏa của chương trình, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Đài PTTH tỉnh tổ chức truyền hình trực tiếp lễ phát động Tháng Công nhân năm 2022 và giao lưu một số điển hình trong chương trình. Đặc biệt, UBND tỉnh đồng ý để LĐLĐ tỉnh đề xuất khen thưởng cho CNLĐ có sáng kiến chất lượng, đem lại lợi ích cho cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thế Lập – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị
LĐLĐ tỉnh Quảng Trị hiện đang xếp thứ 28, trong đó có 1.214 sáng kiến của cán bộ công đoàn. Trong 67 cán bộ công đoàn chuyên trách của tỉnh đã có 15 người có sáng kiến. Đồng chí Nguyễn Thế Lập – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh giải pháp nêu gương của cán bộ công đoàn. Theo đó cán bộ công đoàn phải làm trước, cán bộ công đoàn chuyên trách phải có sáng kiến.
Trong Cụm thi đua Bắc Trung Bộ tham gia chương trình, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đang xếp thứ 60 cả nước. Đồng chí Lê Minh Nhân – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chia sẻ những khó khăn của đơn vị, đồng thời mong muốn học hỏi, rút kinh nghiệm từ các tỉnh để thực hiện hiệu quả hơn.
Đồng chí Lê Minh Nhân – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thẳng thắn nhìn nhận, sáng kiến là sự nghiên cứu, sáng tạo, có trí tuệ, có thời gian, không phải là việc làm hình thức, do đó công đoàn cần khơi dậy tinh thần ham mê sáng kiến trong CNVCLĐ, đảm bảo thực chất, không chạy theo số lượng.
Tại Hội nghị, đại diện 6 LĐLĐ tỉnh Bắc Trung Bộ và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cũng nêu những khó khăn, hạn chế khi thực hiện chương trình, như: Hệ thống phần mềm đăng ký sáng kiến đôi lúc bị lỗi, nhiều người lao động có sáng kiến nhưng doanh nghiệp sợ lộ thông tin nên không muốn để người lao động tham gia hoặc để cho công đoàn tuyên truyền; khi người lao động tại doanh nghiệp có sáng kiến, doanh nghiệp thường ghi nhận và khen thưởng bằng tiền và không tổ chức hội đồng đánh giá sáng kiến. Việc ghi nhận số lượng sáng kiến trên Cổng trực tuyến, chưa tính được tỷ lệ trên số lượng đoàn viên.
Đến tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của cán bộ công đoàn
Ghi nhận ý kiến của các tỉnh và trả lời ngay nhiều vấn đề các đại biểu thắc mắc, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, trải qua 227 ngày, chương trình Chương trình “01 triệu sáng kiến” đã đạt được con số 145 nghìn sáng kiến, đạt 50% kế hoạch. Đến 01/9/2023, thứ hạng của các địa phương có thể thay đổi nhưng hiện nay khu vực Bắc Trung Bộ đang là động lực cho các địa phương trên địa bàn cả nước. Từ những đơn vị dẫn đầu đã phản ánh tinh thần trách nhiệm, năng lực sáng tạo, tính chuyên nghiệp của cán bộ chuyên trách công đoàn. Đồng chí Trần Thanh Hải cũng biểu dương sự nỗ lực của LĐLĐ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh này luôn thực hiện chương trình nghiêm túc, trách nhiệm.
Đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo
Nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình “01 triệu sáng kiến” đối với quá trình phục hồi kinh tế và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, đồng chí Trần Thanh Hải nói: “Phải làm sao để nói đến Chương trình “01 triệu sáng kiến” là đoàn viên, CNVCLĐ, chính quyền các cấp biết rằng đây là chương trình ý nghĩa của tổ chức công đoàn. Không chỉ chương trình này, mà các phong trào thi đua khác, phải làm sao để thấy tự hào khi được đạt thành tích, được biểu dương, khen thưởng. Khi đó, vai trò, vị thế của công đoàn được nâng lên”.
Đối với vai trò của cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn khơi dậy được tinh thần, khát vọng sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo cho đoàn viên, CNVCLĐ. Và khi làm được điều đó rồi, thì phải đẩy mạnh truyền thông, phải lan tỏa được quá trình sáng tạo của NLĐ để họ tự hào, họ chung sức khôi phục kinh tế, đóng góp tích cực cho xã hội.
“Tôi kỳ vọng sự cố gắng, quyết tâm, sáng tạo, đồng bộ của đội ngũ cán bộ công đoàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục là nhân tố quan trọng dẫn dắt, tạo nên thành công của chương trình” – đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo congdoan,vn