I. Nguyên tắc hoạt động công đoàn
Nguyên tắc là những tập hợp quy định, quy tắc chỉ đạo hành động. Nguyên tắc hoạt động Công đoàn là những quy định cơ bản, ổn định; là chuẩn mực để hướng dẫn nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động, thực hiện chức năng của Công đoàn và được thiết lập ngay từ ngày đầu xuất hiện tổ chức.
1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng
Đảng CSVN là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Tất cả những thành viên trong hệ thống chính trị trong đó có Công đoàn đều đặt hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tức là đảm bảo hoạt động của Công đoàn luôn theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào chương trình hoạt động của mình. Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng thông qua việc thông tin báo cáo tình hình và kết quả hoạt động.
2. Liên hệ mật thiết với quần chúng
Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVC-LĐ, ngược lại CNVC-LĐ là cơ sở xã hội của Công đoàn. Sức mạnh của Công đoàn là mối liên hệ mật thiết với quần chúng để thu hút, tập hợp, thống nhất ý chí hành động. Nếu xa rời quần chúng Công đoàn sẽ không còn “đất hoạt động”. Cán bộ công đoàn cần nhận thức đầy đủ về vai trò quyết định của quần chúng tăng cường mối quan hệ với quần chúng, hoà mình với quần chúng, giành được niềm tin của quần chúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ để hướng hoạt động của Công đoàn đáp ứng được yêu cầu càng mới càng cao của quần chúng.
Liên hệ mật thiết với quần chúng công đoàn thường được cụ thể bằng sự tiếp cận,, đi lại thăm hỏi trong những dịp sinh nhật, hiếu, hỷ, lễ, tết; tổ chức các hoạt động quần chúng; chia xẻ, lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng.
3. Đảm bảo tính tự nguyện của quần chúng
Tính tự nguyện của quần chúng trong hoạt động Công đoàn là người đoàn viên tự nguyện ra nhập tổ chức Công đoàn, tự nguyện tham gia, thực hiện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của công việc mà chính mình có bổn phận hoàn thành. Đảm bảo tính tự nguyện của quần chúng trong hoạt động Công đoàn có nghĩa là không gò ép, áp đặt mà để đoàn viên tự giác tham gia hoạt động. Trước khi tiến hành một việc dù nhỏ, dù lớn cũng cần có sự giải thích, tuyên truyền thuyết phục để đoàn viên hiểu ý nghĩa, nhận thức trách nhiệm, tự nguyện hành động. Muốn vậy, những hoạt động của Công đoàn phải có nội dung sát thực với những vấn đề mà quần chúng quan tâm, hình thức thể hiện hấp dẫn lôi cuốn quần chúng tham gia. Tuy nhiên cũng không chiều theo ý muốn quần chúng, khi những vấn đề chưa phù hợp với nguyện vọng đông đảo của CNVC-LĐ.
4. Tập trung dân chủ
Trong hoạt động Công đoàn, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản của CĐVN đảm bảo sự thống nhất giữa ý chí và hành động chống sự “tập trung quan liêu” và “dân chủ vô tổ chức”. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:
Cơ quan lãnh đạo của các cấp Công đoàn đều do bầu cử lập ra.
Quyền quyết định cao nhất của mỗi cấp Công đoàn thuộc về Đại hội Công đoàn cấp đó.
Giữa 2 kỳ Đại hội cơ quan lãnh đạo cao nhất là Ban Chấp hành do Đại hội cấp đó bầu ra. (Trong trường hợp đặc biệt Công đoàn cấp trên có thể chỉ định Ban Chấp hành cấp dưới nhưng không quá 12 tháng)
Ban Chấp hành Công đoàn các cấp thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
II. Phương pháp hoạt động công đoàn
Phương pháp là cách thức, là con đường, phương tiện để đạt tới mục đích. Phương pháp hoạt động Công đoàn là cách thức làm việc của cán bộ công đoàn và đoàn viên trên cơ sở mục đích, nội dung và nguyên tắc đã xác định.
1. Phương pháp thuyết phục
Đó là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, bằng lý lẽ và việc làm mẫu mực để người được thuyết phục hiểu được mục đích của vấn đề tin theo và làm theo. Có nhiều dạng thuyết phục: thuyết phục bằng tình cảm, bằng lý trí, bằng khuyến khích lợi ích hoặc đề cao nghĩa cử để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ mà tham gia hoạt động.
Thuyết phục là một nghệ thuật do đó đòi hỏi cán bộ công đoàn phải xâm nhập thực tiễn, sâu sát tình hình, hiểu biết tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh, trình độ đoàn viên và lao động. Người thuyết phục phải có uy tín, có trình độ hiểu biết nhất định. Điều đó biểu hiện bằng hành vi, lối sống chuẩn mực, tri thức, lý luận, tâm lý, khả năng truyền cảm… Các bước thuyết phục thường từ thăm hỏi, động viên, chia xẻ, giúp đỡ… sau là bày tỏ nội dung.
Đối tượng thuyết phục không chỉ là quá trình tác động từ cán bộ công đoàn đến đoàn viên và người lao động mà còn được vận dụng từ quần chúng đến quần chúng. Đó là thông qua việc nêu gương điển hình và hình thành dư luận xã hội. Đồng thời đối tượng thuyết phục còn cả là người quản lý, sử dụng lao động.
Để sử dụng phương pháp thuyết phục có hiệu quả trong hoạt động công đoàn, cần tránh tình trạng “nói hay làm dở”, truy chụp”, “đao to búa lớn”, quan liêu mệnh lệnh, gò ép quần chúng…
2. Tổ chức cho quần chúng hoạt động
Tổ chức cho quần chúng hoạt động là công đoàn tổ chức các phong trào thu hút đoàn viên và lao động tham gia hoạt động một cách sâu rộng theo các chuyên đề như: Tổ chức các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt…tổ chức tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ của đơn vị, tổ chức đối thoại giữa CNVC-LĐ với người quản lý sử dụng lao động, tổ chức các phong trào văn hoá quần chúng…
Tổ chức cho quần chúng hoạt động nhằm: thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn; nâng cao uy tín và sức mạnh của tổ chức Công đoàn; tạo mối quan hệ mật thiết giữa Công đoàn và quần chúng. Vì vậy, số lượng CNVC-LĐ tham gia càng lớn thì hiệu quả hoạt động của Công đoàn càng cao.
Tổ chức cho quần chúng hoạt động công đoàn cần nghiên cứu chủ đề có nội dung thiết thực, hình thức hoạt động phù hợp, thời điểm thuận lợi, đồng thời cần tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự tích cực tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Trong việc tổ chức quần chúng hoạt động công đoàn phải xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết. Trong đó các Ban quần chúng, các công đoàn bộ phận, tổ công đoàn sẽ giúp về tuyên truyền vận động, các đoàn viên có nhiệt tình năng lực, năng khiếu sẽ làm nòng cốt cho hoạt động…
3. Xây dựng hệ thống quy chế và tổ chức hoạt động bằng quy chế
Công đoàn xây dựng và tham gia các quy chế và tổ chức thực hiện theo các quy định là một trong những nội dung đổi mới hoạt động công đoàn. Để xây dựng hệ thống quy chế và tổ chức hoạt động bằng quy chế của Công đoàn phát huy tác dụng, cán bộ công đoàn cần am hiểu luật pháp, nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn, đặc điểm tình hình của tổ chức cơ quan đơn vị. quy chế của một cơ quan, đơn vị là “luật” được thu nhỏ phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không trái với pháp luật Nhà nước và Điều lệ Công đoàn. Trong quá trình thực hiện quy chế, Công đoàn cần sử dụng tổng hợp các phương pháp Công đoàn, thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm, phát hiện những bất hợp lý trong quy chế, để sửa đổi bổ sung cho hoàn thiện.
Công đoàn cần xây dựng và thực hiện các loại quy chế sau:
1. Quy chế hoạt động trong nội bộ của tổ chức Công đoàn là những quy định về lề lối làm việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban Chấp hành, của Chủ tịch, của các Ủy viên Ban Chấp hành và các chức danh khác của Công đoàn.
2. Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cùng cấp là những quy định về cơ chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành Công đoàn với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai bên và tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên vì mục đích chung của cơ quan, đơn vị.
3. Quy chế quản lý cơ quan, đơn vị là những quy định trách nhiệm, quyền hạn của mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị nhằm góp phần xây dựng cơ quan đơn vị không ngừng phát triển.